Sự việc bắt đầu từ tối 20/3, loạt ảnh “thân thiết” của ca sĩ Hiền Hồ và một vị đại gia được một người dùng mạng xã hội chia sẻ rầm rộ. Ngay sau đó, báo chí và các trang mạng liên tục đăng tải với mật độ dày đặc những thông tin, hình ảnh về đời tư của hai nhân vật được nhắc tới, thậm chí cả gia đình, người thân và công việc của hai người đều được “đào xới” mọi ngóc ngách một cách tuỳ tiện…
Đáng nói, kéo theo đó là vô vàn những lời bàn tán, thậm chí chửi bới, nhục mạ cô ca sĩ này cùng với người đàn ông được cho là đại gia liên tục xuất hiện cùng với những hình ảnh thân mật của hai người. Tất cả đã gây sự chú ý cũng như bàn luận xôn xao của cư dân mạng trên khắp các diễn đàn và hội nhóm trực tuyến.
Trước vụ việc gây chấn động, ca sĩ Hiền Hồ hoàn toàn im lặng, không có bất cứ phản hồi nào liên quan, đồng thời khóa hầu hết các trang mạng xã hội của cá nhân. Trong khi đó, người đàn ông trong ảnh được nhắc tới là doanh nhân Hồ Nhân (Tổng giám đốc một công ty) đã có những chia sẻ ngắn gọn. Theo chia sẻ của ông Hồ Nhân, ông và ca sĩ Hiền Hồ là anh em họ và hai người coi nhau như anh em ruột trong nhà, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, ông Hồ Nhân khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng là sai sự thật...
Ngay sau chia sẻ của ông Hồ Nhân, cộng đồng mạng càng được dịp “bùng nổ” với hàng ngàn bình luận và đáng nói trong hầu hết các bình luận đó đều cho rằng những chia sẻ của ông Hồ Nhân là “lấp liếm, không đúng sự thật”…
Liên quan đến vụ việc này, trước đây ca sĩ Hiền Hồ từng có lần chia sẻ rằng cô đã bị mất điện thoại. Thực tế, điện thoại là nơi lưu trữ rất nhiều hình ảnh riêng tư cũng như thông tin cá nhân quan trọng của mỗi người. Chính vì vậy, khi điện thoại bị mất, nhiều khả năng những thông tin cũng như hình ảnh riêng tư của nữ ca sĩ sẽ rơi vào tay người khác.
Trao đổi xung quanh vụ việc này, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết việc sử dụng hình ảnh cá nhân, đời tư của người khác nhằm mục đích làm nhục, bôi nhọ, vu khống khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu nhẹ thì bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 14/2022 và nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu nặng thì tùy tính chất, hậu quả, mức độ, tính chất hành vi mà có thể bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác, tội Vu khống.
Về quyền nhân thân được bảo vệ theo Bộ luật Dân sự: Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thương thiệt hại.
Hiến pháp năm 2013 cũng quy định quyền nhân thân, hình ảnh, cá nhân được pháp luật bảo vệ.
Do vậy, mọi hành vi vu khống, bịa đặt, làm nhục người khác trên mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, thậm chí phải bồi thường về mặt dân sự khi các nhận nhân, người bị xâm hại khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại.