Vì sao trẻ cần có sự riêng tư?

Kim Dung| 05/04/2022 06:13

Mong muốn có nhiều sự riêng tư hơn là điều tự nhiên khi trẻ lớn lên. Thực tế, quyền riêng tư đi đôi với quyền tự chủ và tính cá nhân.

Trẻ cần cảm thấy được tin tưởng. Trẻ cần cảm thấy được tin tưởng.

Quá trình mang lại cho trẻ em nhiều tự do này được coi là một phần quan trọng trong việc trưởng thành và phát triển kỹ năng...

Quyền riêng tư và sự tin cậy

Bà Amy Morin - nhà trị liệu tâm lý tại Mỹ - chia sẻ, khi lớn hơn, trẻ bắt đầu đối mặt với những thách thức. Ví dụ, trẻ cần tìm hiểu xem mình là người như thế nào, phù hợp ở đâu và muốn làm gì trong cuộc sống.

Bộ não của trẻ cũng phát triển nhanh. Khi đó, trẻ đạt được các kỹ năng tư duy mới và phát triển nhiều mối quan tâm xã hội. Do đó, việc muốn có nhiều không gian và sự riêng tư hơn khi giải quyết những vấn đề này là điều hiển nhiên.

Đối với cha mẹ, khoảng thời gian này cũng có thể là một sự thay đổi lớn. Bởi, nhiều phụ huynh lo lắng khi không biết điều gì đang xảy ra với con. Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ huynh phải biết rằng, muốn có nhiều sự riêng tư hơn không có nghĩa là trẻ đang giấu điều gì đó. Bằng cách hiểu mối quan hệ giữa quyền riêng tư và sự tin cậy, các cha mẹ sẽ có thể nuôi dạy một thanh thiếu niên khỏe mạnh và độc lập.

Khi lớn lên, trẻ muốn được tin tưởng để làm nhiều việc hơn so với lúc nhỏ. Trẻ cũng muốn được coi là người trưởng thành, có trách nhiệm và độc lập. Việc để thanh thiếu niên có không gian riêng sẽ mang lại hiệu quả kỳ diệu đối với sự phát triển của trẻ. Khi đó, trẻ không chỉ cảm thấy được tin tưởng, mà còn tự tin hơn.

“Hãy nhớ rằng, thanh, thiếu niên cũng trải qua những thay đổi về thể chất. Điều đó khiến sự riêng tư ở độ tuổi này trở thành yếu tố bắt buộc. Một đứa trẻ từng cảm thấy thoải mái khi thay quần áo trước mặt cha mẹ có thể không muốn làm điều đó nữa. Trẻ cũng có thể khóa cửa phòng ngủ hoặc phòng tắm để đảm bảo rằng, quyền riêng tư được tôn trọng. Đây là một phần bình thường của quá trình trưởng thành và không phải là lý do để lo lắng”, bà Amy Morin cho biết.

Ngoài ra, thanh, thiếu niên cũng có thể cảm thấy thoải mái hơn khi đặt câu hỏi hoặc tâm sự với cha mẹ về một số vấn đề nhất định. Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ cần được hướng dẫn về các mối quan hệ, hoặc những thay đổi sinh lý. Khi có được sự riêng tư cần thiết, trẻ sẽ trở nên độc lập và tự tin hơn. Do đó, các cha mẹ cần cân bằng giữa việc biết con đang làm gì, tin tưởng trẻ và biết khi nào nên bước vào.

Khi thanh, thiếu niên cho rằng, cha mẹ đã xâm phạm quyền riêng tư của con, việc xung đột là điều khó tránh. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không tin tưởng mình.

Nếu rơi vào tình huống này, phụ huynh hãy lùi lại một bước. Sau đó, xác định khi nào cần cho trẻ không gian riêng mà không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của con. Nếu nghi ngờ trẻ đang giấu điều gì đó, cha mẹ có thể tìm hiểu từ từ.


Cha mẹ không nên xem điện thoại hoặc nhật ký của con.

Thể hiện sự tin cậy

“Điều quan trọng là phải cho thanh, thiếu niên không gian mà chúng cần. Song, hãy nhớ rằng, không phải lúc nào thanh, thiếu niên cũng sẵn sàng đối phó với thế giới người lớn khi ở một mình. Con vẫn cần cha mẹ. Không có gì lạ khi thanh, thiếu niên đưa ra quyết định nhanh chóng. Không phải lúc nào trẻ cũng suy nghĩ thấu đáo về hậu quả của những lựa chọn đó”, bà Morin chia sẻ.

Do đó, thanh, thiếu niên vẫn cần sự tư vấn và hỗ trợ từ cha mẹ. Trẻ cũng cần thường xuyên giao tiếp với phụ huynh. Để con riêng tư không giống với việc tự do kiểm soát. Vì vậy, cha mẹ phải tìm cách cân bằng giữa nhu cầu về quyền riêng tư của con và phụ huynh. Nhờ đó, đảm bảo an toàn và bảo mật cho trẻ.

Sự cân bằng phù hợp

Một cách để xác định nơi mà những ranh giới đó tồn tại là cha mẹ cần tự hỏi đâu là điều mình thực sự cần biết và không. Ví dụ, cha mẹ cần biết trẻ sẽ đi đâu, đi cùng với ai và khi nào về nhà.

Tuy nhiên, phụ huynh không cần biết về những gì trẻ đã thảo luận với bạn. Tất nhiên, một số thanh, thiếu niên sẵn sàng chia sẻ về thông tin này. Song, nếu trẻ không sẵn sàng chia sẻ nhiều, phụ huynh cũng không nên lo lắng. Chìa khóa là cha mẹ chỉ nên biết những gì cần.

Bà Morin gợi ý, một số cách khác để cha mẹ tạo sự riêng tư cho trẻ bao gồm: Cho phép con gặp bác sĩ riêng nếu muốn; Hỏi trước khi lấy thứ gì đó ra khỏi ví hoặc ba lô của trẻ; Cho trẻ thời gian một mình; Gõ cửa trước khi vào phòng của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyên không nên đọc tin nhắn và email, nhật ký hay sổ ghi chép của con.

“Tất nhiên, cách tốt nhất để xác định mức độ riêng tư và tự do mà trẻ cần là đánh giá trách nhiệm của chúng đối với các nghĩa vụ. Nói cách khác, trẻ có đến trường đúng giờ, làm bài tập về nhà, tôn trọng giờ giới nghiêm và hoàn thành công việc của mình không? Nếu trẻ có thể hoàn thành những việc này mà không cần được nhắc nhiều, cha mẹ có thể nới lỏng một chút”, bà Morin gợi ý.

Trong trường hợp trẻ gây rối hoặc vi phạm lòng tin, cha mẹ có thể bớt đi một chút quyền riêng tư của con trong khoảng thời gian.

Tuy nhiên, theo bà Morin, một số thời điểm, cha mẹ có thể giám sát trẻ. Ví dụ, nếu tình cờ nghe thấy trẻ nói về bạo lực khi hẹn hò, hoặc phát hiện con đau khổ thông qua một bài đăng trên mạng... cha mẹ cần tìm hiểu về hành động đó. Bởi, việc của cha mẹ là giữ an toàn cho trẻ. Những phát hiện này là dấu hiệu báo trước rằng, một điều gì đó có hại đang xảy ra trong cuộc sống của trẻ.

“Tuy nhiên, cha mẹ không nên theo dõi con hoặc rình mò điện thoại của chúng để tìm hiểu về những tình huống nhỏ như đánh nhau với bạn. Thay vào đó, hãy đặt lịch kiểm tra cho những thời điểm mà hành vi của con bạn có thể thay đổi đáng kể”, chuyên gia cho biết.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao trẻ cần có sự riêng tư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO