TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng

TH| 15/11/2020 12:11

Việt BáoBão số 13 đổ bộ vào đất liền gây mưa to và gió giật mạnh, chính quyền địa phương vùng bão đi qua chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng ứng phó bão.

Bão 13 đang tràn qua đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.

10h, theo cơ quan khí tượng, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Đến 9h sáng, do ảnh hưởng của bão số 13, tại Quảng Bình, gió đã mạnh dần lên, kèm theo mưa lớn, đặc biệt tại các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới.

Trước tình hình mưa bão, cơ quan chức năng tại Quảng Bình đã tiến hành di dời 14.259 hộ dân/47.372 khẩu.

Qua rà soát, tại địa phương này hiện có 107 điểm sạt lở, có 4.019 hộ/14.767 khẩu có nguy cơ sạt lở. Trong đó 1.008 hộ/4.092 khẩu đã được di dời.

Về tình hình hồ chứa tại Quảng Bình, hiện 11/17 hồ chứa do Công ty TNHH MTV kỹ thuật công trình Thủy lợi quản lý và các hồ chứa thuộc các địa phương quản lý đã đạt 100% dung tích thiết kế.

Gió bão mạnh dần tại Quảng Bình

Tại Quảng Trị, ông Dương Viết Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, các xã ven biển ở huyện Hải Lăng lúc 2h sáng 15/11 bắt đầu có gió mạnh.

Đến khoảng 4h sáng cùng ngày, gió giật mạnh, đến 6h sáng mới ngừng. “Hiện có một số nhà dân bị tốc mái, xây xanh trên các tuyến đường về các địa phương ven biển bị gãy đổ” – ông Dương Viết Hải, thông tin.

Đơn cử, tại xã Hải An có 25 nhà dân bị tốc mái. Cây cối gãy đổ chắn ngang đường, nên lực lượng biên phòng, ban chỉ huy quân sự và dân quân đang cưa dọn để giải phóng cây gãy đổ khỏi đường.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại do bão số 13 gây ra ở tỉnh Quảng Trị.

Nhà tốc mái, cây gãy đổ Hải Lăng, Quảng Trị.

Tại Quảng Bình: Do ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 13, 10h ngày 15/11, tại TP Đồng Hới có mưa to, gió cấp 4, cấp 5 bắt đầu giật theo đợt liên hồi.

Người dân TP Đồng Hới được khuyến cáo ở trong nhà, không đi lại ngoài đường và ra vườn khi không thực sự cần thiết để tránh bị tai nạn khi cây cối gãy đổ.

10h sáng, TP Đồng Hới (Quảng Bình) bắt đầu mưa lớn, gió giật liên hồi.

Ông Hoàng Ngọc Tâm ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới cho biết: “Chúng tôi đã theo dõi sát diễn biến của bão số 13, cả đêm thay nhau trực không dám ngủ. Sáng nay nghe dự báo bão có giảm cấp độ, nên chúng tôi cũng nhẹ cả người. Quảng Bình vừa bị bão lũ liên tục, nếu bão số 13 nguyên sức gió mà vào nữa thì thiệt hại vô cùng to lớn”.

Hà Tĩnh: PV VTC News cho biết, từ hôm qua đến sáng sớm 15/11 địa phương này không có mưa, gió, nhưng đến 9h ngày 15/11 mưa kèm gió xuất hiện và đang mạnh lên.

Từ 9h sáng nay, mưa kèm gió bắt đầu xuất hiện tại Hà Tĩnh.

Video: Gió bão ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)

Tại Quảng Bình: Lúc 9h, CTV của VTC News tại địa phương này cho biết, từ đêm qua đến sáng sớm 15/11 địa phương này mưa rất nhỏ và không có gió.

Chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã chuẩn bị nhiều phương án chống bão số 13.

Tuy nhiên, từ 8h30 sáng 15/11 mưa và gió bắt đầu xuất hiện và đang mạnh dần lên. Hiện người dân và chính quyền địa phương đã lên mọi phương án ứng phó bão số 13, người dân không chủ quan và chủ động không ra khỏi nhà khi bão đổ bộ.

Tại Đà Nẵng: Ghi nhận PV VTC News lúc 7h, mưa đã ngớt, mưa nhỏ. Khắp ven biển và các tuyến phố, quang cảnh khá bình yên so với sức tàn phá trước đó của cơn bão số 9.

Rác và cát từ bờ biển bị sóng đánh lên đường.

Dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp ven biển phía Đông TP, rác và cát từ bờ biển bị sóng đánh lên đường. Khung cảnh nhiều đoạn đường ven biển khá nhếch nhác, nhưng không đá kể so với khi cơn bão số 9 tràn vào.

Ra biển từ sớm, ông Nguyễn Văn Bường (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, bão số 13 có gió nhẹ hơn bão số 9. Thời gian có gió to cũng ngắn hơn, sóng biển nhỏ hơn.

Từ nửa đêm qua, nhiều tài khoản Facebook đăng tải thông tin khu vực phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) có nhiều nhà tốc mái, tàu chìm… Sáng nay, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông xác nhận có các thông tin như vậy báo về trong đêm. Tuy nhiên, qua kiểm tra sơ bộ sáng nay, ông Hải cho hay tình hình thiệt hại không nhiều.

“Chỉ có vài mái hiên nhà dân bị tốc. Một ghe lặn chíp chíp không biển số bị chìm tại chỗ, còn lại khá yên ổn. Hầu như không có cây xanh ngã đổ”, ông Hải cho hay.

Tại Âu thuyền Thọ Quang, theo quan sát có hai tàu nhỏ bị chìm. Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, đây là các tàu bị chìm đã lâu chưa được trục vớt.

“Âu thuyền an toàn, không có tàu nào chìm sau bão số 13. Nhiều tàu đang bốc dầu và nước đá để ra khơi ngay”, ông Phương khẳng định.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngay lúc này, tâm bão đang nằm trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Vị trí tâm bão ở tọa độ 17,1 độ vĩ Bắc, 107,4 độ kinh Đông. Sức gió duy trì cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Tâm bão hiện đang trên vùng ven bờ biển Quảng Bình - Quảng Trị, cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 25 km. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h và khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay khi đi vào đất liền.

Dự báo tâm bão sẽ đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị trong khoảng 9-12h hôm nay với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7-8 giật cấp 9-10.

Tại Quảng Bình: Lúc 9h, CTV của VTC News tại địa phương này cho biết, từ đêm qua đến sáng sớm 15/11 địa phương này mưa rất nhỏ và không có gió.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 1

Chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã chuẩn bị nhiều phương án chống bão số 13.

Tuy nhiên, từ 8h30 sáng 15/11 mưa và gió bắt đầu xuất hiện và đang mạnh dần lên. Hiện người dân và chính quyền địa phương đã lên mọi phương án ứng phó bão số 13, người dân không chủ quan và chủ động không ra khỏi nhà khi bão đổ bộ.

Ghi nhận tại Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, sáng sớm nay gió rít tới tấp, kèm mưa lớn ở nhiều nơi. Nhiều ngôi nhà đã bị tốc mái, tôn bay loảng xoảng.

Gió bão quần thảo tại Huế lúc 4h sáng

7h15, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 7h, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế; sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Người dân thành phố Huế ra khỏi nhà, ngỡ ngàng với cảnh cây đổ ngổn ngang trên phố.

Một nhà xưởng bằng tôn tại đường Cần Vương, khu quy hoạch Hương Sơ, TP Huế bị bão vặn bẹp dúm. Rất may không có thiệt hại về người tại khu vực.

Tại Quảng Bình, đến 7h30 sáng vẫn chưa có có dấu hiệu của bão. Trời có gió nhẹ, mưa nhỏ.

Quảng Bình chỉ có mưa nhỏ, gió nhẹ.

6h, tại vùng biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (Quảng Trị), gió vẫn thổi mạnh, trời ít mưa. Ông Nguyễn Xuân Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, hiện địa bàn có mưa nhỏ, gió giật cấp 8, cấp 9 từ khoảng 3h sáng đến thời điểm này.

Đến 6h30, tại vùng biển Quảng Trị tiếp tục có gió mạnh, mưa nhẹ.

Hình ảnh tại biển Vĩnh Linh, Quảng Trị 6h30 sáng.

Tại TP Đà Nẵng:

Bờ kè các tuyến đường Như Nguyệt, Bạch Đằng ven sông Hàn - Đà Nẵng bị sóng đánh vỡ trong rạng sáng nay 15/11.

Hình ảnh tại đường Như Nguyệt - ven sông Hàn, đoạn ngay cửa biển (Ảnh CTV: Thuận Phước)

Ghi nhận lúc 0h15 ngày 15/11 bão số 13 gây mưa lớn, gió giật liên hồi. Triều cường dâng cao, sóng đánh dữ dội làm sạt lở nhiều điểm tại vỉa hè đường Như Nguyệt.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 1

Bão số 13 gây mưa lớn khiến triều cường dâng cao gây ngập úng cục bộ tại nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng.

Nước sông Hàn tràn lên đường Như Nguyệt, Bạch Đằng, Xuân Diệu, Nguyễn Đức Cảnh và các đường thuộc khu dân cư lân cận. Hệ thống thoát nước gần như tê liệt nên nước mưa, nước sông vẫn tiếp tục gây ngập nhiều khu vực.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 2

Lực lượng chức năng vẫn cắm chốt, ứng trực tại các điểm ngập nước, các cầu quan trắc qua sông Hàn trước giờ bão số 13 đổ bộ để nhắc nhở, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Trong khi bão đổ bộ, lực lượng chức năng vẫn phải ứng trực tại các điểm ngập nước, tại các đầu cầu quắc qua sông Hàn để cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại khu vực ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, gió thổi rất mạnh, sóng biển dâng. Tại huyện Hòa Vang, các khu vực trũng thấp nước đang có dâng có khả năng gây ngập úng trở lại vì trời vẫn đang mưa to.

Tại Thừa Thiên - Huế: Từ sáng 14/11 địa phương này mưa lớn và có gió nhẹ và kéo dài đến hết ngày. Ghi nhận của PV VTC News lúc 0h30 ngày 15/11 Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa và gió đang giật mạnh dần lên. Mưa lớn khiến mực nước một số sông lớn ở Thừa Thiên - Huế đang lên chậm.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 3

0h30 ngày 15/11 Thừa Thiên - Huế có mưa lớn và gió đang giật mạnh dần lên. 

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để ứng phó với bão số 13, lũ quét, sạt lở đất, các địa phương, đơn vị trong tỉnh này xây dựng kế hoạch di dời 20.005 hộ dân/67.674 khẩu đến nơi an toàn.

Tuy nhiên do bão tăng cấp nên một số địa phương có rà soát bổ sung kế hoạch di dời thêm. Đến nay các địa phương ở Thừa Thiên - Huế hoàn thành công tác di dời 21.126 hộ dân với 71.455 nhân khẩu, đảm bảo 100% các hộ dân cần di dời được di dời đến nơi an toàn.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 4

Thừa Thiên - Huế hoàn thành đưa 100% các hộ dân trong diện cần di dời đến nơi trú ẩn an toàn với số lượng 21.126 hộ dân với 71.455 nhân khẩu.

Ngoài ra, sáng 14/11 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12h ngày 14/11 để đảm bảo an toàn trong bão số 13. Ghi nhận của PV VTC News cho thấy, đa số người dân địa phương này tuân thủ lệnh cấm của chính quyền và hạn chế ra ngoài trong trường hợp không cần thiết.

Tại Quảng Trị: Ghi nhận lúc 0h30 ngày 15/11 địa phương này có mưa nhỏ và có gió nhẹ và hiện địa phương này cũng chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng ứng khi bão số 13 đổ bộ vào đất liền.

Tối 14/11, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PNTT Nguyễn Hoàng Hiệp dân đầu cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị trực tiếp kiểm tra chỉ đạo công tác sơ tán dân tại 02 điểm sơ tán là Trường tiểu học thôn Bích Giang (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) và trường mầm non thôn Xuân Lộc (xã Gio Việt, huyện Gio Linh).

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 5

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đến các điểm di dời bão số 13 ở Quảng Trị thăm hỏi, động viên người dân.

Tại đây Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp động viên thăm hỏi bà con yên tâm tránh bão, đề nghị tiếp tục đề cao cảnh giác chủ động phòng tránh, đồng thời đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc triển khai ứng phó với bão.

Trả lời PV VTC News, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong tỉnh cơ bản triển khai xong các biện pháp, phương án phòng chống bão số 13.

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, ngoài việc đưa tàu thuyền và tài sản đến nơi an toàn thì toàn bộ quân dân trên đảo (trừ lực lượng túc trực làm nhiệm vụ) được di chuyển khẩn cấp đến các hầm và lô cốt quân sự để tránh bão.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 6

Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, hiện toàn bộ người dân vùng nguy hiểm được lực lượng chức năng sơ tán đến nơi an toàn để tránh bão và địa phương cũng cơ bản hoàn tất các biện pháp để sẵn sàng ứng phó khi bão số 13 đổ bộ.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng Quảng Trị, tổng số tàu thuyền trên địa phương này là 2.312 chiếc với 7.163 thuyền viên (trong đó có 145 tàu>90CV đánh bắt xa bờ) đều nhận được thông tin về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 13; có thông tin liên lạc thường xuyên.

Đến 16h00' ngày 14/11 lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị triển khai sơ tán dân tránh bão là 9.585 hộ dân với 27.754 người, trong đó có 265 hộ dân với 1.149 người (ở huyện Hướng Hóa) sơ tán đến các địa điểm tập trung để phòng tránh sạt lở đất và cả phòng tránh bão.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 7

Tại đảo Cồn Cỏ, từ trưa 14/11 quân và dân địa phuơng này (trừ lực lượng ứng trực phòng chống bão) cũng được đưa vào các hầm, lô cốt để tránh bão số 13.

Ngoài ra, các đơn vị và người dân triển khai chằng chống và gia cố trên 3.000 nhà dân (trong đó ở khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông là 1.246 nhà, ở Hướng Hóa là 210 nhà).

Tại Quảng Bình: Đến 0h15 địa phương này có mưa nhưng không đáng kể và trời yên không có gió. Hiện tỉnh Quảng Bình cũng hoàn tất việc di dời người dân khỏi những vùng nguy hiểm và sẵn sàng mọi phương án phòng chống bão.

TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng - 8

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại tỉnh Quảng Bình.

Tối 14/11 đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng có mặt ở Quảng Bình để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 13 ở. Tại khu neo đậu tàu thuyền cửa Gianh có gần 500 tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão, công tác di dân tại các điểm nguy hiểm đã được địa phương chủ động thực hiện trước đó.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các địa phương ở tỉnh Quảng Bình tuyệt đối không để người dân ở trên tàu trong khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, các nhà dân không đảm bảo an toàn; rà soát, kiểm tra, quyết liệt sơ tán dân vùng nguy hiểm và hoàn thành trước 21h đêm 14/11.

Tại Hà Tĩnh: PV VTC News thường trú tại địa phương này cho biết, đến 0h45 ngày 15/11 địa phương này không có mưa và cũng không có gió, trời khá tĩnh lặng.

Tại các khu vực ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chính quyền các địa phương tổ chức sơ tán 3.364 hộ với 17.676 người theo kế hoạch đã được phê duyệt xong trước 20h ngày 14/11.

Đối với khu vực vùng núi, các vùng hạ du, cần chủ động sơ tán người dân ra khỏi nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét theo các kịch bản đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học...,hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão.

Các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi diễn biến, dự báo tình hình mưa, lũ, tổ chức vận hành, chủ động xả lũ đảm bảo an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 22h ngày 14/11, tâm bão số 13 (Vamco) ở cách Đà Nẵng khoảng 80km, cách Thừa Thiên Huế khoảng 150km, cách Quảng Trị khoảng 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 40km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 10h ngày 15/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22h ngày 15/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 14,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao 6-8m, biển động dữ dội. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ đêm 14/11 đến ngày 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 300mm; ở Thanh Hóa, Bắc Nghệ An và Thanh Hóa có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TRỰC TIẾP: Bão số 13 đổ bộ đất liền, Huế - Đà Nẵng mưa to gió giật, phố ngập úng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO