Túi phình mạch máu não như 'quả bom nổ chậm'

Ngọc Hân| 03/06/2022 16:50

Theo các bác sĩ, vỡ túi phình mạch máu não không do chấn thương thường diễn biến âm thầm như “quả bom nổ chậm”, nhất là ở những người bị cao huyết áp, hút thuốc lá lâu năm.

Vỡ túi phình khi hát nhạc tông cao

Bà N.T.V (66 tuổi, quê Bạc Liêu) bị tăng huyết áp và thường bị choáng váng hơn một năm nay, có uống thuốc nhưng lúc có lúc không. Bà cho biết có thói quen hát karaoke.

vo-mach-mau.jpg
Hình ảnh túi phình bệnh nhân V trước và sau phẫu thuật. Ảnh BVCC.

Thời gian này, bà ở nhà chăm chồng bị bệnh. Thường ngày, bà hay hát cho chồng bị bệnh nghe cho đỡ buồn.

Mới đây, bà đi dự đám tiệc và đăng ký hát một bài ca cổ góp vui với gia chủ. Khi chưa hát hết câu, bà nghe trong đầu nổ một tiếng bụp như đập trái dừa khô. Sau đó, bà say sẩm mặt mày và được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, được chẩn đoán vỡ mạch máu não.

Bà V điều trị ở bệnh viện địa phương 3 ngày nhưng tình trạng không giảm nên được chuyển đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng nôn ói, đau đầu dữ dội. Kết quả chụp CT cho thấy, bà V bị xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ phình mạch máu não. Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe bà dần ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ Nguyễn Quang Hưng, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, túi phình của bệnh nhân V có thể đã có từ lâu trước khi bị vỡ, bởi kích thước của túi đã lớn. Khi bệnh nhân hát karaoke có thể đã gắng sức ở khúc cao trào dẫn đến tăng huyết áp, khiến lưu lượng máu dồn lên quá giới hạn của túi phình khiến túi phình bị bể.

3-1024x591.jpg
Bà N.T.V khi còn đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Túi phình mạch máu não như “quả bom nổ chậm”

Vỡ phình mạch não (còn gọi vỡ mạch máu não) là tình trạng túi phình mạch não bị vỡ khiến máu thoát ra khỏi lòng mạch, tụ trong nhu mô não hoặc trong khoang dưới nhện, gây kích thích màng não và làm tổn thương các tế bào não. Bên cạnh đó, máu không thể lưu thông lên não được, khiến tế bào não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.

Nguyên nhân vỡ túi phình mạch máu não thường do bị chấn thương hoặc không do chấn thương. Với vỡ túi phình không do chấn thương thường diễn ra âm thầm như “quả bom nổ chậm”, bởi các túi phình động mạch bị mỏng, yếu đi rồi phình ra. Túi này có thể vỡ ra do tác động bởi các yếu tố như: tăng huyết áp, hút thuốc lá hoặc di truyền. Bệnh nhân V ở trên là một trường hợp điển hình.

Bàn về vỡ túi phình mạch máu não diễn ra âm thầm, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam - Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân Dân 115 kể, ông từng gặp một bệnh nhân tuổi còn trẻ đến xin khám trong lo lắng vì tình cờ phát hiện có một túi phình nhỏ, khoảng 5mm tại động mạch cảnh trong. Sau khám, nam bệnh nhân xin được can thiệp ngay vì sợ túi phình bị vỡ và mình có nguy cơ bị đột quỵ bất cứ lúc nào.

vo-tui-phinh.jpg
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân bị túi phình mạch máu não. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Thắng, túi phình mạch động mạch não khá thường gặp, ước tính khoảng 2-3% trong dân số, và có thể cao hơn trên dân số lớn tuổi. Ở nước ta, ước tính có khoảng 2-3 triệu “bom nổ chậm” trong dân số 100 triệu. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất huyết màng não hiện nay chỉ vào khoảng 6-10 ca/ 100.000 dân. Điều đó có nghĩa, hơn 3000 trường hợp có túi phình động mạch não, mới có một trường hợp gây vỡ.

“Kích thước túi phình được xem là yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc xử trí hay không”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Bác sĩ Thắng cho rằng, nguy cơ vỡ của túi phình có kích thước nhỏ hơn 7mm là cực kỳ thấp, chiếm 0% trong 5 năm, với túi phình nằm ở các vị trí tuần hoàn trước. Nguy cơ vỡ của túi phình động mạch thông sau cao hơn, 1,5% trong 5 năm (0.3%/ năm). Tuy nhiên, với những người có túy phình từ 7mm - 12mm thì cần phải can thiệp càng sớm càng tốt, nhất là những người bị cao huyết áp, hút thuốc lá lâu năm và có tiền sử gia đình bị bệnh.

Theo hai bệnh nhân trên, thời gian qua có nhiều bệnh nhân bị vỡ túi phình vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có những trường hợp phát hiện bất ngờ, may mắn được cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu của nguy cơ vỡ túi phình thường là cơn đau đầu sét đánh, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, co giật, liệt nửa người và hôn mê.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hưng khuyến cáo, khi có các dấu hiệu trên cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tốt nhất, những người bị cáo huyết áp, có tiền sử hút thuốc lá hoặc trong gia đình từng có người bị bệnh cần đi tầm soát ít nhất 6 tháng một lần để được phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Túi phình mạch máu não như 'quả bom nổ chậm'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO