Tuyển Lào - tuyển Việt Nam: Có quên cách áp đặt lối chơi?

TAM NGUYÊN| 06/12/2021 15:00

Sau thời gian chỉ quen với phòng thủ trước các đối thủ mạnh, liệu tuyển Việt Nam có “quên” cách áp đặt lối chơi?

  • Lịch thi đấu chi tiết của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020

19h30 hôm nay (6.12), đội tuyển Việt Nam sẽ ra quân ở bảng B của AFF Cup 2020 gặp đội tuyển Lào. Nhờ dàn nhân sự chất lượng hơn cùng thống kê đối đầu vượt trội, tuyển Việt Nam có thể hứng khởi bước vào trận đấu tại sân Bishan (Singapore).

Rất nhiều dự đoán được đưa ra và hầu hết đều tin rằng, nhà đương kim vô địch sẽ có trận thắng cách biệt lớn từ 3 đến 4 bàn. Nếu nhìn vào thống kê đối đầu kể từ năm 2000, tuyển Việt Nam ghi vào lưới đối thủ tới 27 lần trong 6 trận (trung bình 4,5 bàn/trận) trong khi không một lần thủng lưới.

Lần gần nhất đội tuyển Lào ghi bàn vào lưới tuyển Việt Nam là năm 1998, trong trận thua 1-4.

Sức mạnh tấn công của đội tuyển Lào hẳn nhiên không thể so sánh với các đối thủ mà tuyển Việt Nam vừa gặp tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 – Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc, Oman, Nhật Bản, để khiến Ngọc Hải và các đồng đội ở hàng thủ phải lo lắng. Khả năng nối dài chuỗi trận giữ sạch lưới trước tuyển Lào lên con số 7 là hoàn toàn có thể.

Nếu như “game phòng ngự” với tuyển Việt Nam ở trận ra quân này là dễ, câu hỏi được quan tâm nhất là các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ thắng thế nào? Thắng bao nhiêu bàn?

Đánh giá chung về chất lượng cầu thủ, huấn luyện viên Vengadasalam Selvaraj mang đến Singapore đội hình rất trẻ - chỉ có 2 cầu thủ trên 30 tuổi, trong khi có 2 nhân tố 17 tuổi, 2 người 18 tuổi, cùng đa phần đội hình trong lứa từ 19 đến 25. Với đội hình này, có những điểm dễ và những điểm khó cho đội tuyển Việt Nam. Dễ là đội hình của Selvaraj chưa có nhiều kinh nghiệm, và khó là trận đấu gần nhất của tuyển Lào là vào tháng 6.2019.

Huấn luyện viên Vengadasalam Selvaraj của tuyển Lào mang đến giải đấu đội hình khá trẻ và nhiều gương mặt lạ lẫm. Ảnh: Straits Times
Huấn luyện viên Vengadasalam Selvaraj của tuyển Lào mang đến giải đấu đội hình khá trẻ và nhiều gương mặt lạ lẫm. Ảnh: Straits Times

Nghĩa là hơn 2 năm qua, họ không thi đấu nên thầy Park và Ban huấn luyện coi như “mù thông tin” về đối thủ. Hẳn sẽ cần có thời gian để nắm bắt được cách chơi mà Selvaraj xây dựng cho đội tuyển Lào.

Nó sẽ đặt ra câu hỏi liệu huấn luyện viên Park Hang-seo có “dự trữ” một số trụ cột hay không, bởi sau trận này là gặp Malaysia? Hay tung ra đội hình mạnh nhất, tìm cách giải quyết trận đấu nhanh nhất có thể trước khi điều chỉnh?

Phương án 2 được đánh giá nhiều khả năng, bởi thứ nhất, 6 ngày sau mới là trận đấu với Malaysia, trong khi dù là các trụ cột, các ngôi sao thì những Quang Hải, Tuấn Anh, Hoàng Đức, Tiến Linh đều cần có cảm giác thi đấu giải. Trong quá khứ, ở các giải đấu từng không ít lần chứng kiến việc một đội tuyển cất trụ cột ở trận ra quân để dành sức cho trận tiếp theo quan trọng hơn nhưng đã phải trả giá vì họ chưa bắt nhịp.

Khi tung ra đội hình mạnh, một câu hỏi khác là tuyển Việt Nam sẽ tiếp cận trận đấu thế nào? Trong 3 tháng qua, các cầu thủ đã quá quen với thế trận phải chịu sức ép, liệu họ có “quên” cách áp đặt trận đấu?

Khi tuyển Lào khó có thể chơi đôi công thì dĩ nhiên là sẽ chơi co cụm, chủ động phòng ngự số đông, tuyển Việt Nam có thể sẽ hiểu cảm giác mà đội tuyển Nhật Bản phải trải qua ở vòng loại World Cup. Nghĩa là không gian ở 1/3 cuối sân đối phương sẽ không nhiều, buộc các cầu thủ phải thực hiện nhiều giải pháp hơn để xuyên phá, nhưng vị trí và tư thế dứt điểm không chắc sẽ được thoải mái.

Thầy Park sẽ cần lưu ý đến trận đấu mà Thái Lan phải chờ đến hiệp 2 mới ghi bàn vào lưới Timor-Leste để nhắc nhở học trò. Bàn thắng đầu tiên luôn quan trọng, vấn đề là nó đến sớm hay muộn sẽ tác động nhiều đến tâm lý cầu thủ.

DỰ ĐOÁN: Lào 0-3 Việt Nam

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tuyển Lào - tuyển Việt Nam: Có quên cách áp đặt lối chơi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO