Vì sao các công ty vũ khí lớn thế giới vẫn đạt lợi nhuận ‘khủng’?

06/12/2021 19:35

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới đã tăng doanh số bán hàng trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, bất chấp tình hình căng thẳng trong nền kinh tế toàn cầu, vào năm 2020, các công ty vũ khí đã bán thiết bị quân sự trị giá 531 tỉ USD, nhiều hơn 1,3% so với năm 2019.

So với năm 2015, mức tăng doanh thu của các công ty vũ khí trên thế giới là 17%. Các chuyên gia lưu ý rằng, trong khi nền kinh tế của nhiều quốc gia thu hẹp lại do đại dịch thì doanh số của các công ty sản xuất vũ khí đã tăng năm thứ 6 liên tiếp.

Danh sách các công ty vũ khí bao gồm 41 công ty từ Mỹ, chiếm hơn một nửa doanh số bán vũ khí của thế giới. Năm ngoái, các công ty vũ khí của Mỹ đã bán thiết bị quân sự trị giá 285 tỉ USD, nhiều hơn gần 2% so với một năm trước đó.

Vì sao các công ty vũ khí lớn thế giới vẫn đạt lợi nhuận ‘khủng’?
100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đã tiếp tục tăng doanh số bán hàng lên tới 531 tỉ USD. (Ảnh: AP)

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed-Martin của Mỹ, đứng đầu với doanh thu 58,2 tỉ USD nhờ các sản phẩm bán chạy nhất như máy bay chiến đấu F-35 và nhiều loại tên lửa khác nhau.

Trong khi, Tập đoàn vũ khí BAE Systems của Anh giành vị trí đầu tiên ở thị trường châu Âu, ngay trên 3 tập đoàn của Trung Quốc.

Theo SIPRI, Trung Quốc đứng thứ 2 về doanh số bán vũ khí toàn cầu với 13%, tiếp theo là Anh 7,1%.

Nhà khoa học cấp cao Nan Tian của SIPRI cho biết, trong những năm gần đây các công ty vũ khí Trung Quốc đã được hưởng lợi từ các chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này và tập trung vào sự kết hợp quân sự-dân sự, do đó trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị quân sự tiên tiến nhất trên thế giới.

Theo báo cáo của SIPRI, 26 công ty châu Âu chiếm khoảng 1/5 doanh số của 100 công ty vũ khí hàng đầu với tổng doanh thu là 109 tỉ USD. Bốn công ty vũ khí của Đức trong danh sách đã bán được số lượng vũ khí trị giá 8,9 tỉ USD vào năm 2020, nhiều hơn một chút so với năm 2019. Trong khi, các công ty Nga đã bán số vũ khí trị giá 26,4 tỉ USD.

Nhìn chung, các chuyên gia kết luận, các chính phủ trên thế giới tiếp tục tích cực mua vũ khí trong thời kỳ đại dịch và một số nước cũng thực hiện các bước đi để giúp đỡ các công ty vũ khí lớn của họ.

Chuyên gia Alexandra Marksteiner của SIPRI chia sẻ: “Các nhà sản xuất vũ khí đã được bảo vệ phần lớn nhờ nhu cầu mạnh mẽ của chính phủ đối với hàng hóa và dịch vụ quân sự, đồng thời bà cho biết thêm rằng một số chính phủ thậm chí đã tăng tốc thanh toán cho ngành công nghiệp vũ khí để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Cũng theo SIPRI, vì các hợp đồng quân sự thường kéo dài vài năm nên các công ty vũ khí đã có thể kiếm lợi nhuận trước khi cuộc khủng hoảng sức khỏe ập đến.

“Tuy nhiên, bất chấp những yếu tố này và các yếu tố khác, hoạt động sản xuất vũ khí toàn cầu vẫn chưa được bảo vệ hoàn toàn khỏi tác động của đại dịch”, báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, một ví dụ được đưa ra với công ty vũ khí Thales của Pháp, công ty này đã đổ lỗi cho các hạn chế kiểm dịch khiến doanh số bán hàng giảm 5,8%.

Công ty này nhấn mạnh, các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của virus đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp vũ khí cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Thanh Bình (lược dịch)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao các công ty vũ khí lớn thế giới vẫn đạt lợi nhuận ‘khủng’?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO