Chuyện chưa kể của những người từ vùng dịch trở về

01/01/2021 19:00

Covid-19 đã để lại những trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Dù là người trên chiến tuyến chống dịch, hay người thực hiện lệnh cách ly…đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Những trải nghiệm không thể nào quên

Khi lựa chọn nghề bác sỹ, Th.s Trần Hải Ninh (công tác ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cũng đã xác định những khó khăn mà bản thân sẽ phải trải qua. Tuy nhiên với dịch bệnh Covid-19, đó quả là thử thách không ngờ tới và là kỷ niệm khó quên trên hành trình khám, chữa bệnh.

“Ngày đi học, tôi đã được nghe kể về những câu chuyện, về lòng yêu nước, về tinh thần đoàn kết, về nghĩa đồng bào. Trải qua đợt dịch Covid, tôi mới thực sự “chạm” vào điều đó. Tổ quốc thiêng liêng, hai tiếng Việt Nam ý nghĩa biết nhường nào. Với tôi đó là những trải nhiệm đặc thù riêng của nhân viên y tế”, bác sỹ Hải Ninh tự hào chia sẻ.

Là đơn vị tuyến đầu chống dịch, như Thủ tướng đã nói “Chống dịch như chống giặc”, trong những ngày cao điểm phòng chống dịch, các cán bộ, nhân viên y tế luôn khoác trên mình bộ đồ bảo hộ trong thời tiết nóng nực, nhịn uống nước để không phải đi vệ sinh. Họ phải ở lại bệnh viện hoàn toàn trong thời gian dài không được trở về nhà, xa gia đình, xa con nhỏ. Thế nhưng, đó cũng là thời điểm triệu trái tim hướng về y tế nước nhà. Từ cụ già tới các cháu nhỏ cũng hỏi han, quan tâm cán bộ, nhân viên y tế thiếu gì. Món quà là gói bim bim hay những tấm thiệp với lời nhắn nhủ yêu thương của các cháu bé đã trở thành là nguồn động viên rất lớn với một chiến sĩ Blu trắng trên chiến trường “diệt giặc” Covid-19.

Trong chuyến bay giải cứu 350 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo trở về, trong số đó có hơn 200 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Với không gian máy bay chật hẹp mà Covid-19 lại dễ dàng lây qua đường hô hấp thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thế nhưng vào thời điểm ấy tại hãng hàng không Việt Nam Airline cũng như ở bệnh viện đã có nhiều người xung phong tình nguyện tham gia chuyến bay đáng nhớ này.

“Tôi thấy bản thân mình may mắn khi được tham gia vào chuyến bay cảm tử này. Lúc máy bay hạ cánh ở Guinea, toàn bộ hơn 300 công dân Việt Nam đứng vẫy cờ và khóc. Khi đó chúng tôi chưa xuống máy bay, chỉ đứng ở trên nhìn xuống cũng đã ứa nước mắt rồi. Giây phút đó, tôi mới hiểu được rằng thế nào là nghĩa đồng bào, thế nào là chính phủ không bỏ rơi công dân của mình. Nếu như không có Covid-19, thì có lẽ chúng tôi sẽ chẳng thể nào cảm nhận được tinh thần đoàn kết đó. Từ hệ thống y tế dự phòng, rồi bộ đội, công an đã tạo nên lá chắn rất lớn trong quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân”, Th.s Hải Ninh chia sẻ.

Bệnh nhân mắc Covid đã đành, nếu cán bộ y tế cũng bị mắc thì làm sao? Bởi trang bị phòng hộ sẽ chẳng thể đảm bảo 100% không lây nhiễm. Và việc gì đến sẽ đến. Bầu không khí ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vô cùng căng thẳng, tinh thần của hơn 300 cán bộ y tế chùng xuống khi nhân viên y tế của viện dương tích với SARS-CoV-2. “Lúc đó, ban lãnh đạo bệnh viện cũng rất trăn trở và đã tiến hành các cuộc họp, rút kinh nghiệm ở các khâu, những đoạn nào chưa tốt, lý do vì sao để có thể tránh được tình trạng này. Trong “cái khó ló cái khôn”, chúng tôi cũng đã có những sáng kiến nhỏ tạo nên các buồng đặt nội khí quản cho bệnh nhân sẽ hạn chế ít nhiều khả năng lây nhiễm, tạo các tấm chắn để điều chỉnh luồng gió thổi. Khoa cấp cứu còn chế tạo mũ chùm ra ngoài đầu, có nối dây oxy đảm bảo không bị kín hơi”, bác sỹ Ninh nhớ lại.

Bên cạnh nỗi lo lắng, áp lực công việc thường trực thì mỗi điều nhỏ nhặt diễn ra ở khu cách ly cũng trở nên ý nghĩa. Đó là tiếng khóc của em bé chào đời trong khu cách ly. Tất cả mọi người, từ ban giám đốc bệnh viện, cán bộ, nhân viên, điều dưỡng đến các bác bảo vệ, cô nhân viên dọn vệ sinh cũng đều vỡ òa vui sướng như chính đứa con đẻ của mình được sinh ra.

“Chúng tôi trân trọng những khoảnh khắc đó, bởi đó là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn để mỗi cán bộ, nhân viên y tế cố gắng từng ngày. Nếu nói đó là hành động anh hùng, là thành tích thì chúng tôi không dám nhận, bởi khi mình đã lựa chọn nghề nghiệp này thì đó là trách nhiệm và đó chỉ là đóng góp nhỏ bé cho con đường mà mình đã chọn. Covid-19 chính là phép thử của lòng tin để chúng tôi thêm yêu nghề và cố gắng hơn nữa cho nghề nghiệp của mình”, bác sỹ Hải Ninh tâm sự.

Đại sứ được đặc cách nhưng Covid-19 không miễn trừ bất cứ ai

Đang trong những ngày cuối cùng kết thúc nhiệm kỳ làm đại sứ, theo thông lệ, bà Ngô Thị Hòa (Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan) sẽ tham gia rất nhiều hoạt động đối ngoại như chào từ biệt nhà Vua, tổ chức tiệc liên hoan chia tay…Tuy nhiên do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 mà mọi thứ đều bị hủy. Đổi lại, bà đã có những trải nghiệm đặc biệt trong sự nghiệp làm ngoại giao.

“Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước Châu Á khác. Lúc này, Châu Âu hoàn toàn chưa có ca mắc nào. Tuy nhiên, người Âu Châu rất nhạy cảm về vấn đề này. Họ lo ngại và bày tỏ thái độ kì thị với người Châu Á. Vì thế khi nhìn thấy chúng tôi dù đeo hay không đeo khẩu trang, họ sẽ tránh ra xa một chút”, bà Hòa chia sẻ.

Đầu tháng 2, dịch bệnh bùng phát ở Châu Âu, bắt đầu từ Ý đến Hà Lan. Ca đầu tiên ở Hà Lan được phát hiện vào ngày 27/2. Sau đó là các ca mắc Covid-19 tăng lên chóng mặt với tốc độ 10% người mắc/ngày, tức là cứ 1000 ca được kiểm tra trong ngày thì có tới 100 ca dương tính.

Lúc đó, chính phủ Hà Lan cũng đã thực hiện các chính sách về giãn cách. Trường học đóng cửa, các cơ quan công sở làm việc trực tuyến, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở cửa, hạn chế người ra ngoài nếu không có lý do chính đáng. Khoảng cách giữa người với người tối thiểu là 1.5m. “Xã hội Hà Lan lúc đó thay đổi một cách kinh khủng. Từ một đất nước tươi đẹp, vui nhộn với đông đảo khách du lịch đã trở nên ảm đạm, không có một bóng xe cộ đi lại”, đại sứ Ngô Thị Hòa chia sẻ.

Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, “chúng tôi không nhận được yêu cầu đóng cửa, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn cho các cán bộ nhân viên. Sau đó, một kế hoạch làm việc trong đợt dịch đã được đưa ra. Chúng tôi đã nghĩ đến việc chia ca. Mặc dù đại sứ quán chỉ có 8 người nhưng vẫn thực hiện chia thành 4 ca. Nếu chẳng may có người mắc Covid-19 thì công việc vẫn không đình trệ. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiệm vụ động viên, trấn an tinh thần cho khoảng gần 20 ngàn người Việt tại Hà Lan”.

Ở Châu Âu, khi một người có triệu chứng mắc Covid-19 phải đưa đến bác sỹ gia đình khám mới được quyết định có đến bệnh viện hay không và những trường hợp được đến bệnh viện cũng rất hạn hữu. “Trong thời gian ấy không biết phải làm như thế nào để gặp bác sỹ, bởi họ luôn bận, hoặc tìm lí do để từ chối, hoặc chỉ hướng dẫn trực tuyến cho mình. Cộng đồng người Việt và cả đại sứ quán bên đó rất lo lắng. Nếu chẳng may có người mắc thì không biết sẽ xử trí ra sao? Lúc đó với tư duy logic của một người không phải bác sỹ, chúng tôi chỉ biết mua thêm vitamin, các loại thực phẩm chức năng để nâng cao thể trạng cho cán bộ. Thiếu khẩu trang thì dùng khăn che hoặc tự tạo khẩu trang cho mình, bởi các cửa hàng thuốc ở đây cũng không chú trọng mặt hàng thiết yếu này”.

Sau khi hoàn tất mọi công việc tại Hà Lan, để đặt chân về quê hương, bà Hòa đã đã phải đổi vé tới 3 lần. Đầu tiên là mua vé máy bay Emirates, vài ngày sau hãng thông báo hủy. Sau đó đặt sang hãng của Singapore cũng không được. Mọi chuyến bay từ Hà Lan về Việt Nam đã bị hủy. Bà Hòa nghĩ “chắc là mình bị tắc ở Hà Lan rồi. May thay, một người bạn của tôi thông báo trong 2 ngày (23/3) tới sẽ có chuyến bay cuối cùng của hãng Việt Nam Airline từ Frankfurt (Đức). Như vậy, tôi chỉ có duy nhất một ngày để thu xếp đồ đạc, giấy tờ và chia tay đồng nghiệp. Khi di chuyển đến Frankfurt, tôi phải đi bằng đường bộ, mất khoảng 5 tiếng, bắt đầu từ 4h sáng thì 2h chiều đã có mặt ở đây”, bà Hòa cho biết.

Lúc đó, sân bay frankfurt rất vắng, vì có chuyến bay của Việt Nam Airline nên có khá đông người Việt ở đó. Tất cả người Việt tập trung vào chuyến bay cuối cùng này, ai cũng hy vọng mình sẽ về nước một cách thuận lợi. Chia sẻ về chuyến bay đặc biệt này, đại sứ Ngô Thị Hòa cho biết: “Khác với những chuyến bay thương mại, ngay từ lúc lên máy bay mọi người phải tuân thủ các thủ tục khắt khe đeo khẩu trang, găng tay, kiểm tra thân nhiệt…Mặc dù là người Việt với nhau, nhưng người này nhìn người kia như nguồn lây bệnh cho mình và đứng cách xa nhau. Lúc lên máy bay, chỉ có 1-2 người được bố trí ở trên 1 dãy ghế. Mỗi người chỉ được phát 1 hộp đồ ăn nguội và 1 chai nước trong suốt 10 tiếng. Ai cũng cố gắng ngồi yên, lặng lẽ không đi đâu, làm gì, thậm chí muốn ho cũng chẳng dám..

Bà Hòa kể: “Khi máy bay hạ cánh ở sân bay Vân Đồn, xe của cơ quan đã trực sẵn ở ngoài để đón tôi, xe của quân đội chở người dân đi cách ly cũng đã có mặt ở sân bay. Tôi là trường hợp “cá biệt”, bởi đây là lần đầu tiên có đại sứ từ vùng dịch trở về nên bộ ngoại giao và cả hãng máy bay không biết xử trí thế nào.

Trong bối cảnh đó, tôi tình nguyện đi cách ly tập trung theo đoàn. Lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ rằng, đại sứ thì được miễn nhưng con virus không miễn trừ một ai. Qua chuyến đi này, tôi thấy công tác phòng chống dịch của Việt Nam thật đáng tự hào và bản thân tôi thật may mắn khi đã về nước an toàn”./.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể của những người từ vùng dịch trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO