Vì sao tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 tăng lên nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao?

Thùy Linh| 09/12/2021 19:42

Theo công bố mới nhất từ Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 8.12 đến 17h30 ngày 9.12 ghi nhận 256 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tỉ lệ bao phủ vaccine tăng lên từng ngày

Bộ Y tế cho biết: Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tỉ lệ tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 6 ASEAN). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 218 ca.

Đơn cử như ở TPHCM, sau những ngày giảm sâu, từ đầu tháng 12.2021, số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại TP.HCM lại có xu hướng tăng cao. Trung bình số người tử vong do COVID-19  khoảng 65-70 ca/ngày.

Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 vẫn tăng lên từng ngày. Cập nhật đến 13h30 ngày 9.12, cả nước đã tiêm hơn 130 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 123.302.462 liều, trong đó có 68.910.919 liều mũi 1 và 54.391.543 liều mũi 2.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 96,3% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 76% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,4% và 68,6%; miền Trung là 92,8% và 73,3%; Tây Nguyên là 91,0% và 60,5%; miền Nam là 98,9% và 84,7%.

Có 61/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 29 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95%.

Hiện đã có 58/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 39 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%.

Tử vong nhiều ở nhóm nguy cơ cao

Tỉ lệ bao phủ vaccine đã tăng lên, nhưng tỉ lệ tử vong do COVID-19 vẫn cao. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cơ quan này đang đánh giá nguyên nhân số ca COVID-19 tử vong thời gian qua. "Chúng tôi đã giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong"- ông nói.

Thứ trưởng cho hay, theo thống kê chung của thế giới và Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới.

"Bước đầu, chúng tôi nhận định, các ca bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu chiến lược giảm tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19. Đó là, tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỉ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi tăng cường đối với các trường hợp nguy cơ cao, tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị COVID-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong.

Liên quan đến thuốc điều trị COVID-19, theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir...

Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19…

Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Về vấn đề đánh giá kháng thể sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định ngay từ đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã giao các viện liên quan nghiên cứu, đánh giá về vấn đề này.

Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vaccine hoặc nhiễm SARS-CoV-2.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 tăng lên nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO