Việt Nam thu hút sự quan tâm về ứng phó với BĐKH

28/10/2021 08:30

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 26 (COP 26) là một trong những sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất trong năm. Tham dự COP 26, Việt Nam sẽ thể hiện vị thế là một nước tích cực, chủ động trong ứng phó BĐKH và có đóng góp cụ thể cho ứng phó với BĐKH toàn cầu.

ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Phó Trưởng đoàn đàm phán về BĐKH của Việt Nam - Ảnh: VGP/Thu Cúc

COP 26 sẽ diễn ra Glasgow (Vương quốc Anh) từ 31/10 đến 12/11 và được kỳ vọng mở ra trang mới trong ứng phó với BĐKH. Đoàn Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng khi tham dự sự kiện quan trọng này.

Trước thềm hội nghị, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Phó Trưởng đoàn đàm phán về BĐKH của Việt Nam đã có những chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về vai trò, mục tiêu và đóng góp của Việt Nam tại COP 26.

Việt Nam truyền thông điệp là nước chủ động, tích cực trong ứng phó BĐKH toàn cầu

COP 26 là kỳ hội nghị đánh dấu 5 năm Thỏa thuận Paris được thông qua; năm 2021 cũng là năm đầu tiên Thỏa thuận Paris đi vào thực hiện. Xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa và các nội dung xung quanh kỳ họp quan trọng này?

Ông Phạm Văn Tấn: Toàn thế giới đã thông qua thỏa thuận Paris vào tháng 12/2015. Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các nước trong vấn đề thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lực và cung cấp tài chính hỗ trợ cho ứng phó BĐKH toàn cầu.

Trước Thỏa thuận Paris, Công ước khung của LHQ về BĐKH được thông qua năm 1992, có hiệu lực từ năm 1994 và Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997, có hiệu lực từ năm 2005. Tuy nhiên, những văn bản này mới chỉ ràng buộc trách nhiệm của các nước phát triển. Còn với những nước đang phát triển như Việt Nam, thời điểm đó chúng ta ứng phó với BĐKH toàn cầu theo tinh thần tự nguyện, tức là khi có nguồn lực, khi có lợi ích thì chúng ta thực hiện.

Khác các quy định trước đây, với Thỏa thuận Paris, tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, đây là ràng buộc pháp lý. Các nước có 5 năm chuẩn bị để cùng triển khai từ năm 2021. Tại Hội nghị COP 26 lần này, các quốc gia sẽ cùng kiểm điểm tất cả các kế hoạch, hành động từ năm 2015 đến nay xem còn thiếu gì về quy định cũng như nguồn lực để ứng phó BĐKH.

Tôi cho rằng, COP 26 có ý nghĩa hết sức quan trọng vì 3 lý do.

Thứ nhất là để rà soát lại việc chuẩn bị các các quốc gia, trong đó có bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris, để thực hiện từ 2021 trở đi. Thứ hai, COP 26 sẽ đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH và cung cấp phương tiện thực hiện (tài chính, công nghệ, hỗ trợ, kinh nghiệm…). Thứ ba, đề ra phương hướng phục hồi sau COVID theo hướng thích ứng với BĐKH, thân thiện với môi trường.

Việt Nam ngày càng được thế giới ghi nhận trong nỗ lực ứng phó với BĐKH. Liên tiếp các tại các COP, chúng ta đã đưa ra những kinh nghiệm và sáng kiến ứng phó với BĐKH được đánh giá cao. Xin ông cho biết Việt Nam đã chuẩn bị những gì và có mục tiêu như thế nào tại COP 26?

Ông Phạm Văn Tấn: Có thể nói rằng Việt Nam là một trong những nước rất tích cực, chủ động ứng phó với BĐKH. Ngay sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua năm 2015, Chính phủ đã giao cho các bộ, các ngành chủ trì là Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Do có sự chuẩn bị nên khi Chính phủ thông qua Nghị quyết về gia nhập Thỏa thuận Paris thì chúng ta cũng thông qua kế hoạch thực hiện Thỏa thuận này. Đây là điểm rất khác biệt của Việt Nam so với các nước khác, vì có kế hoạch thực hiện ngay khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực.

Bên cạnh đó, ngoài kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris từ năm 2016 đến năm 2030, chúng ta đã đưa nội dung cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris vào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2020. Trong Luật có 1 chương về ứng phó với BĐKH, chỉ rõ thích ứng với BĐKH phải làm gì, làm thế nào để thu hút nguồn lực xã hội và huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia và ứng phó BĐKH.

Đây cũng là điểm sáng thứ 2 của Việt Nam đối với việc thực hiện Thỏa thuận Paris.

Tại COP 26, chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam là một trong các nước đang phát triển đầu tiên đưa quy định thực hiện Thỏa thuận Paris vào quy định pháp luật để toàn dân thực hiện.

Việt Nam tham dự COP 26 có đoàn cấp cao và đoàn kỹ thuật. Đối với đoàn cấp cao, Việt Nam sẽ thể hiện vị thế là một nước tích cực chủ động trong ứng phó BĐKH và có đóng góp cụ thể cho ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Đối với cấp kỹ thuật, chúng tôi sẽ tập trung vào việc đóng góp, thảo luận để cùng với các quốc gia hoàn thiện và đi đến thống nhất ban hành Bộ quy tắc thi hành Thỏa thuận Paris. Đoàn kỹ thuật cũng sẽ mang đến các kinh nghiệm, chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong các hành động triển khai thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Nhiều quốc gia muốn Việt Nam gia nhập Sáng kiến ứng phó BĐKH

Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động trong ứng phó với BĐKH với các công trình thân thiện với môi trường

Vị thế, vai trò của Việt Nam sẽ được thể hiện như thế nào tại COP 26, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tấn: Nếu theo dõi các kỳ Hội nghị COP, chúng ta sẽ thấy từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển đều đề cập nhiều đến vấn đề huy động toàn xã hội tham gia ứng phó BĐKH. Việt Nam đã làm được điều này khi đưa vào Luật, Nghị định hướng dẫn để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon. Các quy định pháp luật này đã được trình Chính phủ để có thể thực hiện từ ngày 1/1/2022.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN về lượng phát thải khí nhà kính. Đây là thực tế dù chúng ta không muốn. Thực tế này làm vị thế của Việt Nam tại Hội nghị trở nên quan trọng và sẽ nhận được quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế.

Theo đó, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thích ứng với BĐKH sẽ là kinh nghiệm quý báu cho các nước khác, được các nước tìm hiểu, học tập. Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Nhiều nước có mức độ phát triển tương đương hoặc thấp hơn cũng sẽ nhìn Việt Nam để hành động. Vì vậy sự xuất hiện của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu. Ngay trước khi COP 26 diễn ra, nhiều quốc gia đã gửi sáng kiến và mong muốn Việt Nam gia nhập, cùng thực hiện các sáng kiến đó.

COP 26 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với rất nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo nhận định của ông, COP 26 có đạt được những kết quả như kỳ vọng không?

Ông Phạm Văn Tấn: Tôi cho rằng COP 26 có thể tạo đột phá trong thích ứng với BĐKH toàn cầu vì 3 lý do.

Thứ nhất, COP 26 đã phải lùi lại 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch của COVID-19. Có thể nói, một năm qua thế giới không ngừng nghỉ trong nỗ lực ứng phó BĐKH toàn cầu, đã có rất nhiều đợt vận động để các quốc gia nâng cao các cam kết trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng như nâng cao khả năng chống chịu trước tác động của BĐKH. Do có sự chuẩn bị kỹ như vậy nên có thể thấy tại COP26, các quốc gia sẽ mang đến những hành động mạnh mẽ hơn trong ứng phó BĐKH toàn cầu.

Điểm thứ hai có thể làm nên thành công của COP26 là Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới. Trên 130 nguyên thủ quốc gia đã công bố, khẳng định sẽ tham gia và phát biểu tại Hội nghị. Nhiều nước cũng đã tuyên bố đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tăng mức cam kết hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến thế giới và khiến các nước nhận ra tầm quan trọng của việc sống xanh, sống khỏe. Các quốc gia dù giàu, dù nghèo đều bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Nếu không có những ứng xử phù hợp và khẩn cấp thì ảnh hưởng của BĐKH đối với toàn cầu chắc chắn còn nặng nề hơn so với ảnh hưởng của dịch COVID19. Vì vậy, COP 26 chính là thời điểm để các quốc gia hướng chương trình phục hồi sau đại dịch theo hướng ứng phó với BĐKH, thân thiện với môi trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Cúc

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Việt Nam thu hút sự quan tâm về ứng phó với BĐKH
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO