Tục thờ thần linh của người Ai Cập (kì 1)‏

First News| 19/12/2022 17:02

Người Ai Cập tôn thờ rất nhiều thần linh.‏‏ ‏‏Có hàng ngàn thần linh và những thần này luôn luôn thay đổi tùy theo các biến cố xảy ra trong xã hội loài người.‏

‏Người Ai Cập tôn thờ rất nhiều thần linh, hầu như làng mạc, thôn xóm nào cũng có những vị thần địa phương như thần làng, thần cây, thần sông, thần núi. Không những thế, mỗi gia tộc còn có những thần linh trông nom gia tộc của họ. Họ xây cất một nhà từ đường để những người trong gia tộc đến đó lễ bái, cầu xin. Trên nguyên tắc, thần gia tộc không nhiều quyền lực như thần làng, thần làng không nhiều quyền lực bằng thần tỉnh, và thần tỉnh không bằng các thần linh cai trị những vùng có phạm vi địa lý rộng lớn hơn.‏

01.jpg

‏Có hàng ngàn thần linh và những thần này luôn luôn thay đổi tùy theo các biến cố xảy ra trong xã hội loài người. Một gia đình giàu có, thế lực, có thể ảnh hưởng đến cả làng, có nghĩa là vị thần gia tộc đó đã mạnh hơn vị thần làng. Người trưởng của gia tộc đó có quyền làm lễ truất phế thần làng, bắt mọi người trong làng phải thờ cúng vị thần gia tộc của mình và phong vị này lên chức thần làng. Khi một người làm quan lớn, được Pharaoh ban cho cả một vùng đất thì thần gia tộc đó được suy tôn thành vị thần trông coi toàn vùng đó, và hiển nhiên mọi người trong vùng đều phải thờ cúng vị thần này.‏

‏Mỗi khi các thành phố hay làng xã được sát nhập vào nhau thì dân chúng các vùng có liên hệ sẽ bàn tính thảo luận xem thần nào phải ra đi và thần nào ở lại để được thờ cúng. Do đó, danh hiệu và quyền lực của các vị thần luôn luôn thay đổi tùy theo các biến cố xã hội.‏

‏Ngoài ra còn có những vị thần sông, thần núi, thần sa mạc, thần đất, thần cây, thần mặt trời, mặt trăng, thần công lý, và các vị thần cai quản các cõi giới vô hình nữa. Vì có quá nhiều thần linh và danh xưng thay đổi luôn luôn nên chỉ các giáo sĩ mới thuộc hết tên các vị thần và biết làm các lễ nghi thờ cúng mà thôi. Từ đó, giới giáo sĩ trở thành một thế lực rất mạnh vì làm trung gian giữa thần và người. Họ chỉ thua có Pharaoh, vốn vừa là người vừa là thần. Tuy quyền lực giáo sĩ cao hơn các quan nhưng các quan lại có một quyền lực khác, thực tế hơn, là quân đội; cho nên giới giáo sĩ và quan lại thường hợp tác với nhau rất chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cũng như quyền lực của đôi bên.‏

02.jpg

‏Ngoài các thần linh địa phương, người Ai Cập còn thờ phụng những thần khác như Thoth, vị thần tượng trưng cho sự minh triết. Theo truyền thuyết, chính Thoth đã hướng dẫn dân chúng xứ này cách cày bừa, canh tác, săn bắn và thờ cúng thần linh. Những lời dạy bảo của Thoth được truyền tụng sâu rộng trong dân gian và được đúc kết lại thành cuốn ‏‏Tử Thư Ai Cập‏‏. Nhiều người xem đó là cuốn sách nói về các nghi thức thờ cúng, đọc thần chú, làm lễ khâm liệm, tống táng người chết, nhưng thật ra trong đó còn đề cập đến sự thành lập vũ trụ, quan niệm sống và một số đoản văn với những ẩn nghĩa huyền bí đặc biệt mà chỉ một số rất ít giáo sĩ hiểu được mà thôi.‏

‏Theo cuốn ‏‏Tử Thư‏‏, lúc đầu vũ trụ chỉ là một luồng ánh sáng tinh khiết không có màu sắc (tượng trưng cho sự tuyệt đối), nhưng sau phân chia ra thành hai màu đen và trắng, hay ngày và đêm (tượng trưng cho sự tương đối). Từ khi có sự phân chia này thì quan niệm hữu hình - vô hình, chánh - tà, thiện - ác, tốt - xấu, bắt đầu nảy sinh. Chính sự phân chia này đã làm đảo lộn trật tự trong vũ trụ, tạo ra các động lực xoay vần theo các vòng xoáy và sinh ra những cảnh giới hữu hình cũng như vô hình. Trong cảnh giới hữu hình, các động lực tiếp tục xoay vần tạo ra tinh tú, rồi các tinh tú tiếp tục xoay vần phát sinh ra vô số các tinh tú khác, mãi mãi không bao giờ ngưng. Quan niệm về cái gọi là vô tận mãi mãi không chấm dứt này chính là then chốt của cuốn ‏‏Tử Thư Ai Cập‏‏ vì nó ám chỉ vũ trụ tương đối chỉ là những động lực chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau, nên không có sự chấm dứt (sự chết) mà chỉ có sự thay đổi, biến thiên, chuyển hóa, từ trạng thái này qua trạng thái khác, từ cõi giới này qua cõi giới khác, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác, như ngày và đêm, sáng và tối, đen và trắng, v.v...‏

‏Trích sách Dấu chân trên cát – Nguyên Phong.‏

‏Mua sách tại đây:‏‏ ‏‏https://bit.ly/dauchantrencat-tk‏

‏ ‏

‏ ‏

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tục thờ thần linh của người Ai Cập (kì 1)‏
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO