Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm

08/01/2021 13:25

Nhiều lái xe không giữ được bình tĩnh sau va chạm giao thông, sẵn sàng 'thượng cẳng chân, hạ cẳng tay' để nói chuyện với đối phương. Vậy lý giải điều này như thế nào?

Mức nguy hiểm ngày càng tăng

Mới đây, vụ việc xảy ra tại quận Thanh Xuân, Hà Nội khi một nam tài xế bị hành hung ngay giữa ngã tư do mâu thuẫn trong khi tham gia giao thông đã khiến dư luận bức xúc.

Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm
Vụ việc xảy ra vào tối 31/12/2020 được dư luận hết sức quan tâm


Vào khoảng 21h ngày 31/12/2020, một chiếc xe bán tải di chuyển từ lối rẽ đường Vành đai 3 trên cao cao xuống ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đã dừng, đỗ chờ đèn đỏ ở phần đường cho xe rẽ trái.

Sau nhiều nhịp đèn, chiếc xe bán tải vẫn không di chuyển khiến các xe phía sau bị ùn thành hàng dài. Thấy vậy, một tài xế khác đi phía sau đã xuống xe nhắc nhở thì bị lái xe bán tải lao đến đánh liên tục vào mặt và đầu khiến nạn nhân bị gãy răng, rách trán, chảy nhiều máu và phải nhập viện cấp cứu. Tài xế xe bán tải đã rời khỏi hiện trường ngay sau đó.

Khi nhận được đơn trình báo của nạn nhân, Công an quận Thanh Xuân vào cuộc điều tra. Sau gần 2 ngày, lực lượng công an đã tìm thấy người này ở tỉnh Lào Cai và đưa về Hà Nội làm rõ hành vi vi phạm.

Trước đó, một vụ việc khác diễn ra vào đầu tháng 12/2020 tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương cũng khiến dư luận “sục sôi” khi một nam thanh niên hành hung tàn nhẫn đối với một nữ sinh chỉ vì va chạm nhẹ với xe máy của nam thanh niên này. Toàn bộ sự việc đã được camera của một nhà dân gần đó ghi lại.

Theo đoạn clip, vụ va chạm giao thông giữa 3 phương tiện. Chưa biết đúng sai ra sao, nam thanh niên đi xe máy đã ngay lập tức xông đến đánh dã man vào đầu, mặt của nữ sinh điều khiển xe đạp điện.

Chưa dừng lại ở đó, người này còn rút trong người ra một cây gậy ba khúc đánh liên tiếp vào người em học sinh. Nhiều người dân chạy ra giúp người bị nạn và can ngăn thì người đàn ông mới dừng tay nhưng vẫn chửi bới, đe dọa nữ sinh rồi rời khỏi hiện trường.

Sau đó 1 ngày, Công an phường Tương Bình Hiệp (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã bắt giữ người đàn ông nói trên để điều tra, xử lý hành vi hung hãn, côn đồ, đánh dã man nữ sinh sau va chạm giao thông.

Có thể thấy, chỉ từ nguyên nhân ban đầu là những lời nhắc nhở hoặc va chạm rất nhỏ trên đường mà nhiều lái xe sẵn sàng xông vào hành hung đối phương một cách không thương tiếc. Thậm chí có trường hợp nạn nhân tử vong, còn kẻ hành hung người khác phải đối diện với mức phạt nhiều năm tù cùng sự ân hận muộn màng.

Cần ứng xử văn minh hơn

Nhiều người dân chứng kiến những sự việc tương tự cho rằng, khi va chạm giao thông ai cũng cho rằng mình đúng. Đa số không xử lý tình huống dựa trên những căn cứ pháp lý và cách hành xử văn minh mà thích dùng "võ mồm" để cự cãi, thể hiện cái tôi. Đôi khi sự nóng nảy bị đẩy lên chỉ vì những lời nói, hành động khiếm nhã ban đầu của một trong hai bên.

Độc giả Đình Thành (Hà Nội) kể lại câu chuyện khi anh từng chứng kiến một xe máy vượt đèn đỏ va chạm với một ô tô. Sau đó thanh niên điều khiển xe máy do sợ phải đền nên đã bỏ chạy. Tuy nhiên, chiếc xe máy này cũng bị hỏng, không thể đi nhanh nên bị chiếc ô tô bắt kịp.

Vì quá tức giận về hành vi "dám làm không dám nhận", tài xế điều khiển xe hơi đã xuống túm cổ, bạt tai thanh niên đi xe máy kia vài cái cho "bõ tức". Chính người lái ô tô sau đó cũng thừa nhận rằng việc anh có hành động đánh người là chưa đúng nhưng nếu thanh niên đi xe máy kia sau khi va chạm chỉ cần đứng dậy xin lỗi thì mọi việc có thể đã không quá phức tạp như vậy.

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Thị Thanh Hồng – Giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay có xu hướng xử lý tình huống bằng bạo lực một cách rất tùy tiện. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố như bản tính nóng nảy, tâm lý muốn áp đặt, do môi trường sống, mức độ xung đột tại thời điểm xảy ra va chạm,…

“Ở góc độ tâm lý học, họ thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi, chưa có kỹ năng xử lý tình huống. Còn dưới góc độ về nhận thức, họ còn thiếu về kỹ năng ứng xử, chuẩn mực đạo đức và đặc biệt là về nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến thái độ và hành vi không đúng mực”, PGS.TS Hồng phân tích.

Nhiều độc giả và chuyên gia cũng nhận định, ngoài việc cần được giáo dục để có một "cái đầu lạnh" khi ra đường, cần thiết phải có những chế tài xử lý nghiêm để hạn chế tình trạng xô xát khi va chạm giao thông, giúp lái xe ứng xử với nhau một cách văn minh hơn.

Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm
Thói côn đồ khi ra đường cần phải được nghiêm trị


Cần giải pháp mạnh tay nghiêm trị thói côn đồ

Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Khi xảy ra va chạm giao thông thì các bên cần bình tĩnh, ứng xử văn minh để đưa phương án giải quyết tối ưu nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau”.

Vị Luật sư này viện dẫn, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi, công cụ, phương tiện, mức độ hậu quả tổn hại về sức khỏe thì các đối tượng có thể bị phạt thấp nhất là 6 tháng tù và cao nhất là phạt tù chung thân theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, trong trường hợp nếu các bên gọi người ra để trợ giúp, một số người mang theo cả "hàng nóng" để tham gia vụ ẩu đả gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội tại những nơi đông đúc, nhiều người qua lại,…có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt tù đến 7 năm.

Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm
Luật sư Dương Đức Thắng cho rằng, mấu chốt là cần tăng chế tài xử phạt lên mức cao hơn để đủ sức răn đe các lái xe thích “nói chuyện” với nhau bằng nắm đấm.


Tuy vậy, nếu chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì các bên tham gia ẩu đả, xô xát ngoài đường cũng chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi “Đánh nhau” theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP  với mức phạt tiền là từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Vị Luật sư này cho rằng, mức phạt tại Nghị định 167 như trên là còn nhẹ, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và cần thiết phải điều chỉnh theo hướng tăng đủ để có sức nặng kìm giữ những cái đầu nóng mỗi khi không may có va chạm xảy ra.

Hiện nay, các phương tiện thông tin như báo chí, mạng xã hội rất phát triển. Mọi hành vi vi phạm dù nhỏ của lái xe đều dễ dàng được ghi lại bởi camera an ninh hoặc thiết bị ghi hình của người dân và sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt thích đáng. Không những vậy, những hành vi côn đồ, ứng xử vô văn hoá còn có thể bị cộng đồng lên án, "ném đá" mạnh mẽ.

Các chuyên gia cho rằng, khi mỗi người đều thể hiện sự nhường nhịn, ứng xử đúng mực sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh hơn, để những chuyện đáng tiếc không xảy ra, gây hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội. Và quan trọng nhất, tự thân các lái xe cần nâng cao nhận thức về pháp luật để tránh tối đa va chạm xảy ra.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO