Vũ khí giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến không tiếng súng với phương Tây

07/05/2022 07:24

Trước áp lực dồn dập từ phương Tây, Nga đã tung ra "vũ khí" năng lượng làm khó đối thủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng Moscow cũng đối mặt với rủi ro khi theo đuổi phương án này.

VŨ KHÍ GIÚP NGA THẮNG THẾ TRONG CUỘC CHIẾN KHÔNG TIẾNG SÚNG VỚI PHƯƠNG TÂY

Trước áp lực dồn dập từ phương Tây, Nga đã tung ra "vũ khí" năng lượng làm khó đối thủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng Moscow cũng đối mặt với rủi ro khi theo đuổi phương án này.

Hơn 70 ngày trước, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng Ukraine, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu phương Tây muốn những lệnh trừng phạt của họ thực sự tác động mạnh tới Nga, họ có thể phải chấp nhận việc cũng tự làm "tổn thương chính mình".

Những diễn biến trong hơn 2 tháng qua cho thấy, phương Tây vẫn chưa thể "tất tay" trừng phạt Nga, vì Moscow đang sở hữu thứ "vũ khí" quyền lực: Năng lượng.

"Cuộc chiến" năng lượng

Trong một bài viết đăng tải trên Times, chuyên gia về Đông Âu Suriya Jayanti, một nhà cựu ngoại giao Mỹ, đã nhận định ngắn gọn: "Nga vẫn đang thắng thế trong cuộc chiến năng lượng".

Theo chuyên gia này, Nga thường xuyên sử dụng nguồn năng lượng dồi dào của nước này để tạo nên tầm ảnh hưởng với nhiều quốc gia. Các lệnh trừng phạt của phương Tây trong 2 tháng qua đã tác động mạnh lên nền kinh tế Nga trên rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, nền kinh tế của Moscow vẫn không sụp đổ vì họ vẫn nắm trong tay "lá bài" năng lượng mà phương Tây chưa thể tìm cách vô hiệu hóa. Bà Jayanti nhận định rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tận dụng điểm yếu này của phương Tây để đáp trả.

Vũ khí giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến không tiếng súng với phương Tây - 1

Các giếng khí đốt tại mỏ Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Nga ở Bắc Cực (Ảnh: Reuters).

Giữa "bão" cấm vận và trừng phạt, Nga tăng gần gấp đôi doanh thu từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang Liên minh châu Âu (EU) sau 2 tháng chiến sự. Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) phản ánh rõ ràng nhất sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng của Nga. Đồng thời, nó cũng cho thấy Nga là một cường quốc về năng lượng, với mỗi động thái của họ đều có thể gây tác động mạnh tới thị trường.

Dù sản lượng xuất khẩu từ Nga giảm sau chiến sự và lệnh trừng phạt, nhưng với vị thế của Moscow trong ngành năng lượng, các biện pháp hạn chế của phương Tây đã gây ra tác dụng ngược khi đẩy giá nhiên liệu lên cao trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục từ sau đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, dù Nga xuất khẩu ít hơn nhưng lại thu về nhiều tiền hơn.

Thời gian qua, Nga tiếp tục triển khai "vũ khí" này chống lại Liên minh châu Âu (EU) để đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Hai thành viên đầu tiên bị ảnh hưởng là Ba Lan và Bulgaria, khi Nga tuyên bố cắt nguồn khí đốt sang 2 quốc gia mà họ coi là "không thân thiện" này. Lý do là Warsaw và Sofia từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp. EU cáo buộc hành động của Nga là "tống tiền", nhưng họ chưa thể làm gì khác vì sự phụ thuộc quá lớn vào năng lượng Nga.

Chuyên gia Jayanti nhận định, dù diễn biến của "cuộc chiến" năng lượng dù diễn ra không như ông Putin dự đoán nhưng nó đang diễn ra theo hướng có lợi với Nga. Dù châu Âu nhiều lần tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào Nga nhưng đây rõ ràng không phải là một điều dễ dàng. Khối liên minh này chia rẽ vì việc có cấm hay không năng lượng Nga và đến giờ họ vẫn chưa thể thống nhất với nhau về hướng đi cụ thể trong lúc giá dầu và khí đốt đều tăng so với vài tháng trước.

Năm 2021, 60% doanh thu của Nga tới từ xuất khẩu dầu mỏ. Tính đến ngày 7/4, châu Âu viện trợ Ukraine một tỷ EUR để đối phó với Nga, nhưng lại trả cho Nga 35 tỷ EUR để mua năng lượng của Moscow. Nói cách khác, trong khi trừng phạt Nga ở lĩnh vực khác để gây áp lực buộc Moscow dừng chiến lược quân sự, EU cũng gián tiếp trả cho Nga nguồn ngân sách để duy trì quân đội của Nga.

Mỹ dù đã cấm dầu và khí đốt Nga vì lượng nhập khẩu tương đối nhỏ, nhưng hiện vẫn không thể dừng nhập uranium từ Nga. Họ vẫn đang nhập 16% uranium từ một quốc gia mà hơn 70% người Mỹ xem là đối thủ.

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu thô Urals của Nga. Mặt khác, Bloomberg đưa tin rằng, có mười quốc gia châu Âu đã mở tài khoản ngân hàng tại Gazprombank để tuân thủ yêu cầu của Nga là được thanh toán bằng đồng rúp, mặc dù các khoản thanh toán như vậy có thể vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành.

Nhờ là một siêu cường năng lượng, Nga hiện vẫn đang đứng vững khi họ đã trả được các khoản nợ đúng hạn để tránh bị vỡ nợ. Đồng rúp của Nga tiếp tục tăng mạnh so với EUR và USD trong những ngày qua. Mỗi động thái của Nga trong lĩnh vực năng lượng đều tác động mạnh tới thị trường. Vào ngày 27/4, giá khí đốt tăng 28%, diễn biến khiến nhiều quốc gia châu Âu trở nên chùn bước vì lo ngại các biện pháp cứng rắn hơn nữa với dầu khí Nga sẽ khiến thị trường bất ổn và họ tổn thất lớn hơn.

Vũ khí giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến không tiếng súng với phương Tây - 2

Tàu Nga Grand Aniva nạp khí tự nhiên hóa lỏng tại đảo Sakhalin tháng 9 năm ngoái (Ảnh: New York Times).

Trong khi đó, với châu Âu, "vũ khí" khí đốt của Nga được xem còn lợi hại hơn cả dầu mỏ.

Michael E. Webber, giáo sư về tài nguyên năng lượng tại Đại học Austin (Mỹ), cho biết tại châu Âu, khí đốt là mặt hàng thiết yếu, quan trọng với mọi ngành công nghiệp, cũng như sưởi ấm.

Vào năm 1967 và 1973, các quốc gia Ả Rập đã cắt xuất khẩu dầu sang Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã hỗ trợ Israel trong các cuộc xung đột với các nước láng giềng Trung Đông. Một cuộc khủng hoảng dầu mỏ nghiêm trọng đã xảy ra. Kiểm soát nguồn cung là một cách để gây nên khó khăn kinh tế cho đối thủ để giành được nhượng bộ về mặt chính sách. Nga được xem là quốc gia thành thạo về việc sử dụng các lá bài về năng lượng từ trước tới nay.

Tuy nhiên, giờ đây các lệnh cấm bán dầu mỏ khó hoạt động hiệu quả. Dầu là một loại hàng hóa có thể thay thế được trên thị trường toàn cầu: Nếu một nguồn cung cắt giảm hàng, các nước nhập khẩu có thể mua thêm dầu từ các nhà cung cấp khác, mặc dù họ có thể trả giá trên thị trường giao ngay cao hơn so với giá theo hợp đồng dài hạn.

Điều đó có thể xảy ra được vì hơn 60% lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của thế giới được vận chuyển bằng tàu. Tại bất kỳ thời điểm nào, cũng có một đội tàu biển đang vận chuyển dầu thô từ điểm này đến điểm khác trên toàn cầu. Nếu có sự gián đoạn, các con tàu có thể đổi hướng và đến đích trong vòng vài tuần.

Do đó, rất khó để một quốc gia sản xuất dầu có thể ngăn cản một quốc gia tiêu thụ mua dầu trên thị trường toàn cầu.

Vũ khí giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến không tiếng súng với phương Tây - 3

Châu Âu dù đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhanh, mạnh để trừng phạt Nga trong thời gian qua, nhưng với dầu và khí đốt Nga, họ chưa thể làm gì nhiều vì chính họ đang vướng vào thế khó do sự phụ thuộc là quá lớn (Ảnh minh họa: Reuters).

Khí đốt lại là câu chuyện khác vì nó phần lớn được chuyển qua đường ống. Chỉ 13% nguồn cung cấp khí đốt trên thế giới được cung cấp bởi các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Điều này làm cho khí đốt trở thành một loại hàng hóa có đặc tính khu vực và châu lục, với người bán và người mua cần tương đối gần nhau về mặt địa lý.

Người mua khó tìm được nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế hơn các nguồn dầu thay thế vì việc đặt đường ống mới hoặc xây dựng các nhà kho khí tự nhiên hóa lỏng mới có thể tiêu tốn hàng tỷ USD và mất nhiều năm. Ngoài ra, nếu khí đốt bị khóa van cấp, nó sẽ gây ra tác động nhanh chóng và tức thì, thậm chí có thể gây tổn hại dài hạn.

Theo New York Times, châu Âu rất khó để giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt Nga trong tương lai gần. Nó một lần nữa cho thấy việc mất an ninh năng lượng có thể khiến các quốc gia có thể trở nên dễ tổn thương tới mức nào.

Rủi ro với Nga

Nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, châu lục này sẽ gặp rắc rối. Nhưng trên thực tế, Nga cũng là nước cần tiền để chống chọi với các lệnh cấm vận và biện pháp cô lập. Cắt nguồn cung khí đốt cho các khách hàng lớn sẽ trở thành một phương án gây hại cho cả Nga và châu Âu, vì nó sẽ tác động tới chính nguồn thu của Nga. Câu hỏi đặt ra là châu Âu cần khí đốt Nga nhiều hơn hay Nga cần lợi nhuận từ châu Âu hơn?

Chuyên gia Webber nhận định rằng, việc Nga "vũ khí hóa" khí đốt có thể sẽ gây tác dụng ngược trở lại với Nga vì về lâu dài châu Âu có thể tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga. Điều này sẽ tác động mạnh tới kinh tế Nga.

Nga hiện rất cần doanh thu xuất khẩu khi họ vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nước ngoài. Nga đã mất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài do lệnh trừng phạt. Và các chính phủ phương Tây đã đóng băng một nửa dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga.

Theo The Coversation, nếu châu Âu có thể giảm việc tiêu thụ khí đốt và các nhà máy điện tìm được nguồn cung thay thế, họ có thể giảm bớt được thiệt hại nếu "chia tay" với khí đốt Nga. Dù đây không phải là điều dễ dàng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài châu Âu vẫn có khả năng làm như vậy.

Vũ khí giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến không tiếng súng với phương Tây - 4

Châu Âu đang tích cực tìm cách thay thế năng lượng Nga thông qua tìm kiếm các nguồn mới để giảm phụ thuộc vào Moscow (Ảnh: Reuters).

Liên minh Châu Âu đang nỗ lực để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình hiện có. Họ cũng đặt ra kế hoạch sẽ lấp đầy các hầm chứa khí đốt dự trữ đến 90% công suất trong các mùa thấp điểm khi nhu cầu thấp, đồng thời tăng cường sản xuất biomethane tại địa phương. Đây là nguồn năng lượng có thể thay thế cho khí hóa thạch và nó có nguồn gốc từ chất thải nông nghiệp hoặc các nguồn hữu cơ tái tạo.

Châu Âu cũng tính tăng nhập khí đốt hóa lỏng thay thế từ Mỹ, Canada và chuyển hướng đường ống sang các quốc gia thân thiện với họ bằng việc xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng, nhà chứa cần thiết.

Ngoài ra, EU cũng lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời, và các nguồn năng lượng thay thế khác càng nhanh càng tốt để lấp vào vị trí các nhà máy điện dùng khí tự nhiên.

Theo ông Webber, việc châu Âu cắt giảm khí đốt của Nga cuối cùng có thể thúc đẩy nỗ lực của các nước này nhằm chuyển sang năng lượng tái tạo và sử dụng điện hiệu quả hơn.

Về lý thuyết, trong dài hạn, Nga có thể sẽ mất nguồn doanh thu lớn từ khách hàng châu Âu. Vì vậy, theo New York Times, trong thời gian qua, Nga đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn khách hàng và hướng tới các nước thân thiện với họ ở châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc - 2 thị trường chiếm hơn 2 tỷ dân.

Ngày 14/3, Tổng thống Putin kêu gọi Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng dần dần sang các thị trường đang phát triển nhanh chóng ở phía nam và phía đông. Hai điểm đến rõ ràng là Trung Quốc, thị trường năng lượng lớn nhất thế giới và Ấn Độ, thị trường lớn thứ 3 thế giới.

Vũ khí giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến không tiếng súng với phương Tây - 5

Một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga, Cygnus Passage, tại một nhà ga ở Thiên Tân, Trung Quốc, vào đầu năm ngoái (Ảnh: Getty).

Mặc dù vậy, các nỗ lực này có thể sẽ gặp trở ngại trong ngắn hạn. Nga sẽ cần phải giảm giá mạnh dầu và than đá để người mua cảm thấy đồng tiền họ bỏ xứng đáng với rủi ro mà họ có thể gặp phải khi giao dịch với Nga - nước hiện đang chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Ngoài ra, Nga cũng sẽ cần bắt đầu hoạt động có thể kéo dài nhiều năm là xây dựng thêm các cảng và đường ống cho khí tự nhiên. Việc chuyển hướng khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Á từ châu Âu sẽ đòi hỏi phải xây dựng các đường ống cực dài hoặc các cảng chuyên dụng.

Việc bán dầu cho châu Á cũng sẽ yêu cầu vận chuyển bằng tàu biển. Nhưng do các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine, các công ty bảo hiểm đang từ chối bảo hiểm cho các tàu chở hàng của Nga. Các ngân hàng từ chối cho vay tiền trong thời gian dầu đang vận chuyển. Vì vậy, các công ty dầu mỏ ở các nước như Ấn Độ đã yêu cầu giảm giá rất mạnh để bù đắp thêm chi phí và rủi ro.

Bất chấp những trở ngại, giới quan sát cho rằng Nga có thể tìm ra cách xuất khẩu ít nhất là dầu và than, phần lớn là do nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức cao. Thế giới đã thiếu năng lượng kể từ mùa thu năm ngoái, khi Trung Quốc gần như cạn kiệt than và mất điện trên diện rộng.

Thương mại giữa Nga và Trung Quốc, trong đó phần lớn là xuất khẩu năng lượng, tăng 30% trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy, dù Nga gặp trở ngại lớn nếu muốn tìm khách hàng mua năng lượng mới, họ vẫn có thể trông cậy vào các đối tác truyền thống ở châu Á.

Đức Hoàng

Theo New York Times, The Conversation, Times, Guardian

07/05/2022

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vũ khí giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến không tiếng súng với phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO