Vụ bé 8 tuổi bị bạo hành: Bao giờ con trẻ bị đánh không còn là chuyện riêng của gia đình ai?

An Nhiên| 29/12/2021 17:25

Người Việt vẫn mang tâm lý không can thiệp vào chuyện dạy dỗ con cái của người khác, bởi đó là chuyện riêng tư và nhạy cảm. Từ đây, những bi kịch từ bạo hành trẻ em diễn ra, nhiều lần gây rúng động xã hội.

Vụ bé gái 8 tuổi qua đời vào 22/12 tại căn hộ của gia đình ở Bình Thạnh, nghi vấn do bị bạo hành tại TP.HCM gây bức xúc trong dư luận. Đáng nói việc bạo hành diễn ra ở một nơi được cho là văn minh với điều kiện sống, sinh hoạt hiện đại lại càng khiến công chúng thêm phần phẫn nộ.

letuongd.jpg
Người dân và người thân ở chung cư nơi bé Vân An sống làm lễ tưởng niệm

Nhiều người biết chuyện nhưng sao vẫn bó tay ?

Điều đó càng tăng thêm phần đau đớn, bởi  trên các bài báo được đăng tải ngay sau sự việc cho thấy những người xung quanh và ban quản lý khu chung cư đều biết có chuyện không ổn, song không một hành động can thiệp mạnh mẽ nào được thực hiện cho đến khi bi kịch xảy ra.

Theo đó, nhiều người dân sống gần căn hộ của gia đình bé gái đều cho biết mỗi ngày, họ đều nghe thấy tiếng mắng chửi, đánh đập và cả tiếng khóc. Nhưng mọi thứ chỉ dừng ở đó. Điều đáng nói, hành động này lặp lại trong khoảng một thời gian khá dài, không phải chuyện đột xuất.

Trên VTCNwes ngày 27/12, người dân những căn hộ gần đấy cho rằng họ đã phản ánh tình trạng lên ban quản lý khu chung cư. Tuy nhiên mọi can thiệp đều không đủ mạnh mẽ chỉ vì “đó là chuyện của gia đình”. Và vì là chuyện nhạy cảm, ban quản lý (BQL) chung cư không can thiệp thêm.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, BQL chung cư Sài Gòn Pearl đưa ra thông báo rằng ngay khi nhận được phản ánh của cư dân, họ đã đến căn hộ của ông N.K.T.Th thì chứng kiến ông này đang sơ cứu cho bé Vân An. Theo gia đình kể, bé bị sặc thức ăn.

Sau đó, BQL cùng gia đình ông N.K.T.Th đưa bé đi cấp cứu ở bệnh viện lúc 18h22 nhưng sau đó công an khu vực thông báo bé Vân An đã tử vong.

Thế nhưng, BQL cũng khẳng định họ không nhận được bất kỳ phản ánh nào về việc có trẻ em bị bạo hành như những thông tin trước đó.

Vào 22/12, BQL có lưu ý một trường hợp bé gái nghi bị mẹ đánh nhưng họ nói rằng vào khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19, bé ít xuất hiện, lại không đi học do đó BQL không nắm bắt được.

Trong thông cáo báo chí, BQL chung cư có nêu: "Hoàn toàn không có việc một số cư dân phát hiện bé gái bị đánh và báo cho BQL nhiều lần để xử lý. Trước thời điểm xảy ra sự việc, BQL chưa bao giờ tiếp cận bên trong căn hộ".

Dù thế nào người lớn cũng rất vô trách nhiệm!

Đó là lời khẳng định của dư luận khi nghe những thông tin liên quan của các bên với sự việc. Những người hàng xóm với tâm lý rồi thì “nhà người ta đang dạy con, không thể can thiệp”, hay “chuyện dạy con vốn rất nhạy cảm”, đành nhắm mắt làm ngơ.

Rõ ràng một vài người đã rất bất bình, nhưng không làm gì hơn ngoài một cuộc gọi thông báo cho BQL. Và nếu BQL của chung cư này có động thái quyết liệt hơn, chúng ta không chắc là kết cục câu chuyện sẽ khác đi, song ít nhất người lớn đã không làm ngơ trước sự việc đau lòng này.

trem.jpg
Pháp luật Việt Nam nên có hệ thống rõ ràng để bảo vệ trẻ em

Và giờ đây, khi bé Vân An đã qua đời, người ta nhắc nhiều đến chuyện bố mẹ, nhưng một điều đáng lưu tâm hơn là trách nhiệm của những người lớn.

Trẻ em nào cũng xứng đáng được yêu thương và bảo vệ. Nhiều người vẫn hay ví von rằng là cha mẹ, chúng ta có quyền lựa chọn việc sinh con hay không, nhưng trẻ em lại không có quyền được chọn ra đời. Thế nên, việc bảo vệ con trẻ không chỉ là trách nhiệm của đấng sinh thành, nó là của bất kỳ ai.

Và khi người lớn làm ngơ, đó là sự thoái thác trách nhiệm. Nhìn lại, vẫn có rất nhiều người rất hay có thói quen can thiệp mỗi khi hàng xóm đánh mắng con trong nhà. Họ cho rằng đó là việc cần làm, và chấp nhận bản thân mang tiếng “nhiều chuyện”, “bao đồng”.

Nhưng khi đời sống ngày càng cải thiện, với việc du nhập các giá trị văn hóa tiến bộ, đề cao tự do và sự riêng tư  thì người ta dễ bị quy cho là xâm phạm chuyện “riêng tư”, "nhạy cảm" của gia đình người khác cùng rất nhiều rắc rối phát sinh với việc . 

Thế nên, nhiều người đã chọn cách đứng ngoài cuộc nghe ngóng để “bảo vệ” bản thân, để tránh dây vào phiền phức. Nhưng liệu lâu dần, sự thờ ơ này có được xem là vô cảm? Đây lại là một câu chuyện khác của tiếng nói lương tri ở mỗi người.

Nhưng một điều khác cũng quan trọng không kém, là pháp luật Việt Nam có luật lệ nào để bảo vệ trẻ em, người yếu thế một cách thiết thực, hiệu quả hơn trước các vấn nạn bạo hành gia đình. Bởi nếu có được sự quan tâm đúng mực, cộng đồng xung quanh cũng dễ dàng hành động hơn trước những thảm kịch đau lòng. 

Trên mạng xã hội, công chúng đang mong mỏi sự việc được giải quyết triệt để, mong bé Vân An lấy lại được công bằng... ngay cả khi bé ở một nơi khác.

Và khi lại thêm một câu chuyện thương tâm, hàng triệu người cũng mong mỏi cần một hệ thống luật pháp rõ ràng hơn, với những công cụ thiết thực hơn và các lực lượng chuyên trách giải quyết vấn đề, để có thể can thiệp mạnh mẽ hơn và thực chất, tránh những bi kịch đau lòng có thể xảy ra.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ bé 8 tuổi bị bạo hành: Bao giờ con trẻ bị đánh không còn là chuyện riêng của gia đình ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO