Vụ trẻ mầm non 2 tuổi bị bạo hành ở trường: Làm sao chữa trị vết thương tâm lý cho con?

MINH AN| 24/10/2021 15:08

Một clip ghi lại cảnh bé gái mầm non khoảng 2 tuổi bị bạn đánh, đạp thâm tím tại lớp học vừa được đăng tải trên mạng xã hội.

Theo đó, tối 23/10 tài khoản có tên Đ.H tự nhận mình là phụ huynh của cháu bé bị đánh tới tấp trong clip viết: "Mỗi lần xem lại video là em lại khóc. Không biết lỗi do bé kia hay do cô giáo hay do em đã chọn sai trường cho con em. Gia đình không thiếu người trông Q. nhưng vẫn muốn cho con đi học để cho nó dạn người, cho đi học trường tư để con được chú ý hơn vậy mà kết quả như này đây,... Tại sao lúc con em khóc cô giáo không vào luôn hay quen rồi. Nghĩ nó khóc rồi nó sẽ nín? Trên đỉnh đầu con em còn bầm dập rất nhiều. Trên cơ thể cũng vậy...”.

Được biết, bé gái trong vụ việc là cháu Đ.Q (2 tuổi), học sinh tại nhóm trẻ tư thục ở huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang).

Trong đoạn clip, ngay trong lớp học lúc đó có khoảng 8 bé, cửa lớp đóng và cô giáo không có mặt. Một bé trai mặc áo xanh liên tục đánh và đá một bé gái khiến bé này giãy giụa nằm ra sàn nhà khóc lóc.

Tuy nhiên, chỉ bỏ đi 1 lúc, bé trai này lại quay lại chỗ bé gái, dùng chân đạp lên người và đầu, ngồi đè lên cả người bé gái. Mặc cho bé gái khóc lóc, bé trai này vẫn liên tục dúi đầu bé gái xuống nền nhà, đập cả đầu bé gái vào tường.

anh2.jpeg
Bé gái bị đánh ngay trong lớp học nhưng không thấy sự xuất hiện của cô giáo

Khi sự việc xảy ra, bé gái liên tục khóc thét nhưng phải đến gần 5 phút sau, cô giáo mới mở cửa bước vào, lúc này, bé gái vội chạy về phía cô giáo.

Ông Thân Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên) cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được sự việc và đang trong quá trình kiểm tra, xử lý.

"Chúng tôi đã yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường có tường trình và xin lỗi gia đình. Bên cạnh đó, địa phương đang xem xét điểm trông trẻ này, Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cũng đã có ý kiến, kế hoạch kiểm tra, có thể sẽ đóng cửa nếu không đảm bảo chất lượng.

Theo tường trình của hiệu trưởng, khoảng 11h ngày 23/10 khi không có giáo viên trông nên các bé tự đánh nhau. Đây là trường mầm non tư thục. Trong trường có khoảng 40 học sinh, cùng 10 giáo viên", ông Giang nói.

Chữa trị vết thương tâm lý cho con thế nào?

Bắt nạt, bạo lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, khả năng học hỏi và thậm chí là tính mạng của học sinh.

Tất cả các hình thức bạo lực đều ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, ngay cả học sinh chứng kiến bạo lực. Nếu học sinh không nói ra, cảm xúc tiêu cực có thể tích cụ bên trong và gây ra các vấn đề về tâm lý như lo lắng, sợ hãi, dần dần có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo ấu hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), thậm chí là có ý định tự tử hoặc tự tử.

Nhiều chuyên gia đều nhận định, quan tâm và yêu thương con cái là biện pháp chữa lành tổn thương sau bạo lực học đường.

Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì hơn ai hết, các bậc làm cha mẹ cần quan tâm và có trách nhiệm với con mình đầu tiên. Hãy tạo dựng cho con một môi trường tích cực để ngăn ngừa, phòng tránh bạo lực học đường đồng thời giúp con chữa lành những tổn thương từ vấn nạn này.

Bố mẹ nên thường xuyên chia sẻ với con về việc ở trường, về thầy cô, về bạn bè của con và những vấn đề dù nhỏ mà con cảm thấy vui vẻ hoặc khó chịu ở trường.

Hãy dạy cho trẻ hiểu thế nào là bạo lực/bắt nạt, dạy trẻ biết tôn trọng người khác, dạy trẻ nhận thức được các điểm khác biệt so với số đông là chuyện bình thường, tránh việc soi mói, chế giễu người khác; dạy con về giáo dục giới tính.

Ngoài ra , khi con gặp vấn đề rắc rối, hãy tin tưởng và nghe con chia sẻ.

Thường xuyên liên lạc với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, giao tiếp của con ở trường.

“Bố mẹ nên đọc thêm một số cuốn sách về dạy con đồng thời xoa dịu con sau tổn thương từ bạo lực bằng sự quan tâm và yêu thương. Nếu tâm lý con bất ổn và kéo dài, gia đình có thể nhờ các chuyên gia tâm lý giúp đỡ.

Nói chung, có rất nhiều phương pháp để giúp con không trở thành nạn nhân hay kẻ bắt nạt nhưng tất cả đều xuất phát từ tình thương yêu của cha mẹ dành cho con”, chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương nói.

Bài liên quan
  • Phải hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi trở lại trường
    Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ trẻ mầm non 2 tuổi bị bạo hành ở trường: Làm sao chữa trị vết thương tâm lý cho con?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO