Ung thư tại Việt Nam đang gia tăng, dấu hiệu nào nhận biết?

ANH ĐÀO| 04/03/2022 20:50

Chỉ trong vòng 2 năm, ung thư tại Việt Nam đã tăng lên 2 bậc. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế phát hiện sớm ung thư sẽ tăng được tỉ lệ điều trị thành công.

lay-ra-hon-100-khoi-u-trong-bung-benh-nhan-o-tp-hcm-1.jpeg
Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đang điều trị ung thư cho bệnh nhân - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ung thư tăng 2 bậc sau 2 năm

Mới đây, tại Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 đã báo cáo về số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020, theo đó tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia.

Từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm.

Theo Globocan, có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020 bao gồm: ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%).

Theo các chuyên gia về y tế, một số các yếu tố tác động đến việc gia tăng bệnh nhân ung thư như: Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, tuổi càng cao thời gian tiếp xúc với các yếu tố càng dài làm tăng tỉ lệ mắc ung thư; dân số tăng dẫn đến số người mắc và tử vong do ung thư tăng; rượu, bia, thuốc lá, ăn uống không hợp lý, nhận thức của người dân đã tốt hơn trong việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư...

1545284945-767-thumbnail-1-.jpeg
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng cần đi khám ngay - Ảnh: Bệnh viện K.

Dấu hiệu phổ biến của ung thư

Bác sĩ Nguyễn Đăng Huy – Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung bướu, Bệnh viện Quân Y 175 – cho biết sẽ rất hữu ích nếu cơ thể cho chúng ta một thông điệp rõ ràng khi chúng ta mắc bệnh ung thư, nhưng thật không dễ dàng bởi bệnh ung thư rất phức tạp.

Đó là một nhóm các bệnh có thể gây ra bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, tùy thuộc vào nơi bắt đầu hoặc thậm chí là nơi nó đã lây lan. Điều thậm chí còn khiến nó phức tạp hơn chính là nhiều vấn đề sức khỏe khác (không phải ung thư) cũng có thể có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như ung thư.

Theo bác sĩ Huy nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào dưới đây, hãy đi kiểm tra (đặc biệt nếu chúng tồn tại trong thời gian dài hoặc trở nên tồi tệ hơn):

- Giảm cân không rõ nguyên nhân: giảm từ 10% trọng lượng cơ thể trở lên mà không rõ lý do.

- Mệt mỏi tột độ không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

- Đau đặc biệt là đau lưng hoặc đau bụng, hoặc đau đầu không biến mất hoặc thuyên giảm khi điều trị.

- Thay đổi da bất kỳ mụn cóc, nốt ruồi hoặc tàn nhang nào thay đổi màu sắc, kích thước, hoặc hình dạng hoặc mất đường viền rõ nét cần được bác sĩ thăm khám ngay.

- Vết loét không lành: những vết này có thể ở trên da, trong miệng hoặc trên bộ phận sinh dục.

- Thay đổi thói quen đi tiêu hoặc chức năng bàng quang: Táo bón lâu ngày, tiêu chảy, thay đổi kích thước của phân, đau khi đi tiểu, tiểu ra máu hoặc thay đổi chức năng bàng quang…Thông thường, các dấu hiệu này biểu hiện tuyến tiền liệt bị phì đại, nhưng cũng khi là dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt.

- Các mảng trắng bên trong miệng hoặc các đốm trắng trên lưỡi: Một số bệnh nhiễm trùng, hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá khác có thể gây ra các vùng tiền ung thư. Nếu không được điều trị, những mảng hoặc đốm này có thể trở thành ung thư.

- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường: Điều này có thể bao gồm ho ra máu, có máu trong phân (có thể trông giống như phân rất sẫm màu hoặc đen), chảy máu âm đạo bất thường, tiểu ra máu hoặc chảy máu từ núm vú.

- Khối u: Có thể ở bất cứ đâu, nhưng chủ yếu xuất hiện ở vú, tinh hoàn, các hạch bạch huyết (tuyến) và các mô mềm của cơ thể. Một số bệnh ung thư vú biểu hiện dưới dạng da đỏ hoặc dày lên chứ không phải là một khối u.

- Đầy bụng khó tiêu hoặc khó nuốt không biến mất, đầy bụng thường xuyên ở nữ giới có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Bác sĩ có thể khám phụ khoa để kiểm tra nguyên nhân.

- Ho dai dẳng hoặc khàn giọng không biến mất: việc bạn bị ho khan kéo dài là dấu hiệu bạn nên đi kiểm tra kể cả bạn có hút thuốc hay không. Thông thường, việc ho như thế này là do chảy dịch mũi về phía sau, suyễn, trào ngược acide, hoặc bị nhiễm trùng. Nhưng nếu ho khan không dứt hoặc ho ra máu mà đặc biệt là bạn có hút thuốc lá thì nên đi khám ngay.

- Sưng hạch bạn có những hạch nhỏ hình hạt đậu ở cổ, nách và những vị trí khác trên cơ thể. Khi chúng sưng lên, thường là do cơ thể bạn đang bị nhiễm trùng những vùng lân cận như cảm lạnh hoặc viêm họng. Nhưng những bệnh ung thư như: ung thư hệ bạch huyết và bệnh bạch cầu ác tính có thể cũng gây tình trạng tương tự. Vì vậy, nếu thấy hạch sung to bất thường kéo dài thì bạn nên đi kiểm tra.

Bác sĩ Huy cho biết những dấu hiệu và triệu chứng này phổ biến hơn, nhưng chúng không phải là dấu hiệu duy nhất của bệnh ung thư.

"Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, giai đoạn phát hiện bệnh là yếu tố quyết định đến khả năng chữa trị. Phát hiện bệnh sớm đồng nghĩa với tăng cơ hội được chữa trị thành công", bác sĩ Huy nói.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ung thư tại Việt Nam đang gia tăng, dấu hiệu nào nhận biết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO