Vụ gian lận 75 phiếu bầu cử ở Hà Nội: Có thể bị phạt tù?

Minh An (t/h)| 07/06/2021 11:35

Việt BáoTự mang 75 phiếu bầu cử đại biểu HĐND cấp xã về gạch tên đối thủ, sau đó nhờ người bỏ hộ, ứng cử viên có thể bị xử lý hình sự và phạt tù?

Liên quan đến vụ chủ tịch xã gian lận phiếu bầu cử, ông Phùng Minh Chiến - phó chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết Huyện ủy Mê Linh đã họp và quyết định khai trừ khỏi Đảng đối với 2 ông Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Hữu Hoàn vì gian lận trong kỳ bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại tổ bầu cử số 4 (xã Tráng Việt).

Ông Nguyễn Xuân Hùng là phó bí thư thường trực Đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Tráng Việt. Ông Hùng là ứng cử viên đại biểu HĐND xã tại đơn vị bầu cử số 4. Ông Nguyễn Hữu Hoàn là tổ trưởng tổ bầu cử số 4, xã Tráng Việt (Mê Linh).

Vụ gian lận 75 phiếu bầu cử ở Hà Nội: Có thể bị phạt tù?-1
Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội)

Theo ông Chiến, ngày 23-5, sau khi kết thúc bỏ phiếu, tổ bầu cử số 4 (xã Tráng Việt) mở hòm phiếu để kiểm tra phiếu bầu. Qua kiểm đếm phiếu bầu cho thấy, số phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt thu về là 1.303 phiếu. Con số này lớn hơn 75 phiếu so với số phiếu được phát ra là 1.228 phiếu.

Qua kiểm tra, cơ quan bầu cử xác định, ông Nguyễn Xuân Hùng lợi dụng chức vụ của mình rồi đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu Hoàn và lấy được 75 phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã.

Ông Hùng mang phiếu bầu về nhà, gạch tên những ứng cử viên khác, chỉ để lại tên mình trên phiếu bầu và nhờ 2 dân quân đi bỏ phiếu hộ. Hành động vi phạm này dẫn đến việc bị thừa 75 phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt tại đơn vị bầu cử số 4.

Gian lận phiếu bầu cử có bị phạt tù?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì ông Chủ tịch HĐND xã, đồng thời là Chủ tịch ủy ban bầu cử của xã này đã gian lận 75 phiếu bầu, tự mang phiếu về nhà gạch rồi nhờ người bỏ hộ vào hòm phiếu để tự bầu cho mình (ông này là ứng cử viên trong danh sách ứng cử hội đồng nhân dân).

Sự việc mặc dù bị phát hiện, báo cáo kịp thời lên Hội đồng bầu cử thành phố Hà Nội và Hội đồng bầu cử quốc gia. Cho nên, phải hủy bỏ kết quả bầu cử ở địa phương này và phải tiến hành bầu cử lại. Vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội có dấu hiệu tội phạm về tội làm sai lệch kết quả bầu cử. Cụ thể bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 161. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân

1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, hành vi gian lận kết quả bầu cử của ông Nguyễn Xuân Hùng - Chủ tịch HĐND xã Tráng Việt có dấu hiệu của tội làm sai lệch kết quả bầu cử theo Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015. Với hậu quả dẫn đến phải tổ chức việc bầu cử lại nên người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ một năm đến ba năm tù theo khoản 2, Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.

"Hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Xuân Hùng này là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, làm giảm sút của vào điểm tin của người dân đối với đảng và nhà nước. Bởi vậy địa phương đã áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng và loại khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân là có căn cứ, kịp thời và phù hợp với quy định pháp luật" - luật sư Cường nhấn mạnh.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Vụ gian lận 75 phiếu bầu cử ở Hà Nội: Có thể bị phạt tù?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO