Nhiều lần bị sốt, người phụ nữ ngỡ là dấu hiệu của kỳ kinh nguyệt, nào ngờ bị ung thư

14/01/2021 05:09

Nhiều phụ nữ lầm tưởng dấu hiệu ung thư phụ khoa với thay đổi sinh lý thông thường, dẫn tới phát hiện bệnh chậm trễ, bỏ qua thời gian vàng điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang tư vấn cho một bệnh nhân bị rong kinh kéo dài
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang tư vấn cho một bệnh nhân bị rong kinh kéo dài

Ung thư bị sốt lại tưởng sắp tới ngày “đèn đỏ”

Khoảng một tháng nay chị P.T.D., 35 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM luôn uể oải, mệt mỏi. Chị D. cứ trong trạng thái hâm hấp sốt nên cho rằng mình sắp tới kỳ kinh nguyệt. Bởi cơ địa của chị hễ gần tới ngày “đèn đỏ” thì nhiệt độ cơ thể đều cao hơn bình thường. Chị D. không đi khám mà ráng chịu đựng, bởi khi xuất hiện kinh nguyệt là các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, chóng mặt và nóng sốt đều sẽ tự khỏi. Thế nhưng lần này, chị D. bị sốt kéo dài, chán ăn, thể trạng suy sụp thấy rõ.

Do chị D. hay bị rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh lúc ít, lúc nhiều, không thể tự tính được ngày nào sẽ có kinh nên chị quyết định đi khám phụ khoa ở Bệnh viện Hùng Vương. Lúc đó, chị nghĩ bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều hòa kinh nguyệt. Tuy nhiên, sau khi xem kết quả siêu âm, bác sĩ đã xác định nội mạc bệnh nhân bất thường.

Chị D. lập tức được chỉ định làm xét nghiệm nạo sinh thiết buồng tử cung thì xác định bị ung thư nội mạc tử cung. Bệnh đã vào giai đoạn nghiêm trọng, tế bào ung thư xâm lấn vào lớp mô cơ của tử cung và các tổ chức lân cận. Bệnh nhân cho biết hay cảm thấy những cơn đau nhẹ, chằn bụng dưới nhưng lại tưởng đau do sắp tới chu kỳ kinh nguyệt.

Không chỉ chị D. nhầm lẫn dấu hiệu báo bệnh ung thư phụ khoa với thay đổi sinh lý của cơ thể, bà H.T.M., 52 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM cũng ngỡ ngàng khi được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Đang ở độ tuổi tiền mãn kinh, bà M. thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh. Tìm hiểu các thông tin trên mạng, bà M. nghĩ rằng đó chỉ là thay đổi bình thường trước khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Khoảng nửa năm nay, kinh nguyệt của bà M. ra rất ít, nhưng mỗi tháng kéo dài tới cả chục ngày.

Khi bà M. chia sẻ với bạn bè thì một số người nói rằng huyết kinh đang ra ít dần rồi sẽ tắc hẳn nên không cần lo ngại. Gần đây, bà M. đưa con gái đi khám thai tại bệnh viện, tiện thể đăng ký khám tình trạng rong kinh của mình. Đến lúc này, bà mới té ngửa khi kết quả sinh thiết tế bào cổ tử cung của mình là ác tính.

Đa số ca bệnh trong độ tuổi sinh sản và tiền mãn kinh

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Quang, Trưởng khoa Phụ - Ngoại ung bướu Bệnh viện Hùng Vương, cho biết: Thống kê năm 2020 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ được phát hiện ung thư nội mạc cổ tử cung tại khoa này là 108 ca, ung thư cổ tử cung 58 ca, hơn chục trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn phải chuyển qua Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để kết hợp điều trị đa mô thức (ngoại khoa, xạ trị, hóa trị).

Những bệnh nhân ung thư phụ khoa kể trên đa phần nằm trong độ tuổi tiền mãn kinh, hiếm gặp hơn ở tuổi sinh sản. Ngoài các lý do như hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì không ít người ban đầu khi tới khám mang suy nghĩ chủ quan hoặc lầm tưởng dấu hiệu báo bệnh ung thư với thay đổi sinh lý thông thường của cơ thể.

“Họ không biết lượng kinh nguyệt thế nào là nhiều, thế nào là ít, màu sắc thế nào là bất thường. Trừ khi các vấn đề xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống, còn không họ vẫn bỏ lơ, cho rằng rong kinh chút ít cũng chẳng sao”, bác sĩ Quang nói.

Bác sĩ Quang nhắn nhủ tới phái nữ những điểm cần đặc biệt lưu ý để phân biệt giữa thay đổi sinh lý và thay đổi bệnh lý của cơ thể, từ đó nhằm phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa ác tính để điều trị kịp thời: Vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên nhưng chỉ một đến hai ngày là hết. Một số bệnh ung thư vào giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt nhưng sẽ là sốt kéo dài kèm theo cơ thể suy nhược, chán ăn, sụt cân.

Kỳ kinh nguyệt thông thường diễn ra từ 3-8 ngày, kéo dài trên 8 ngày thì gọi là rong kinh. Nếu bị rong kinh mà lượng máu ra ít, ra máu sau quan hệ tình dục, đột nhiên ra máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt thì phải đi khám phụ khoa ngay.

Ở độ tuổi dậy thì và tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt hay bị rối loạn. Mặc dù đi khám đã loại trừ những nguyên nhân thực thể như u xơ, bệnh tuyến cơ tử cung, rối loạn đông máu, bệnh nội khoa (tuyến giáp, tuyến yên…) nhưng điều trị nội khoa xuất huyết âm đạo bất thường thất bại (đặc biệt lứa tuổi sinh sản và bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao ung thư nội mạc) thì vẫn không được chủ quan, vì chưa thể loại trừ nguyên nhân do bệnh lý ác tính.

Do khi thực hiện thủ thuật nạo sinh thiết có khả năng nhỏ lúc lấy bệnh phẩm xét nghiệm chỉ lấy được mô lành nên kết quả phản ánh không chính xác. Cần tái khám làm sinh thiết lại hay kết hợp thêm xét nghiệm cận lâm sàng khác như nội soi buồng tử cung chẩn đoán.

Quan trọng nhất chị em cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm PAP (xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung) mỗi năm ít nhất một lần. Bởi có những bệnh ung thư phụ khoa giai đoạn đầu tiến triển âm thầm, đến khi xuất hiện dấu hiệu thì đã nặng.

Thanh Huyền

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lần bị sốt, người phụ nữ ngỡ là dấu hiệu của kỳ kinh nguyệt, nào ngờ bị ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO