Vì sao F-35 của Không quân Hoàng gia Anh lao xuống biển?

18/11/2021 11:15

Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết, chiến đấu cơ F-35 của Không quân Hoàng gia Anh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã lao xuống biển Địa Trung Hải.

Theo Hãng tin The Guardian, một phi công F-35 đã thoát ra khỏi máy bay và được đưa trở lại tàu sân bay HMS Queen Elizabeth an toàn, nhưng chiến đấu cơ tàng hình trị giá 100 triệu bảng Anh đã lao xuống biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, vụ tai nạn xảy ra ngay sau khi F-35 cất cánh trong một hoạt động bay thường lệ. Bất chấp sự việc vừa qua, tất cả các máy bay F-35 còn lại và các chuyến bay huấn luyện vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.

HMS Queen Elizabeth gồm 8 chiếc F-35 của Anh và 10 chiếc F-35 của Mỹ vừa mới trở lại Châu Âu sau một thời gian dài được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trước đó, Anh đã ký hợp đồng mua 48 chiếc F-35B từ Tập đoàn Công nghệ quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ với tổng giá trị 6 tỷ bảng Anh vào năm 2025. Mới đây, Anh đã nhận bàn giao 3 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, nâng tổng số tiêm kích của nước này lên con số 24.

Một chiếc F-35 chuẩn bị cất cánh (Ảnh: Getty Immages)

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cũng thông báo đang tiến hành điều tra về vụ việc, và thời điểm này "không thích hợp để bình luận thêm về sự việc". Thông thường, những báo cáo ban đầu về vụ việc sẽ được công bố trong vài tuần tới và phải mất khoảng 1 năm để hoàn chỉnh báo cáo.

Đây là sự cố đầu tiên đầu tiên liên quan đến chiến đấu cơ F-35 của Không quân Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, sự việc này lại tiếp tục làm dẫy lên những nghi ngờ về độ an toàn của chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới này, bởi trong 3 năm qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến máy bay chiến đấu này. Vụ việc tương tự đã xảy ra vào tháng 9-2018, khi một chiếc F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ rơi ở Nam Carolina do lỗi kỹ thuật. Nhiều sự cố khác liên quan đến vấn đề kỹ thuật cũng đã được ghi nhận. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, F-35 hiện còn tồn tại hơn 800 lỗi phần cứng và phần mềm. Những lỗi này được cho là có thể làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực thi nhiệm vụ và bảo dưỡng của các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này.

Chiến đấu cơ tàng hình F-35 là dòng máy bay chiến đấu tàng hình đa năng một chỗ ngồi, một động cơ, hoạt động trong mọi thời tiết do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển. Dòng F-35 gồm 3 biến thể, F-35A, F-35B và F-35C. Biến thể F-35A được thiết kế để hoạt động trên đường băng thông thường và là biến thể phổ biến nhất. Hiện nay, Không quân Hoa Kỳ và phần lớn các khách hàng đồng minh của F-35 đang vận hành F-35A. Biến thể F-35B có thể hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và cất cánh trong khoảng cách rất ngắn. F-35B đang được vận hành bởi Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Không quân Italia. Trong khi đó, biến thể F-35C là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ và là máy bay chiến đấu tàng hình tầm xa thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới. Nó được thiết kế và chế tạo dành riêng cho các hoạt động trên tàu sân bay. F-35C được vận hành độc quyền bởi lực lượng hải quân Hoa Kỳ.

Hiện nay, F-35 đang được vận hành bởi Không quân Hoa Kỳ, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Hải quân Hoa Kỳ. Ngoài Hoa Kỳ, F-35 còn được biên chế trong lực lượng vũ trang của 9 quốc gia khác, gồm Australia, Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Israel, Ý, Na Uy, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù được trang bị những tính năng hiện đại bậc nhất thế giới, nhưng xét về khả năng không chiến F-35 được đánh giá là “thua xa” so máy bay chiến đấu chiến thuật thế hệ thứ năm F-22 Raptor được phát triển bởi Lockheed Martin. Mỹ đã cấm xuất khẩu tiêm kích F-22 với lo ngại các thiết kế và công nghệ tuyệt vời như vậy sẽ rơi vào tay kẻ xấu.

TRẦN HOÀI

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao F-35 của Không quân Hoàng gia Anh lao xuống biển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO