Bé trai 15 tuổi bị ung thư tuyến giáp vì việc làm sai lầm của bố mẹ

Phương Linh| 10/03/2021 11:09

Việt Báo5 năm trước, bé A. được phát hiện hạch ở cổ và được chẩn đoán u tuyến giáp. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u, nhưng bố mẹ bé xin cho con về để uống thuốc nam...

Bé N.T.A, 15 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Mới đây, bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong tình trạng u tuyến giáp diễn biến xấu, không thể nằm ngửa, phải sử dụng máy trợ thở.

Người nhà bệnh nhi cho biết, 5 năm trước, bé A. được phát hiện hạch ở cổ và chẩn đoán u tuyến giáp. Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhi phẫu thuật nhưng gia đình xin không điều trị để về nhà uống thuốc nam. Tuy nhiên, bệnh của bé không giảm. Thời gian gần đây, bệnh của bé diễn biến xấu, tình trạng khó thở tăng dần gia đình mới đưa con đến bệnh viện.

Các kết quả chụp chiếu cho thấy, khối u thùy giáp trái đã di căn phổi đa ổ, lan xuống hõm ức, kích thước 8x9cm, đè ép khí quản lệch sang phải gây hẹp lòng khí quản. Đường kính khí quản của bệnh nhi tại vị trí hẹp nhất chỉ còn 4 mm (với người bình thường là 12 mm). Các bác sĩ nhận định, đây cũng là nguyên nhân khiến A. khó thở nghiêm trọng. Ngoài ra, khối u còn khiến giọng nói của A. bị khàn, ăn uống khó khăn.

Hình ảnh khối u chèn ép gây hẹp lòng khí quản của bệnh nhi A. Ảnh: BVCC.

TS.BS Phan Lê Thắng, khoa Ngoại Theo yêu cầu, nhận định, nếu không điều trị, khối u tiếp tục phát triển sẽ chèn ép và bịt kín đường khí quản, kết hợp việc đã di căn vào phổi có thể đe dọa tính mạng bệnh nhi. Tuy nhiên, chỉ định phẫu thuật với ca bệnh này cũng là quyết định rất mạo hiểm.

Bên cạnh đó, khối u lớn gây tăng sinh mạch máu và nằm ở vị trí khó. Với bệnh nhân nhỏ tuổi, quá trình bóc tách dễ gây chảy máu ồ ạt. Những nguy cơ này khiến bệnh nhi có thể tử vong ngay trên bàn phẫu thuật. Khi kết thúc ca mổ, việc rút ống nội khí quản cũng rất nguy hiểm vì khí quản bị chèn ép lâu ngày có nguy cơ mềm, xẹp, gây suy hô hấp.

Tuy nhiên, các bác sĩ và gia đình vẫn phải đưa ra quyết định phẫu thuật. Ca mổ được tiến hành với sự phối hợp của khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức và khoa Ngoại Theo yêu cầu.
Trong 2 giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ, hạn chế được tình trạng mất máu trong ca mổ, bệnh nhân không cần truyền thêm máu.

Sau mổ, bệnh nhi phải tiếp tục thở máy và được theo dõi sát trong phòng hậu phẫu 20 giờ. Khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, các bác sĩ hồi sức quyết định cho bệnh nhân rút ống nội khí quản để tập thở. Hiện tại, A. tự thở tốt, ăn uống, đi lại bình thường, giọng nói không còn bị ảnh hưởng.

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ác tính phổ biến nhất chiếm hơn 90% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư về tuyến nội tiết.

Biểu hiện của người bị ung thư tuyến giáp.

Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu vào năm 2018, ung thư tuyến giáp đứng thứ 11 trong tổng số các ca ung thư ở cả hai giới, với khoảng 567.000 ca mới mắc hàng năm, đứng thứ 5 trong số các loại ung thư ở nữ giới và đứng thứ 15 trong số các loại ung thư ở nam giới và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất với 5.418 ca mắc mới.

Các nguyên nhân gây nên ung thư tuyến giám thường là:

Hệ miễn dịch bị rối loạn

Đây được xem là nguyên nhân đầu tiên gây nên căn bệnh nguy hiểm này. Đối với những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có tác dụng sản xuất ra các kháng thể có tác dụng giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn gây hại từ môi trường sống xung quanh. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng đó sẽ bị suy giảm, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công vào cơ thể, bao gồm cả tuyến giáp. Do đó, hệ miễn dịch bị rối loạn không chỉ là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp mà còn là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các bệnh lý nguy hiểm khác.

Nhiễm phóng xạ

Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.

Trẻ em rất nhạy cảm với các tia phóng xạ, do đó các bậc phụ huynh nên hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với các nguồn tia phóng xạ để bảo đảm sức khỏe cho trẻ và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Các bác sĩ khẳng định, ung thư tuyến giáp có thể điều trị khỏi, nếu người bệnh đi khám sớm.


Yếu tố di truyền

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,...) đã từng mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được gen nào dẫn tới sự di truyền này.

Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone

Bệnh nhân mắc căn bệnh này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với nam giới. Sự chênh lệch này là do yếu tố hormone đặc thù ở phụ nữ và quá trình mang thai đã kích thích quá trình hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp. Hoặc trong giai đoạn sau sinh, nhiều phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, điều này cũng là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể gây suy giáp tạm thời ở phụ nữ sau thời kỳ thai nghén.

Mắc bệnh tuyến giáp

Những bệnh nhân bị bướu giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp mãn tính có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. Hoặc những người đã từng mắc bệnh viêm tuyến giáp, dù đã điều trị khỏi nhưng nguy cơ tái phát bệnh rất cao.

Ngoài những nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp được kể trên, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, yếu tố khác cũng có nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp như: bị thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì,..tính chất gia đình và di truyền

Những triệu chứng của ung thư tuyến giáp

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu trứng. Bạn có thể phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ.

Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, thường bạn sẽ sờ thấy một khối ở tuyến giáp (vùng cổ). Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm:

+ Khàn tiếng

+ Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản

+ Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản

Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...

Tiến sĩ Thắng khẳng định, ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được được phát hiện và điều trị kịp thời. Trường hợp bệnh nhi A. có khối u to, chèn ép và di căn là rất hiếm do bệnh đã tiến triển trong thời gian quá dài.

Các bác sĩ khuyến cáo khi có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị ung thư.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bé trai 15 tuổi bị ung thư tuyến giáp vì việc làm sai lầm của bố mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO