Vụ đấu giá đất nhiều sai phạm ở Hà Nội bị phát giác như thế nào?

Thế Kha| 15/02/2022 11:45

Từ việc rà soát thông tin trên Công Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã "phanh phui" nhiều sai phạm trong đấu giá đất ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Liên quan đến vụ việc Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đề nghị UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) có văn bản không công nhận/phê duyệt kết quả đấu giá đối với 16 thửa đất và hủy kết quả đấu giá đối với 10 thửa đất đã đấu giá, PV Dân trí đã tìm hiểu thêm về quá trình phát giác sự việc này.

Theo đó, qua rà soát trên Công Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cục Bổ trợ tư pháp đã phát hiện thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản quyền sử dụng đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, Hà Nội) của Công ty đấu giá hợp danh Đông Á (có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) không đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể là cho phép khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước và hồ sơ đấu giá cho người có tài sản - Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng mà không nộp cho công ty.

Trên cơ sở đề xuất của Cục Bổ trợ tư pháp, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã nhất trí thanh tra việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp cùng với việc thanh tra việc bán đấu giá tài sản là máy móc, thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền máy in... của Hội Nông dân Việt Nam cũng do Công ty đấu giá hợp danh Đông Á thực hiện.

Vụ đấu giá đất nhiều sai phạm ở Hà Nội bị phát giác như thế nào? - 1

Sơ đồ 48 thửa đất được đưa ra đấu giá ở khu chăn nuôi xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

48 thửa đất được đưa ra đấu giá vào ngày 25/9/2021; tiền đặt trước cho mỗi thửa đất là 150 triệu đồng và đã có 76 khách hàng tham gia. Công ty đấu giá hợp danh Đông Á đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng thu tiền đặt trước bằng tiền mặt của người tham gia đấu giá. Toàn bộ số tiền thu được do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng giữ.

Tiến hành kiểm tra các đơn đăng ký tham gia đấu giá, Cục Bổ trợ tư pháp phát hiện một số đơn không ghi ngày tháng năm; đơn đăng ký ghi tên của người đăng ký tham gia đấu giá là ông Lê Văn Nhặn, nhưng người ký lại ghi là ông Tạ Đình Cả và trong hồ sơ không có ủy quyền bằng văn bản của ông Nhặn cho ông Cả.

Một số người ủy quyền cho người khác mua hồ sơ, nộp tiền bảo lãnh và tham dự/tham gia phiên đấu giá nhưng văn bản là Giấy ủy quyền chỉ có chữ ký của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch, đóng dấu của UBND xã, phường, thị trấn mà không có lời chứng thực là chưa phù hợp với quy định.

"Có một số người tham gia đấu giá cùng một thửa đất lại nộp tiền đặt trước cho nhau nhưng chưa cơ sở để xác định có sự thông đồng" - kết luận thanh tra nêu rõ.

Cụ thể, ông Tạ Văn Lợi đăng ký tham gia đấu giá 3 thửa đất (C1, C3, H1) nhưng chuyển tiền đặt trước cho 4 thửa đất, trong đó chuyển khoản tiền đặt trước một thửa cho ông Nguyễn Văn Song. Ông Nguyễn Văn Song đăng ký tham gia đấu giá 2 thửa đất (B3, I4) và nộp đặt trước bằng tiền mặt cho 2 thửa đất, trong đó nộp tiền đặt trước một thửa đất (C3) cho bà Nguyễn Thị Khanh (bà Nguyễn Thị Khanh trúng thửa đất C3).

Ông Hoàng Trường Giang và ông Nguyễn Đình Luân cùng đăng ký tham gia đấu giá thửa đất (F1, K2) nhưng ông Hoàng Trường Giang chuyển khoản tiền đặt trước cho cả ông Nguyễn Đình Luân.

Trong khi đó một số phiếu trả giá không ghi số tiền bằng chữ; phiếu trả giá không ghi tên người tham gia (phiếu của ông Tạ Quang Tùng trả giá thửa A2) hoặc không ký và ghi rõ họ tên (phiếu của bà Nguyễn Thị Hiền trả giá lần 1 thửa đất ký hiệu I1; phiếu của ông Nguyễn Tiến Thao và ông Trần Công Sơn trả giá thửa I4; phiếu của bà Trần Thị Giang trả giá thửa D2).

Thậm chí có phiếu trả giá ghi số tiền bằng số và số tiền bằng chữ khác nhau: Phiếu trả giá của ông Ngô Văn Quang trả giá thửa K1 ghi tiền trả bằng số là 28.200.000 đồng nhưng phần chữ ghi là Mười tám triệu hai trăm đồng. Phiếu trả giá của bà Nguyễn Thị Trâm trả giá thửa K2 ghi tiền trả bằng số là 26.800.000 đồng nhưng phần chữ ghi là Hai mươi tám triệu sáu trăm đồng.

Vụ đấu giá đất nhiều sai phạm ở Hà Nội bị phát giác như thế nào? - 2

Trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Đông Á trên phố Nguyễn Thị Định, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng có 22 thửa đất được thực hiện bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, gồm các thửa đất ký hiệu: A2, B2, B3, B4, C1, C2, C3, C4, D2, E3, I1, I3, J3, K2, K3, K4, K5, M1, M2, M3, M4 và M5.

Có 12 thửa đất (A1, D3, D4, E1, E2, E4, F4, G1, G2, G3, H1 và J1) vừa không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá do chỉ có một người/không có người đăng ký tham gia đấu giá, vừa cho người không đủ điều kiện tham giá đấu giá và trúng đấu giá.

Bốn thửa đất (B1, F3, H4, I2) không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá do chỉ có hồ sơ của một khách hàng đăng ký tham giá đấu giá...

Từ kết quả thanh tra đó, Cục Bổ trợ tư pháp đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Đan Phượng có văn bản không công nhận/phê duyệt kết quả đấu giá đối với 16 thửa đất đã được Công ty bán đấu giá không đúng quy định của pháp luật (A1, D3, D4, E1, E2, E4, F4, G1, G2, G3, H1, J1, B1, H4, F3 và I2).

Kết quả thanh tra cũng nhấn mạnh huyện Đan Phượng phải chấp hành quy định pháp luật đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan đến việc hủy kết quả đấu giá đối với 10 thửa đất (B5, D1, F1, F2, H2, G4, H3, I4, J2 và K1) đã bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của Công ty đấu giá hợp danh Đông Á.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ đấu giá đất nhiều sai phạm ở Hà Nội bị phát giác như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO