Trường hợp nào thì phụ nữ người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số?

06/06/2021 08:05

Bạn đọc Vi Thị Phương ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, hỏi: Trong trường hợp nào thì phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số?

Trả lời: Theo Điều 1 Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số, phụ nữ là người DTTS hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hỗ trợ khi sinh con:

1. Sinh một hoặc hai con;

2. Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

3. Sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;

4. Đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;

5. Sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

6. Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;

7. Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ);

8. Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;

9. Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người DTTS chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

* Bạn đọc Trần Văn Hưng ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi:Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về hoạt động của tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo?

Trả lời: Theo Điều 20 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động của tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được quy định như sau:

1. Tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức các cuộc lễ tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, giảng đạo, bồi dưỡng giáo lý;

b) Bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc;

c) Sửa chữa, cải tạo trụ sở;

d) Tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo;

đ) Tổ chức đại hội thông qua hiến chương.

2. Khi thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 điều này, tổ chức phải tuân thủ quy định của luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

QĐND

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trường hợp nào thì phụ nữ người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO