Sờ thấy hạch ở cổ, có phải đã mắc ung thư tuyến giáp?

18/09/2020 07:14

Nếu ung thư tuyến giáp đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận, khối u có thể nằm lệch ở một bên cổ, chỗ các hạch lympho, thay vì ở phía trước là vị trí của tuyến giáp.

Vì sao phụ nữ dễ mắc ung thư tuyến giáp hơn nam giới?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết hình cánh bướm nằm ở cổ, có vai trò điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn, có thể gây ra các bệnh cường giáp, suy giáp, đa nhân tuyến giáp, u bướu lành tuyến giáp và ung thư tuyến giáp.

Sờ thấy hạch ở cổ, có phải đã mắc ung thư tuyến giáp? - 1

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ác tính phổ biến nhất, chiếm 90% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư về tuyến nội tiết.

Tỷ lệ mắc bệnh lý tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới 3-10 lần. Tại Việt Nam, theo một số thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên 4,6 triệu người mắc u nhân tuyến giáp, trong đó, có 2% là u ác tính. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới.

Sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Phụ nữ phải trải qua những biến động trong nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh hoặc ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc tránh thai, tiền sử thai nghén, sử dụng liệu pháp hormone hay căng thẳng trong cuộc sống... Những thay đổi này đều có tác động tới hormone tuyến giáp, vì thế làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp thường được phát hiện khi đã di căn

Ung thư tuyến giáp là loại bệnh có diễn tiến rất chậm. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng đặc biệt, chỉ được phát hiện tình cờ nhờ siêu âm vùng cổ qua khám sức khỏe định kỳ. Nhiều bệnh nhân chủ quan do bệnh không gây khó chịu, đến lúc bị khó thở, khó nuốt, khàn tiếng thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.

Sờ thấy hạch ở cổ, có phải đã mắc ung thư tuyến giáp? - 2

Thông thường, các bệnh nhân đến khám bệnh vì tự sờ thấy có một cục nhỏ ngay dưới da vùng cổ. Trong cộng đồng, khoảng 80 đến 90% dân số có thể tự sờ được một cục u như vậy ở vùng cổ. Nhưng chỉ có gần 2% trong số đó mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Khoảng 95% ung thư tuyến giáp là loại có tiên lượng rất tốt, có thể chữa trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ung thư tuyến giáp được điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm

Việc điều trị bệnh ung thư tuyến giáp rất đơn giản với tiên lượng khả quan, nếu được phát hiện sớm.

Với máy siêu âm có độ phân giải cao, các bệnh viện ung bướu có thể chẩn đoán và phát hiện khối u trong tuyến giáp là lành tính hay ác tính. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ chọc hút tế bào (FNA) để xác định chính xác có tế bào ác tính hay không.

Sờ thấy hạch ở cổ, có phải đã mắc ung thư tuyến giáp? - 3

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ung thư tuyến giáp một hoặc nhiều phương pháp điều trị. Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp tốt nhất. Bệnh nhân có thể mổ hở hoặc mổ nội soi.

Với phương pháp iod phóng xạ, bạn sẽ phải uống một lượng nhỏ iod phóng xạ. Các tế bào tuyến giáp (kể cả lành tính và ác tính) sẽ bắt nguồn phóng xạ này và bị tiêu diệt. Chỉ khi bạn đã được cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thì chỉ định điều trị iod phóng xạ mới được đặt ra.

Ngoài ra, sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp, hoặc sau khi điều trị iod phóng xạ, bạn sẽ phải bổ sung hằng ngày lượng hormone thiếu hụt do tuyến giáp tiết ra.

Biết sớm, trị đúng, bệnh cho kết quả tốt khoảng 95%. Bệnh vẫn có thể tái phát nhiều chục năm sau, dưới dạng các hạch cổ hoặc di căn ở phổi hoặc xương. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp tái phát vẫn có thể trị tốt.

Ngược lại, các trường hợp ung thư tuyến giáp được phát hiện khi đã di căn, việc điều trị vừa tốn kém, lại vừa giảm hiệu quả. Trong thực tế điều trị, nhiều ca ung thư tuyến giáp đã xâm lấn ra thực quản, khí quản, động tĩnh mạch cảnh khiến cho quá trình phẫu thuật bóc tách khối u di căn trở nên vô cùng phức tạp và nguy hiểm cho bệnh nhân. Một số trường hợp khối u xâm lấn không có khả năng cắt bỏ hoàn toàn dẫn đến hiệu quả điều trị sau phẫu thuật thấp, khả năng tái phát cao.

Phòng ngừa ung thư tuyến giáp như thế nào?

- Ăn uống khoa học: Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cân bằng hormone tuyến giáp. Cần bổ sung đầy đủ lượng i-ốt cần thiết trong các bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Điều này sẽ giúp tránh được nhiều biến chứng ở cả mẹ và thai nhi.

Sờ thấy hạch ở cổ, có phải đã mắc ung thư tuyến giáp? - 4

- Tập thể dục hàng ngày: Việc tập thể dục mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật, trong đó có các bệnh tuyến giáp.

- Bỏ thuốc lá: Khói thuốc lá có nhiều chất độc hại như thiocyanate - rất nguy hiểm đối với tuyến giáp. Những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc các biến chứng về mắt của bệnh cường giáp cao hơn người bình thường.

- Khám tầm soát các bệnh lý tuyến giáp định kỳ, khuyến khích cho tất cả nam nữ, đặc biệt là nữ từ 20 tuổi trở lên.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sờ thấy hạch ở cổ, có phải đã mắc ung thư tuyến giáp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO