TƯỜNG THUẬT: Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch

18/10/2021 14:10

Chiều ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Buổi gặp mặt do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức. Cùng tham dự cuộc gặp mặt tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt đại diện những anh chị em, y, bác sĩ từng tham gia chống dịch trong suốt 2 năm qua, dù không gặp hết được những người đã tham gia chống dịch từ Bắc chí Nam trong suốt 600 ngày vừa qua.

Thủ tướng nêu rõ: Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những gì các đồng chí đã làm trong suốt 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lực lượng y tế đã đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng quân đội, công an và các lực lượng khác.

Dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện các đợt dịch khác, các biến chủng khác, nhưng đợt dịch này đã tạm thời lắng xuống, được kiểm soát và chúng ta an tâm được phần nào. Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức cuộc họp, đánh giá bước đầu kết quả chống dịch và sẽ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn, toàn diện, tổng thể hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Tại cuộc gặp mặt này, chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Công việc còn nhiều, các chính sách với lực lượng chống dịch đang tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất để hoàn chỉnh, do thời gian vừa qua, chúng ta tập trung chống dịch cho nên việc hoàn thiện chính sách còn khiếm khuyết và có phần chậm trễ. Tinh thần của gặp mặt là chia sẻ khó khăn, đoán định những khó khăn sắp tới sẽ vượt qua thế nào”, Thủ tướng phát biểu.

Cũng tại cuộc gặp, các cơ quan sẽ tổ chức khen thưởng, động viên một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch. Công tác khen thưởng, động viên sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để kịp thời tôn vinh những người chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.

Các chiễn sĩ áo trắng đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu: Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Với ngành y tế, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. Cùng một lúc, chúng ta phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân. Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.

Thực hiện lời hiệu triệu lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành y đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết thành một khối vững chắc, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế của chúng ta với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch. Tinh thần ấy được thể hiện với những câu chuyện có thật chứa đựng sự hy sinh lớn lao; có những gia đình hai vợ chồng xung phong vào tâm dịch. Nhiều cặp đôi đã chọn tâm dịch làm đích đến. Các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ để tới những miền đất xa chăm sóc bệnh nhân. Có những y, bác sĩ chưa kịp lên đường nghe tin người thân đau yếu, nhưng sau khi chăm sóc cho người thân ổn định đã đề nghị được thực hiện nhiệm vụ. Có những bác sĩ nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào Nam… Có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang... Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, là tình đồng chí cao cả.

Đến ngày hôm nay, những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Không thể kể hết những nỗ lực phi thường mà đội ngũ thầy thuốc đã thực hiện trong đợt dịch COVID-19 lần này. Các bệnh viện tuyến trung ương trong thời gian ngắn kỷ lục đã thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch; đồng thời hướng dẫn các bệnh viện cấp quận/huyện kỹ năng điều trị để kịp thời xử trí những trường hợp chuyển nặng, giảm tối đa số ca tử vong. Đa số các trung tâm hồi sức tích cực đều được xây dựng từ số 0, nhưng với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì sinh mạng của người bệnh, chỉ sau ít ngày các trung tâm hồi sức đều đã thực hiện được những kỹ thuật cấp cứu hiện đại, nhiều kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng. Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”. Các thầy thuốc đều xác định “Không được phép buông tay”, vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến. ​

Thay mặt Bộ Y tế, tôi ghi nhận và biểu dương những cống hiến to lớn, tinh thần xả thân và nhiệt huyết của tất cả các chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch. Xin chân thành cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương đã phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để lực lượng y tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Xin cảm ơn các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an, dân quân, các tình nguyện viên, các lực lượng chức năng địa phương, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp và cả những người mắc COVID-19 khỏi bệnh... đã luôn đồng sức đồng lòng kề vai sát cánh với đội ngũ thầy thuốc để hoàn thành sứ mệnh cao cả này.

Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn tới gia đình của các thầy thuốc mặc dù phải chịu sự xa cách và luôn lo lắng cho sự an toàn của người thân của mình, nhưng đã luôn ở bên cạnh, động viên, khích lệ, là điểm tựa, là niềm tin để các thầy thuốc vượt qua những gian khổ, hiểm nguy, hết lòng vì sức khỏe nhân dân.

Đợt dịch lần thứ tư đang từng bước được kiểm soát. Các thầy thuốc chi viện đang lần lượt trở về nhà với người thân và cuộc sống thường nhật, nhưng trong lúc này, các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai đã ngay lập tức tới Cà Mau, Thanh Hóa. Các trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn tiếp tục hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh tới cuối năm 2021 để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới. Chúng ta không được phép quên dịch COVID-19 vẫn đang còn và chúng ta không được phép lơ là, mất cảnh giác. Đây là lúc đội ngũ thầy thuốc cần đúc rút những kinh nghiệm quý báu đã có được từ thực tế chống dịch để tăng cường năng lực, chuyên môn, đồng thời phối hợp với các cấp các ngành thực hiện tốt các hoạt động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định phòng dịch và xây dựng những thói quen có lợi cho sức khỏe.

Tôi cũng mong các cơ sở y tế có nhân lực tham gia chống dịch cần có những giải pháp chăm sóc đời sống vật vật chất và tinh thần, sức khỏe, cân bằng tâm lý đối với lực lượng này, để họ sớm bắt nhịp trở lại với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Xin chúc các chiến sĩ áo trắng nhiều sức khỏe, phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sáng tạo và bản lĩnh đã được tôi luyện trong công cuộc chống dịch vừa qua để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Thời gian tới, với hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, các địa phương, người dân cả nước thực hiện, làm theo, mỗi người có ý thức bảo vệ cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng, để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống trở lại bình thường.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế:Trong chiến dịch phòng, chống dịch tại TPHCM hơn 4 tháng, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế, sau đó Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đồng chí Phó Thủ tướng khác, chúng ta đã thực hiện những chính sách, chiến lược đạt được sự thành công rất đáng tự hào cho đến ngày hôm nay.

Đó không phải là thành tích của cá nhân ai, như Nghị quyết 86 của Chính phủ đã nêu rõ xã phường là pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Ngành y tế muốn hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh sự nỗ lực cống hiến của anh chị em đồng nghiệp, sự quản lý chuyên môn, chúng ta có sự chỉ đạo của Đảng, thông qua Thư kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, chỉ đạo thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Bên cạnh đó các lực lượng quân đội, công an vào cuộc quyết liệt, tích cực với các cuộc hành quân số lượng lớn các các đồng chí bộ đội, công an vào TPHCM và các tỉnh phía nam để giúp xây dựng phòng tuyến vững chắc. Rất cám ơn sự đóng góp của các đồng chí đồng nghiệp bộ đội, công an, các bộ, ngành, địa phương tham gia xây dưng bệnh viện dã chiến.

Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới, với hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, các đồng chí lãnh đạo địa phương, người dân cả nước thực hiện, làm theo cùng nhau, mỗi người có ý thức bảo vệ cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống trở lại bình thường.

Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách để giúp đỡ ngành y tế nói riêng, đã huy động nguồn lực lớn từ các thể chế chính sách tạo cơ hội cho ngành y tế thực hiện trang thiết bị y yế.

BSCKII. Lý Thế Huy, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, kiêm nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa: Mỗi nhân viên y tế đều vì bệnh nhân, xác định người bệnh như những người thân của mình, với mục tiêu là cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Áp lực, vất vả là thế nhưng chúng tôi chưa từng nghe lời than khổ từ đội ngũ y, bác sĩ. Ở đây, chỉ thấy sức chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân.

Tất cả mọi người đều đồng lòng, tập trung hết sức lực, trí tuệ của mình để điều trị bệnh nhân tốt nhất, sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Và chính điều đó giúp tất cả nhân viên y tế ở đây từng ngày cố gắng vì nhau, vì bản thân họ biết được nền tảng từ sức mạnh đồng đội, sự gắn kết giữa các bệnh viện, đơn vị khác nhau, biết tương trợ và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Tôi cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và rất kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế, các thầy cô và các đồng nghiệp…

Sinh viên Trần Thị Bích Ngọc, Đại học Y Dược Thái Nguyên cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, của đoàn thanh niên, em đã cùng các sinh khác của trường lên đường chống dịch. Em đã đi chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Đó là những chuỗi ngày xa gia đình, đối mặt với những khó khăn, vất vả, nguy hiểm của dịch bệnh. Nhưng sự giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp, gia đình và nhà trường đã giúp em có thêm sức mạnh, động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Các sinh viên cũng luôn động viên, giúp đỡ nhau, hứa không rời bỏ vị trí. Sinh viên Trần Thị Bích Ngọc cam kết sẽ luôn trau dồi, cố gắng hơn nữa để trở thành bác sĩ tốt, làm theo lời Bác Hồ dạy: Thanh niên không sợ khó, không sợ khổ, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, sẵn sàng cống hiến nhiệt huyết cho Tổ quốc và công tác phòng chống dịch nói riêng.

Suy nghĩ và hành động chỉ có 2 chữ “chống dịch”

BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai: Đại dịch COVID-19 chính thức bùng phát tại Đồng Nai vào những ngày cuối tháng 6, với hàng loạt các ổ dịch xuất hiện trên nhiều địa bàn. Mặc dù cũng có nhận định, có đánh giá nguy cơ rất cao dịch bùng phát và có kịch bản ứng phó, nhưng thực tế dịch đã diễn ra rất nhanh và nặng nề, từ vài ca mỗi ngày, lên vài chục ca, đến vài trăm, vài nghìn ca mỗi ngày chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Với lực lượng y tế có hạn, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn và kinh nghiệm chống dịch không nhiều, lực lượng chi viện chưa có. Đây chính là thời điểm và giai đoạn khó khăn nhất trong công tác chống dịch tại Đồng Nai.

Bản thân cũng đã nhiều năm làm công tác lãnh đạo, quản lý, nhưng chưa bao giờ tôi thấy được cả một tập thể hăng hái và tự nguyện xung phong tham gia vào tuyến đấu chống dịch như vậy. Tất cả nhân viên Trung tâm, từ cán bộ y tế, đến các kỹ sư, cử nhân trong các lĩnh vực môi trường, thực phẩm, tin học, tài chính... đều xung phong tham gia vào các đội truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Tôi nghĩ, trong cuộc chiến chống dịch này, tinh thần làm việc của những cán bộ y tế thuộc CDC, cũng chính là tinh thần, quyết tâm của tất cả cán bộ ngành y tế. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên kết quả chống dịch như vừa qua.

Với lương tâm, trách nhiệm của một thầy thuốc, tôi cảm nhận được động lực giúp mình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tất cả vì sức khỏe và tính mạng người dân. Với nhiều đêm thức trắng, có mặt tại tất cả các điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh cùng với chính quyền và ngành y tế tuyến huyện xã tổ chức công tác chống dịch. Có thể nói rằng, những tháng ngày ấy, trong suy nghĩ và hành động của mình chỉ còn 2 chữ “chống dịch”.

Với sự quyết tâm của ngành y tế và cả hệ thống chính trị và người dân; cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế và sự chi viện của cả nước, những khó khăn rồi cũng qua đi. Tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai đã cơ bản được kiểm soát và hoạt động kinh tế xã hội đang từng bước khôi phục.

Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Cục Y tế, Bộ Công an:Chúng tôi ý thức rằng việc tiến ra tuyến đấu chống dịch là trách nhiệm, là vinh quang lớn lao đối với bất kì người chiến sĩ nào; là thực hiện, khẳng định lời thề danh dự của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng: “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến”.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Cục Y tế, Bộ Công an: Tôi may mắn hơn hàng chục, hàng trăm đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí khác của mình - những người đã mãi mãi ngã xuống trong cuộc chiến chống COVID-19 đầy cam go, khốc liệt này. Trong buổi lễ trang trọng này cho tôi xin phép được gửi lời tri ân, vinh danh sâu sắc nhất đến với họ.

Được có mặt ở đây thực sự là một vinh dự lớn đối với cá nhân tôi. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các y bác sĩ đã tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

Thời gian vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước. Chúng tôi, những người chiến sĩ mang 2 màu áo đã không quản ngại hiểm nguy, lên đường đi thẳng vào tâm dịch, với ý chí sắt đá, một lòng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao phó, được nhân dân tin tưởng. Thậm chí có những đồng chí vừa hoàn thành cách ly sau khi tham gia chống dịch tại Bắc Giang đã xung phong đi chống dịch tại miền Nam. Chúng tôi ý thức rằng việc tiến ra tuyến đấu chống dịch là trách nhiệm, là vinh quang lớn lao đối với bất kì người chiến sĩ nào; là thực hiện, khẳng định lời thề danh dự của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng: “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến”.

Vì vậy, bất chấp khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm nơi tuyến đấu chống dịch, những cán bộ y tế trong lực lượng CAND luôn nỗ lực vượt qua, quyết tâm sắt đá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh công tác chăm sóc điều trị cho cán bộ, chiến sỹ CAND, còn phải chăm sóc, điều trị cho can phạm nhân nhiễm COVID-19. Đây là việc rất phức tạp. Vì điều kiện y tế, sinh hoạt ở các cơ sở giam giữ của Bộ Công an dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với bên ngoài; diện tích các buồng giam nhỏ hẹp, mật độ người cao; can phạm nhân không những có nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, HIV/AIDS…mà còn có sự phức tạp về tâm lý, không dễ dàng hợp tác như bệnh nhân thông thường. Nhưng xác định đây là việc chăm sóc, điều trị cho can phạm nhân là thể hiện sự nhân đạo, sự ưu việt của chế độ, của Nhà nước XHCN Việt Nam, chúng tôi đã làm hết sức mình để đến nay cơ bản tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giam giữ của Bộ Công an đã được kiểm soát, hạn chế tối đa thương vong.

Để vượt qua các khó khăn nơi tâm dịch, chúng tôi phải cảm ơn sự quan tâm, động viên của các cấp lãnh đạo, của đơn vị chủ quản, của Công an các đơn vị địa phương đã tạo điều kiện về hậu cần để chúng tôi có thể yên tâm thực hiện chuyên môn. Và tôi cũng muốn xin gửi lời cảm ơn các đồng chí, đồng đội đã cùng tôi sát cánh trong suốt thời gian chống dịch vừa qua, những con người tâm huyết với nghề, ý chí kiên cường, sẵn sàng lăn xả để hỗ trợ đồng đội trong lúc khó khăn nhất. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn và động viên đến gia đình - hậu phương lớn của những người chiến sỹ ra tuyên đầu như tôi.

Trong cuộc chiến đầy cam go này, chúng tôi - những cán bộ chiến sĩ CAND xin hứa sẽ cống hiến hết mình cho mọi nhiệm vụ mà các cấp lãnh đạo giao phó. Tôi tuyệt đối tin tưởng vào chiến thắng trước đại dịch COVID-19, để màu áo của người chiến sĩ Công an thực sự trở thành lá chắn xanh bảo vệ cho sự bình yên của nhân dân.

Chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương:Bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương: Có thể coi COVID -19 là đại dịch nguy hiểm nhất của thế kỷ 21. COVID -19 đã gây ra những ảnh hưởng ghê gớm cho mọi hoạt động của xã hội Việt Nam. Những tổn thất vô cùng to lớn mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều.

Qua dịch COVID-19, chúng ta đã thấy được những giá trị cốt lõi của con người, đó chính là sự đùm bọc, che chở nhau trong hoạn nạn và cả những tấm gương hy sinh vì dân, khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục.

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, hơn 20.000 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên tình nguyện đã được Bộ Y tế điều động hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tại nhiều bệnh viện, các y bác sĩ đăng ký lên đường còn vượt quá cả số lượng dự kiến ban đầu.

Hệ thống y tế của các tỉnh đã qua làn sóng dịch thứ 4 cần phải làm gì? Đây là câu hỏi vô cùng khó và đáp án không thể giống nhau vì mỗi tình có hoàn cảnh địa chính trị, mật độ dân số, mức độ phủ vaccine... khác nhau.

Theo sự phân công của Bộ Y tế, tôi được cử tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số. Khi dịch bùng phát, số lượng ca mắc trong cộng đồng tại Bình Dương tăng nhanh, những ngày đầu trung bình 300-400 ca bệnh mới, sau đó có lúc lên tới 5.000-6.000 ca mỗi ngày. Số ca chuyển nặng cũng ngày càng tăng, trong khi chỉ có bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị tầng 3 chỉ có 30 giường thở máy. Số bệnh nhân chưa tiêm vaccine tăng cao, đặc biệt là nhóm phụ nữ có thai. Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 gặp nhiều khó khăn. Tôi xin có một số đề xuất như sau:

1. Xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã. Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy. Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TPHCM, Bình Dương, Hà Nội ...

2. Tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.

3. Khu điều trị COVID-19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu, Điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu COVID-19. Ngay khi các ca đã có xét nghiệm âm tính cần chuyển ngay sang tầng hậu COVID-19 để chăm sóc điều trị như bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ oxy hoá lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực. Đây là việc cần làm lâu dài không chỉ dưới hình thức tạm bợ, dã chiến. Bộ máy nhân sự cần được chính thức bổ nhiệm, chế độ lương thưởng rõ ràng. Thuốc và vật tư, trang thiết bị, chi phí điều trị cũng vậy, cần danh sách cụ thể, mua sắm, cơ chế chi trả rõ ràng tường minh để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

4. Cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như TPHCM đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như COVID sản khoa, nhi khoa, lão khoa ... để y tế tư nhân phát triển tạo thương hiệu của chính mình. Bệnh viện Hạnh phúc đã có đề án thành lập khoa Sản COVID-19 cho các bà bầu không may bị nhiễm bệnh. Nhà nước nên hỗ trợ một phần thuốc và vật tư y tế cũng như thông thoáng về chính sách để y tế tư thực sự nắm vai trò quan trọng trong giai đoạn sau đại dịch.

5. Rà soát việc tiêm vaccine. Sẵn sàng có kế hoạch tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi khi được hướng dẫn. Tiêm cho các công nhân, người lao động phổ thông nếu đến sống, làm việc tại Bình Dương.

6. Tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư. Nên sắp xếp cho những người làm cùng bộ phận được ở cùng nhau. Khi phát hiện ca dương tính, chính quyền hỗ trợ cho khu nhà trọ để người nhiễm có thể ở riêng biệt, cách ly. Khuyến khích tự test để phát hiện sớm, bảo đảm sức khỏe của mình và cộng đồng.

7. Không sợ COVID-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi.

Sau những ngày vừa qua, theo tôi bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trước đây chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh. Tuy nhiên trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện còn kém, cụ thể là nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men. Trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung vào nâng cao tay nghề.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Các giải pháp ứng phó khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng trong trạng thái thích ứng an toàn có nhiều điểm kế thừa các giai đoạn chống dịch trước đây, đồng thời bổ sung một số điểm mới.

- Nguyên tắc ứng xử với người nhiễm COVID-19 phải phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị từng nơi; đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và nguyện vọng của người nhiễm. Theo tôi nguyện vọng, sự hợp tác và hoàn cảnh cụ thể của từng F0 sẽ là yếu tố quyết định giúp người nhiễm bảo toàn sức khỏe của mình và tránh lây lan ra cộng đồng.

-Cần sớm phân loại người nhiễm có triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã tiêm vaccine và ưu tiên cho họ cách ly, điều trị tại nhà. F0 triệu chứng nặng mới cần đưa vào bệnh viện. Bởi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ngay tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... khi đã tiêm vaccine, tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong sẽ ít hơn nhiều so với người không tiêm vaccine.

- Thay đổi cách khoanh vùng cách ly chính là chìa khoa thay đổi cách phòng, chống dịch. Theo tôi, cách ly khoanh vùng nhỏ nhất là chiến lược hoàn toàn đúng đắn của chính phủ.

Dùng khoa học và thực tiễn địa phương, quốc gia để tồn tại và phát triển với sự hiện diện của COVID-19 là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới ngày mai.

Tiếp tục phát huy tinh thần chống dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong số các đồng chí lực lượng tuyến đầu có mặt tại đây hôm nay, nhiều người đảm nhận hai vai - vừa là bác sỹ, vừa là nhà quản lý. Không chỉ là quân y, y tế công an, không chỉ là điều dưỡng, sinh viên, tình nguyện viên, giúp bác sỹ trong những bệnh viện còn có cả những bà sơ, có cả những người bệnh sau khi khỏi bệnh. Họ làm những việc không khác thầy thuốc, từ những việc rất cụ thể mà ai chăm sóc người nhà bị ốm cũng biết. Tất cả lực lượng y tế có sự hy sinh vô cùng cao quý, nỗ lực phi thường mà không thể tuyên dương, khen thưởng hết được. Phần thưởng lớn nhất là truyền thống của ngành y được nhân dân ghi nhận. Tôi xin cám ơn tất cả các thầy thuốc Việt Nam, nhân đây chân thành cám ơn các lực lượng tuyến đầu, cám ơn tất cả mọi người dân đã chung sức đồng lòng để có kết quả hôm nay là cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Cuộc chiến chống dịch vẫn chưa dừng lại, rất mong chúng ta tiếp tục tinh thần này.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay mặt cử tri, nhân dân cả nước gửi lời tri ân sâu sắc tới lực lượng tuyến dầu trong phòng chống dịch, trong đó có các thầy thuốc. Ông cho biết, đã đến tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, bệnh viện dã chiến số 13, nơi giám đốc bệnh viện cạo trọc đầu để thuận tiện hơn khi làm việc. Ông cũng từng gặp mặt đại diện 3.000 bác sĩ xung phong chi viện cho TPHCM. Có bạn trẻ nói cả hai vợ chồng đều xung phong vào tâm dịch, rất vui vẻ nhận nhiệm vụ dù đã có con. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết có những bác sĩ đi xe máy vượt hàng nghìn km, tình nguyện vào chăm sóc cho bệnh nhân tại Bình Dương.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định: Trong thời gian cam go vừa qua, các thầy thuốc không chỉ có bàn tay vàng, trái tim nhân hậu mà còn có thần kinh thép để cùng đất nước vượt qua đại dịch.

Tôi rất thấm thía, COVID-19 là thảm họa của thế giới, gây tổn thất nặng nề cho nhân dân, đất nước ta nhưng cũng giúp chúng ta nhìn nhận thấu đấo nhiều vấn đề mà bình thường chúng ta không nhận ra. Đề nghị thời gian tới, cần có đầu tư xứng đáng hơn cho ngành y tế để các thầy thuốc có điều kiện phục vụ nhân dân tốt nhất. Một kỹ sư ra trường được vào làm cơ quan nhà nước, có máy tính, có phòng điều hòa, có bàn làm việc, nhưng bác sĩ chỉ có giường bệnh, dù thời gian đào tạo dài hơn.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ liên tục cập nhật thông tin về cuộc gặp mặt xúc động và nhiều ý nghĩa này.

Nhóm PV
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    TƯỜNG THUẬT: Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO