Vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Nghệ sĩ làm gì để được bồi thường danh dự?

QUANG ĐẠI| 26/03/2022 08:03

Việc bà Nguyễn Phương Hằng đấu tố làm cho nhiều nghệ sĩ bị tổn hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm nặng nề. Vậy, họ cần làm gì để được bồi thường và sẽ được bồi thường như thế nào?

Vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Nghệ sĩ làm gì để được bồi thường danh dự?
Bà Nguyễn Phương Hằng dính ồn ào với nhiều nghệ sĩ. Ảnh: NSCC

Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam - bị bắt giam vì hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân”, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét việc bồi thường tổn thất tinh thần cho các nghệ sĩ bị đấu tố.

Được biết, vào năm 2021, nhiều nghệ sĩ đã có đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng.

Theo Công an TPHCM, có 5 nghệ sĩ gửi đơn tố cáo bà Phương Hằng gồm: Ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (NSƯT Hoài Linh), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và bà Trịnh Kim Chi.

Nội dung tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về các hành vi vu khống, làm nhục người khác và đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng xã hội. Đến nay, chưa có thông tin về kết quả giải quyết các đơn tố cáo nói trên.

Về việc xử lý hành vi vu khống, làm nhục người khác, luật sư Tô Bá Thanh (TPHCM) cho rằng, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; trường hợp vi phạm nếu đủ căn cứ sẽ bị khởi tố về tội “Vu khống” hoặc “Làm nhục người khác” hoặc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân”.

Đi kèm với các hình phạt như phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, phạt tù thì người có hành vi phạm tội phải bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại. Mức bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường, cơ quan chức năng sẽ áp dụng Khoản 2 - Điều 592 - Bộ Luật Dân sự 2015 để buộc bên gây thiệt hại bồi thường cho bị hại:

“Đối với trường hợp thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Theo đó, từ ngày 1.1.2022, mức lương cơ sở tiếp tục thực hiện theo Nghị định 38/2019 và giữ mức 1.490.000 đồng/tháng. Như vậy, trường hợp gây thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác thì người có lỗi có thể bị buộc bồi thường số tiền 14.900 đồng.

Tuy nhiên, để được bồi thường, bị hại phải tiến hành khởi kiện ra tòa dân sự, mất rất nhiều thời gian và trải qua các thủ tục pháp lý phức tạp nên nhiều người đã không khởi kiện, chấp nhận không được bồi thường.

“Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là điều khó cân đo đong đếm, nhiều người bị tổn thương nặng nề và kéo dài, đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng còn liên quan đến công việc và thương hiệu, hình ảnh trước công chúng, do đó cơ quan lập pháp cần xem xét điều chỉnh tăng mức bồi thường trong các trường hợp cụ thể để bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa chung và đơn giản hóa, rút gọn thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường” - luật sư Tô Bá Thanh nêu quan điểm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Nghệ sĩ làm gì để được bồi thường danh dự?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO