Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu và vấn đề pháp lý đặt ra

Phương Thảo| 15/12/2021 22:09

GD&TĐ - Ngày 15/12, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra”.

Quang cảnh hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra”Quang cảnh hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra”

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và giảng viên, học viên nghiên cứu và quan tâm trong lĩnh vực này.

Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu và những chuyên gia có thể chia sẻ các nghiên cứu của mình về kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, trao đổi về các chính sách, quy định pháp luật trong nước về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Thị Thuý Hương – Trường phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng đã đến lúc cần hoàn thiện hành lang pháp lý về biến đổi khí hậu để tạo ra tác dụng kép cho nền kinh tế và phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

“Nội dung các bài tham luận được trình bày tại hội thảo đa dạng, từ các chủ đề chung về kinh nghiệm quốc tế, chính sách, pháp luật Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, đến các chủ đề như đóng góp do quốc gia tự quyết định, thị trường các-bon, thuế các-bon, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, chính sách tài chính, dịch vụ môi trường rừng, điện mặt trời...

Trên cơ sở các tham luận và nghiên cứu của các chuyên gia, học giả, Hội thảo sẽ đánh giá những hạn chế, bất cập cũng như tìm kiếm các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về nội dung biến đổi khí hậu.

Qua đó, tăng cường được hiệu quả trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế và xu hướng chung của thế giới về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay”- TS Hương nói.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến

Theo TS Phạm Văn Võ – Phó Trưởng khoa Luật Thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, việc ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa sống còn và một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay là đánh giá diễn biến khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực, các ngành và các địa phương.

“Về thực trạng các quy định về vấn đề này, Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong công tác triển khai đánh giá giám sát biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các quy định về thích ứng khí hậu biến đổi còn tản mạn, nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, thiếu cụ thể chưa được thi hành trên thực tế. Việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam là vô cùng cần thiết”, TS Võ nhận định.

Trên bình diện giao thoa giữa Luật Thương mại quốc tế và các chính sách về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, TS Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế về So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật – ĐHQG TP.HCM đã đưa ra một số chính sách của các quốc gia trên thế giới về giảm phát thải và định giá carbon như việc áp dụng thuế carbon của một số các quốc gia tiêu biểu trên thế giới.

Qua đó, TS Phúc nhận định với điều kiện đặc thù về kinh tế - xã hội, pháp luật cũng như chiến lược quốc gia của Việt Nam thì phương án ban hành thuế carbon trên cơ sở tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường là có tính khả thi cao khi hai loại thuế này có sự tương thích và tạo sự dễ dàng trong công tác ban hành, quản lý.

Nhìn nhận tính chất ngày càng nghiêm trọng của vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay, việc ban hành và áp dụng thuế carbon – thuế đánh lên lượng khí CO2 phát thải của quá trình đốt cháy nguyên liệu hoá thạch là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích, TS. Phan Thị Thành Dương- Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, Khoa Luật Thương mại cho rằng khi đánh giá khả năng áp dụng của loại thuế này ở Việt Nam xét từ góc độ tương thích với thị trường carbon, việc “tổ chức và vận hành thị trường carbon” nhằm giảm phát thải khí nhà kính là hợp lý vì dễ nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và xã hội hơn thuế carbon.

Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc áp dụng thuế carbon để khắc phục các hạn chế của thị trường carbon, đồng thời, phát huy vai trò của công cụ này trong việc giảm thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng bày tỏ mối quan tâm đến vấn đề xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Các chuyên gia cho rằng hầu hết các quy định của pháp luật đã quy định tương đối cụ thể để hướng tới khai thác, sử dụng, tiết kiệm và hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải vào môi trường.

Tuy nhiên, để các quy định được thực hiện có hiệu quả trên thực tế thì cần có những quy định cụ thể, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu và vấn đề pháp lý đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO