Vì sao cán bộ văn hóa Sa Pa bắc loa kêu gọi không mua hàng rong của trẻ em?

05/01/2021 16:38

Trưởng phòng Văn hóa TX Sa Pa (tỉnh Lào Cai) chia sẻ nguyên nhân cán bộ văn hóa phải bắc loa kêu gọi du khách không mua hàng rong của trẻ em trên địa bàn.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip cán bộ phường Sa Pa (Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bắc loa kêu gọi du khách không cho tiền, mua hàng rong từ trẻ em. Clip nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo người dân khắp cả nước.

Tối 4/1, trả lời VTC News, bà Hoàng Thị Vượng (Trưởng Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa) cho biết, đây chỉ là một trong những phương pháp thị xã đang làm để giải quyết tình trạng các bà mẹ, người thân lợi dụng trẻ em để trục lợi trên sự thương hại của du khách.

Theo đó, đơn vị tập trung tuyên truyền rầm rộ bằng tờ rơi viết chữ song ngữ Anh – Việt, loa phát thanh, hội thảo tại địa phương, clip trên mạng xã hội… đồng thời các cán bộ phường với trách nhiệm giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng trẻ em để bán hàng, họ đi phát loa trực tiếp để tác động mạnh mẽ hơn đến du khách.

Vì sao cán bộ văn hóa Sa Pa bắc loa kêu gọi không mua hàng rong của trẻ em? - 1

Cán bộ phường Sa Pa đi tuyên truyền nhắc nhở du khách không mua hàng của trẻ em bán hàng rong.

“Nhiều khách du lịch khi nghe thấy các cán bộ nói trực tiếp, họ thường tò mò đến hỏi kĩ hơn. Lúc này các anh thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn và muốn làm”, bà Vượng chia sẻ các cán bộ phường rất tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Theo bà Vượng, tình trạng lợi dụng trẻ em để bán hàng tại khu du lịch Sa Pa có từ hàng chục năm nay, tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Nếu như trước đây, trẻ em phải nghỉ học để đi bán hàng, thì nay với sự vào cuộc của ngành giáo dục, các em đến khu du lịch bán hàng vào chiều thứ Sáu, đến thứ Bảy về đi học.

Tuy nhiên, các em nhỏ lứa tuổi từ vài tháng tuổi đến hơn 10 tuổi vẫn trở thành công cụ kiếm tiền cho các bà mẹ, thậm chí là người thân, từ sự thương hại của các du khách.

Những đứa trẻ xuất hiện trong bộ dạng nhơ nhuốc hoặc vật vờ, đứa lớn cõng đứa bé khóc mếu trong cơn mưa lạnh giá buốt để mời chào. Nhiều du khách thương cảm đành cho chúng tiền thay vì mua hàng.

Tuy nhiên, nếu không mua hàng hoặc cho chúng tiền, họ sẽ bị lẽo đẽo bám theo gây phiền phức. Chưa hết, nếu không kiếm được tiền, những đứa trẻ có thể bị mẹ chúng thẳng tay đánh đập ngay trước mặt du khách.

“Mục đích của các bà mẹ không phải là bán hàng, chỉ là để các du khách thương hại và cho tiền. Nhiều người mẹ muốn sinh con chỉ để có đứa trẻ làm công cụ đi lang thang và bán hàng, xin tiền của khách. Bởi thu nhập của một đứa trẻ là rất lớn, có thể kiếm từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/ngày. Vì vậy, họ rất nhẫn tâm”, bà Vượng bức xúc nói.

Trưởng Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa cho biết, theo thống kê, có tới 98% các trường hợp bà mẹ đưa các con nhỏ đi bán hàng, xin ăn là người dân tộc Mông, còn lại dân tộc người Dao. Họ sinh sống ở lân cận Sa Pa, một số ít ở Tam Đường (Lai Châu).

Để giải quyết tình trạng trên, ngoài việc cán bộ phường kêu gọi trên loa, kể từ tháng 8/2020, Thị xã Sa Pa đưa ra giải pháp “chuyển đổi mục đích sinh kế” cho các bà mẹ. Theo đó, họ sẽ được đăng kí địa điểm bán hàng tại khu du lịch, làm tại các nhà hàng, khách sạn, mở home stay… thay vì đem con nhỏ đi bán hàng.

Vì sao cán bộ văn hóa Sa Pa bắc loa kêu gọi không mua hàng rong của trẻ em? - 2

Trẻ em chèo kéo khách mua hàng ở Sa Pa. (Ảnh: Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa)

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 30% số lượng các bà mẹ lợi dụng con nhỏ bán hàng rong tham gia chương trình “chuyển đổi mục đích sinh kế”, 70% còn lại (vài chục trường hợp) chưa tham gia bởi họ vẫn tiếc khoản thu nhập cao từ việc đem trẻ em đi bán hàng rong.

“Bà con nhiều lý lẽ lắm, họ nói người Mông bán hàng rong là đang làm đẹp cho Sa Pa, tại sao lại bắt họ chuyển đổi. Nếu không cho họ bán hàng kiếm tiền, thì chỗ nào có hình ảnh quảng bá du lịch của người Mông thì không được sử dụng”, bà Vượng nói.

Bà Vượng thông tin thêm, để đăng kí "chuyển đổi mục đích sinh kế", bà con có thể đến chính quyền địa phương hoặc phòng thường trực của Tổ công tác giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin tại Khu trưng bày các sản phẩm Sa Pa (đối diện nhà thờ).

Hiện nay, Thị xã Sa Pa cũng đang triển khai giải tỏa mặt bằng khu trưng bày các sản phẩm Sa Pa của các doanh nghiệp để cải tạo thành không gian bán hàng cho người dân. Đây là thời điểm thuận lợi để bà con xây dựng tương lai bền vững, đặc biệt là thu nhập cho gia đình và thế hệ sau này thông qua chương trình “chuyển đổi sinh kế”.

Vì sao cán bộ văn hóa Sa Pa bắc loa kêu gọi không mua hàng rong của trẻ em? - 3

Các bà mẹ có con nhỏ bán hàng tại Sa Pa kí kết tham gia chương trình "chuyển đổi sinh kế". (Ảnh: Phòng văn hóa Thị xã Sa Pa)

Bên cạnh việc “chuyển đổi sinh kế”, Thị xã Sa Pa còn khuyến khích bà con bán sản phẩm du lịch thì nên bán hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ của Sa Pa, thay vì nhập mặt hàng từ Trung Quốc, Thái Lan... Điều này nhằm tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.

Qua công tác nắm tình hình, Công an Thị xã Sa Pa đang theo dõi 3 trường hợp cứng đầu lợi dụng trẻ em để bán hàng đang được công an theo dõi gồm: Giàng Thị Dây (45 tuổi, trú tại thôn 2, xã Hoàng Liên; đang tạm trú tại nhà bà Trần Thị Thoa ở tổ 4, phường Sa Pa). Người này mang 4 người con và 2 cháu từ 1 tuổi đến 8 tuổi thường xuyên đeo bám, bán hàng và xin tiền tại trung tâm thị xã.

Trường hợp thứ hai là Lù Thị Lung (40 tuổi, trú tại thôn San I, xã Hoàng Liên; đang tạm trú tại nhà bà Trần Thị Thoa ở tổ 4, phường Sa Pa). Người này mang theo 4 con độ tuổi từ 1- 8 tuổi thường xuyên đeo bám và bán hàng tại trung tâm thị xã.

Người cuối cùng là Hạng Thị Máy (40 tuổi, trú tại thôn Hang đá, xã Mường Hoa). Hoa đưa 2 con và 2 cháu thường xuyên tập trung tại khu vực Bến xe cũ, Khách sạn Sao Phương Bắc để bán hàng và đeo bám khách.

Vì sao cán bộ văn hóa Sa Pa bắc loa kêu gọi không mua hàng rong của trẻ em? - 4

Hình ảnh 3 người phụ nữ ngoan cố thường cho con nhỏ đi chèo kéo du khách đang được cơ quan chức năng theo dõi. (Ảnh: Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa)

“Nếu có dấu hiệu của việc trục lợi hoặc hành hạ thân xác từ trẻ em thì công an sẽ xử lý để làm gương. Bởi mọi người vẫn nghĩ việc làm của họ đang đúng, có vấn đề gì đâu. Nếu có vài trường hợp bị xử lý thì bà con khắc sẽ nhìn thấy và rút kinh nghiệm.

Giải pháp thì phải tổng thể là vừa xử lý nghiêm khắc để răn đe, vừa phải có hướng mở ra sinh kế và vừa tuyên truyền để bà con nhận thấy rằng hành động của mình là không đúng, và làm ảnh hưởng đến thế hệ sau này, chứ không phải hiện tại”, bà Vượng thông tin.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao cán bộ văn hóa Sa Pa bắc loa kêu gọi không mua hàng rong của trẻ em?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO