Thừa Thiên Huế vừa phát hiện hai cổng thành ở Kinh Thành Huế

29/06/2020 21:38

Hai cổng thành được phát hiện sau khi nhiều nhà dân sống trên di tích Thượng Thành, phường Thuận Lộc, thành phố Huế tháo dỡ, di dời.

Trong quá trình giải tỏa dân cư khỏi di tích Thượng Thành khi thực hiện đề án "Di dời dân cư khu vực 1 Kinh Thành Huế", ngành chức năng và giới chuyên môn đã phát hiện 2 cổng thành bằng gạch vồ nằm hai bên Đông Thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà.

thua thien hue vua phat hien hai cong thanh o kinh thanh hue hinh 1
Một cổng thành vừa phát hiện.
Hai cổng thành được phát hiện sau khi nhiều nhà dân sống trên di tích Thượng Thành, phường Thuận Lộc, thành phố Huế tháo dỡ, di dời đến nơi ở mới vào đầu năm nay.

Cổng thứ nhất nằm bên phải cầu Lương Y, được xây theo hình thức cổng vòm xuyên thành dày khoảng 60cm, rộng 80cm, cao 100cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Cổng thứ hai nằm bên trái cống Lương Y, phía sau nhà một hộ dân chưa được giải tỏa. Hiện cổng thành bị bịt kín do người dân xây dựng từ hàng chục năm trước.

thua thien hue vua phat hien hai cong thanh o kinh thanh hue hinh 2
Một cổng thành có kiến trúc tương tự bị người dân bịt kín trong quá trình sinh sống trên Thượng Thành.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết: sử sách triều Nguyễn không ghi chép gì đến 2 cổng thành này. Hai văn bia đặt ở cầu Khánh Ninh và cầu Kho nói về việc đào sông Ngự Hà, hệ thống phòng thủ Đông Thành Thủy Quan khá chi tiết, song cũng không nhắc đến 2 cổng dạng vòm đủ một người ra vào ở đây.

Theo ông Hoa, ngày xưa Đông Thành Thủy Quan là vị trí phòng thủ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, các tàu thuyền muốn vào bên trong Kinh Thành Huế theo sông Ngự Hà phải đi qua nơi này. Khu vực 2 bên Đông Thành Thủy Quan có 13 lỗ châu mai, nơi triều đình Nguyễn bố trí súng thần công phòng thủ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định, có thể vì một số lý do bí mật về phòng thủ nên những cổng thành này ít ai nhắc đến:

“Tôi tin 2 cổng này chính là 2 cổng để cho vệ binh của triều đình họ ra vào ở trong và ngoài thành để họ kiểm tra khu vực cửa sông Ngự Hà về phía Đông và điều này nó càng chính xác khi tư liệu của ông Lesopld Cardière cho chúng ta biết đó là nơi đóng quân của Long võ hữu vệ, một đội quân có đến 10 đội. Như vậy một đội quân bảo vệ ở cửa sông là khá nghiêm ngặt, cái này cung cấp thêm một thông tin về giá trị của Kinh Thành Huế, đặc biệt là tính chất phòng thủ của nó”, ông Hoa phân tích.

thua thien hue vua phat hien hai cong thanh o kinh thanh hue hinh 3
Cổng thành ở phía Nam cống Lương Y (Đông Thành Thủy Quan)
Sau khi xuất hiện thông tin "phát hiện", 2 cổng thành nêu trên tại khu vực Thượng Thành, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: cách đây nhiều năm, trung tâm đã từng khảo sát và lưu giữ hình ảnh hệ thống pháo đài trên kinh thành và lô cốt trên Thượng Thành.

Ngoài ra, trước khi thực hiện đề án "Di dời dân cư khu vực 1 Kinh Thành Huế", Trung tâm này đã tiếp tục khảo sát lần nữa, đồng thời xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho khu vực Thượng Thành và sông Ngự Hà.

thua thien hue vua phat hien hai cong thanh o kinh thanh hue hinh 4
Cống Lương Y bắc sang sông Ngự Hà.
Theo tài liệu Đại Nam nhất thống chí, ở đây có đặt xưởng đại bác, và vị trí này có vệ binh 20 người ở để canh giữ Đông Thành Thủy Quan - một vị trí rất quan trọng trên hệ thống Ngự Hà và Kinh Thành Huế.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, đối với 2 cổng bên trái và bên phải của Đông Thành Thủy Quan, trung tâm cũng đã có phát hiện từ trước và có công tác thu thập hồ sơ, tư liệu để nghiên cứu.

"Trong quá trình người dân sinh sống ở khu vực này, chúng tôi cũng đánh giá rất cao về ý thức bảo vệ di sản của người dân. Đến nay người dân cơ bản vẫn giữ được giá trị cốt lõi của di tích này. Sắp tới chúng tôi sẽ có quy hoạch để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị”, ông Nhật cho biết.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế vừa phát hiện hai cổng thành ở Kinh Thành Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO