Triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

20/09/2020 11:00

Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu và bị nhầm lẫn sang các bệnh khác về đường sinh dục.

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể gây đau đớn, phù bạch huyết, suy thận nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), ung thư cổ tử cung thường ảnh hưởng đến phụ nữ đã quan hệ tình dục ở độ tuổi từ 30 đến 45. Bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, khi phát hiện đã nặng và khó điều trị.

Cẩn trọng với dấu hiệu chảy máu âm đạo bất thường

Nếu bị chảy máu âm đạo bất thường, bạn nên cẩn trọng. Dấu hiệu chảy máu bất thường được hiểu là xuất huyết trong hoặc sau khi quan hệ, giữa các kỳ kinh hoặc ở độ tuổi mãn kinh.

Ngoài ra, người mắc ung thư cổ tử cung còn gặp tình trạng đau rát, khó chịu khi quan hệ, tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi. Vùng lưng dưới, xương chậu đau.

Ở giai đoạn cuối của bệnh, khối u ác tính đã lan ra khỏi cổ tử cung, xâm nhập các mô và cơ quan xung quanh.

Người mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể gặp triệu chứng: Đau tức lưng dưới, vùng xương chậu và thận dữ dội; táo bón; tiểu thường xuyên; tiểu hoặc đại tiện không kiểm soát; tiểu ra máu; sưng phù chân; chảy máu âm đạo nặng…

Đau, chảy máu âm đạo bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị ung thư cổ tử cung. Ảnh: Cigna.

Yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung được chia thành 2 loại. Ung thư biểu mô tế bào vảy bắt đầu từ các tế bào mỏng, phẳng lót bên ngoài tử cung, phóng xạ vào âm đạo. Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung loại này. Loại thứ 2 là ung thư mô tuyến, bắt đầu từ các tế bào tuyến hình cột nằm trong ống cổ tử cung.

Theo Đại học Johns Hopkins, những người thuộc nhóm sau đây có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao:

Quan hệ tình dục sớm: Quan hệ trước 18 tuổi, không lành mạnh và có nhiều bạn tình.

Nhiễm HPV: Virus HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân của hầu hết ca mắc ung thư cổ tử cung. Nhiễm virus HPV thường do giao hợp không an toàn. Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ nhiễm virus này đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. 90% bệnh nhân sẽ tự khỏi sau 2 năm.

Không làm xét nghiệm PAP thường xuyên: Đại học Johns Hopkins thống kê ung thư cổ tử cung phổ biến hơn ở những phụ nữ không làm xét nghiệm PAP thường xuyên. Xét nghiệm này giúp bác sĩ tìm ra các tế bào bất thường trong bộ phận sinh dục. Nếu có, bệnh nhân sẽ được loại bỏ sớm để ngăn ngừa.

Nhiễm HIV hoặc các bệnh lý khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch: HIV là căn nguyên dẫn đến AIDS. Nếu nhiễm virus HIV, bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh, trong đó có ung thư.

Các bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung đa phần có tiền sử nhiễm virus HPV. Ảnh: HCDC.

Béo phì, hút thuốc: Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gần gấp đôi so với người không sử dụng chất này. Ngoài ra, nhóm thừa cân, ăn ít rau xanh, trái cây cũng có khả năng bị bệnh cao hơn.

Tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung: Đến nay, các nhà khoa học chưa thể khẳng định tính di truyền của ung thư. Tuy nhiên, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao gấp 2-3 lần nếu mẹ hoặc chị gái của họ có tiền sử mắc bệnh này.

Nhiễm chlamydia: Đây là bệnh lây qua đường tình dục gây lở loét, viêm nhiễm. Một số nghiên cứu chỉ ra nhiều bệnh nhân ung thư cổ tử cung có kết quả xét nghiệm máu nhiễm chlamydia.

Sử dụng thuốc Diethylstilbestrol (DES): Đây là thuốc ngăn sẩy thai được nhiều phụ nữ sử dụng từ năm 1940 đến 1971. Nhóm phụ nữ có mẹ dùng DES khi mang thai tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn người khác. Người có mẹ sử dụng thuốc trong 16 tuần đầu của thai kỳ, khả năng bị bệnh càng nhiều hơn. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm phụ nữ sử dụng DES trong thời kỳ mang thai từ năm 1971.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO