Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khoa Đăng

27/09/2022 08:54

Hội Nhà văn TP.HCM báo tin nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã qua đời tại nhà riêng vào 5h3 ngày 25/9.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã qua đời tại nhà riêng lúc 5h3 ngày 25/9, hưởng thọ 83 tuổi sau thời gian dài lâm bệnh.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tên thật là Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1941 ở Thái Bình. Lúc ông bắt đầu sáng tác, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nổi danh nên ông lấy bút danh Khoa Đăng để tránh nhầm lẫn.

Ông dạy học ở quê nhà từ năm 1961 đến 1971. Nhà văn công tác tại Hội Văn nghệ Thái Bình từ năm 1971 đến 1977, sau đó chuyển vào Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang. Năm 1993, ông nghỉ hưu và định cư ở TP.HCM. Ông tiếp tục cầm bút và hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết về cải cách ruộng đất Nước mắt một thời (2009) và Hoàng hôn lạnh (2011). Năm 1996, ông sáng tác bài thơ Mùa lúa chín, sau này nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành ca khúc Em đi giữa biển vàng, được nhiều người yêu thích. Bài thơ hiện in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2.

nguyen-khoa-dang-2-7030.jpg
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng qua đời sau thời gian dài lâm bệnh. Ảnh: Hội Nhà văn TP.HCM.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết được nhiều thể loại. Về truyện ngắn ông có các tập Khói đốt đồng, Vẽ lại chân dung cụ Tổ. Về tiểu thuyết, ông có Ngõ tre rì rào, Mây chiều bãng lãng. Về thiếu nhi, ông có tập thơ Đội nón cho cây và truyện dài Chim mặt người. Về kịch bản phim, ông có Giai điệu xanh, Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc...

Không chỉ viết câu chuyện giáo dục Cài hoa vào quá khứ, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng còn theo đuổi một thể loại khá thú vị là truyện trắc nghiệm tâm lý, với hai tập Trăm nỗi éo le và Cảnh ngứa mắt chốn đông người.

Đặc biệt, trong cuộc đời Nguyễn Khoa Đăng, ông có 3 năm làm ''thầy cãi''. Từ năm 1989 đến 1992, do chưa có luật sư, nên tỉnh Kiên Giang phải thành lập Đoàn bào chữa viên. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là một trong 20 thành viên của Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang. Tổng cộng, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có 216 lần đại diện bào chữa cho những người nghèo, những người thân cô thế cô.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ ông chưa gặp Nguyễn Khoa Đăng nhưng biết nhiều về ông và luôn dành sự kính trọng. “Cả cuộc đời mình kể từ khi cầm bút, ông luôn luôn hướng về những thân phận như vậy bằng ngòi bút trong trang giấy và bằng hành động trong cuộc sống. Đó là lương tri của một nhà văn”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng được tổ chức tại tư gia số 15 đường số 2, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM. Lễ truy điệu vào 6h ngày 28/9. Ông được an táng tại nghĩa trang Chính sách TP.HCM - Củ Chi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO