Vì sao Nga tăng cường khả năng phòng thủ không gian vũ trụ?

09/10/2021 10:54

Đến năm 2025, Nga sẽ triển khai ít nhất 12 tổ hợp kỹ thuật quang học và laser vô tuyến mới, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát không gian vũ trụ, trong bối cảnh cạnh tranh phức tạp giữa các cường quốc, có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang bên ngoài Trái đất.

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (4-10), Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 12 tổ hợp kỹ thuật vô tuyến và laser quang học mới của nước này sẽ được triển khai đến năm 2025, nhằm kiểm soát không gian vũ trụ. Bộ Quốc phòng cho biết thêm, các tổ hợp thế hệ mới đầu tiên đã được lắp đặt thành công trên lãnh thổ của Vùng Altai và đang đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát không gian.

Ngoài ra, một hệ thống chỉ huy và đo lường mới đang được tích cực phát triển, để tái trang bị Trung tâm thử nghiệm vũ trụ mang tên G.S.Titov. “Việc đưa vào vận hành các phương tiện chỉ huy và đo lường thống nhất sẽ cho phép chuyển đổi sang công nghệ mới, để điều khiển tàu vũ trụ trên nhóm quỹ đạo của Nga, đồng thời giảm đáng kể các phương tiện kỹ thuật điều khiển đã lạc hậu”, Bộ Quốc phòng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, khoảng 50 công trình nghiên cứu, phát triển khác đang được tiến hành, nhằm tạo ra các hệ thống và tổ hợp điều khiển không gian trên mặt đất thế hệ mới cho các đơn vị hàng không vũ trụ Nga.

Nga triển khai 12 tổ hợp kỹ thuật vô tuyến và laser quang học mới đến năm 2025. Ảnh: Mil.ru.

Các mối đe dọa tiềm ẩn

Việc phát triển và tăng cường các hệ thống kiểm soát không gian gần Trái đất của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước NATO khác được cho là đang tích cực quân sự hóa không gian. Trả lời RT, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhấn mạnh, Nga triển khai các hệ thống laser quang học mới có liên quan trực tiếp tới các hành động gần đây của Mỹ.

“Các hệ thống này rất quan trọng đối với việc tổ chức phòng thủ hàng không vũ trụ. Bởi vì các chương trình quân sự hóa ngoài không gian đã được kích hoạt ở các nước NATO và Mỹ. Nhiều vật thể không gian của Mỹ, được phóng lên quỹ đạo dưới vỏ bọc vệ tinh dân sự, có thể nhằm mục đích quân sự. Các phương tiện kiểm soát mới sẽ cho phép giám sát không gian bên ngoài, xác định loại vật thể nào trên quỹ đạo là mối đe dọa”, chuyên gia Leonkov cho biết.

Hồi tháng 9, ông Yan Novikov, Tổng giám đốc Tập đoàn vũ khí Nga Almaz-Antey đã nói về một trong những loại vũ khí không gian mà Mỹ đang phát triển, được gọi là tàu vũ trụ tầm trung. Theo đó, mục đích của chương trình phát triển này là nhằm cung cấp khả năng thực hiện các cuộc tấn công nhanh, chính xác nhằm vào bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới.

“Trước hết, đó có thể là X-37, loại phương tiện bay không người lái trên quỹ đạo. Chúng không chỉ có khả năng ở trong không gian lâu dài, mà còn có thể nhanh chóng thay đổi quỹ đạo, cũng như thực hiện một số chức năng đặc biệt khác. Năm 2010, thiết bị đầu tiên như vậy đã được ra mắt, và hiện đã có một số thiết bị được trang bị”, Tổng giám đốc của Almaz-Antey nói.

Theo tuyên bố chính thức từ phía Mỹ, các thiết bị này được tạo ra cho nhiều mục đích khoa học và thông tin tình báo, nhưng cộng đồng chuyên gia đều hiểu rằng, chúng có thể thực hiện các chức năng của phương tiện bay mang đầu đạn hạt nhân.

“Mỹ có kế hoạch gia tăng hơn nữa số lượng các phương tiện như vậy trong không gian. Đây là một thách thức nghiêm trọng”, ông Novikov nhấn mạnh. Tổng giám đốc của Almaz-Antey cho biết thêm: “Tàu vũ trụ có thể được tái sử dụng, và cung cấp giải pháp linh hoạt cho các nhiệm vụ chiến đấu: Từ khả năng trinh sát và kiểm soát không gian bên ngoài, cho đến thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các mục tiêu ưu tiên trên mặt đất”.

Tháng 4-2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Washington đang trên lộ trình triển khai các hệ thống tấn công trong không gian vũ trụ. Moscow đã đưa ra kết luận này dựa trên việc Mỹ từ chối đối thoại với Nga. Theo ông Ryabkov, phía Mỹ đã liên tục phớt lờ các đề xuất của Nga, để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian, bằng cách cùng tham gia tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế chung.

Nga đang tăng cường các biện pháp kiểm soát không gian vũ trụ. Ảnh: Mil.ru.

Chạy đua vũ trang trên không gian vũ trụ

Gần đây, Mỹ và các đồng minh liên tục cáo buộc Nga triển khai các loại vũ khí mới trong không gian gần Trái đất, và đang đe dọa an ninh của họ. Tháng 5 vừa qua, người đứng đầu Bộ tư lệnh Tác chiến Không gian Mỹ, tướng Stephen Whiting nói rằng, các vệ tinh của Nga được cho là có thể can thiệp vào hoạt động của các vật thể bay của Mỹ trong không gian.

Đồng thời, Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ, tướng John Raymond, trong cuộc phỏng vấn với The Washington Post cho biết, Nga và Trung Quốc đã tạo ra vũ khí có khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh của Mỹ, “để phá hủy chúng khỏi Trái đất và từ không gian hoặc thông qua không gian mạng”.

Lãnh đạo quân sự Mỹ nói không gian là một khu vực “tác chiến như trên không, trên bộ và trên biển”. Điều đáng chú ý là luận điểm này cũng được nêu ra trong chiến lược không gian quốc gia của Hoa Kỳ. Tài liệu nhấn mạnh, do các “đối thủ” muốn thách thức lợi ích của Washington và các đồng minh trong không gian, và đã biến không gian thành vùng chiến sự.

Tuy vậy, Moscow luôn phản đối mọi sáng kiến và kế hoạch triển khai vũ khí trong không gian gần Trái đất. Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc phỏng vấn với đài NBC trước hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden, đã nhắc lại quan điểm của Nga về việc không thể chấp nhận được hành động quân sự hóa không gian.

“Chúng tôi kiên quyết chống lại việc quân sự hóa ngoài không gian nói chung. Chúng tôi tin rằng, không nên có bất kỳ loại vũ khí nào được triển khai trong không gian gần Trái đất”, ông Putin nhấn mạnh.

Theo đánh giá của người đứng đầu Viện Chính sách Không gian, Ivan Moiseev, Mỹ đã tích cực xây dựng năng lực của mình trong lĩnh vực không gian quân sự trong vài năm qua, bằng cách sử dụng các công nghệ mới.

Ông Moiseev cho biết thêm, Nga hiện đang phát triển các hệ thống phòng thủ và cảnh báo bên ngoài không gian. “Đó là hệ thống thông tin liên lạc, các loại hình trinh sát khác nhau - không chỉ quang học, mà còn cả kỹ thuật vô tuyến, các lĩnh vực đặc biệt như phát hiện phóng tên lửa và nghiên cứu quân sự, tạo ra công nghệ tiên tiến hơn”.

Trong khi đó, chuyên gia Alexei Leonkov nhấn mạnh, hiện nay phạm vi hoạt động của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã mở rộng. Trước đây, các nhiệm vụ chính chỉ giới hạn ở việc phóng vệ tinh quân sự và giám sát công việc của chúng trên quỹ đạo. “Bây giờ các nhiệm vụ đã trở nên rộng hơn nhiều. Lực lượng Vũ trụ cùng với Lực lượng Phòng không - Không quân trở thành một phần của Lực lượng Hàng không vũ trụ. Vì vậy, Nga đang cố gắng hợp nhất ba lực lượng để trong tương lai có thể xây dựng một lực lượng phòng thủ vũ trụ”.

Theo chuyên gia quân sự này, Washington muốn kéo Nga và Trung Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang không gian, và sẽ làm suy yếu nền kinh tế của hai nước này. Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang này.

MINH TUẤN (theo RT)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Nga tăng cường khả năng phòng thủ không gian vũ trụ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO