Trưa 26/5: Thêm 40 ca mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột chuyển từ nhẹ sang nặng

Ngọc Hân (T/H)| 26/05/2021 12:55

Việt BáoBản tin 12h ngày 26/5 của Bộ Y tế cho biết, nước ta có thêm 40 ca mắc Covid-19 mới, ghi nhận tại Bắc Giang (27), Bắc Ninh (4), Điện Biên (1), Hải Dương (1), Hà Nội (6), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (1).

Theo Bộ Y tế, những ca bệnh trên có số ký tự bệnh nhân từ (BN5932-5971). Họ đều là F1 của những các bệnh nhân trước đó. Cụ thể như sau:

6 ca bệnh ở Hà Nội đều là F1, đã được cách ly. Họ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 25/5.

Các ca bệnh ở Điện Biên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh cũng đều là F1, đã được cách ly. Họ có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV ngày 26/5.

27 ca ở Bắc Giang liên quan đến các khu công nghiệp đã được phong toả. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, tính đến 12h ngày 26/5, Việt Nam có tổng 5.971 ca mắc Covid-19, 44 ca tử vong. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 2.912 ca, ghi nhận ở 30 tỉnh, thành. Bắc Giang vẫn là địa phương có số lượng người mắc cao nhất với 1.481 trường hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã cử các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, trải qua nhiều đợt dịch lớn từ Đà Nẵng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, TP.HCM để hỗ trợ Bắc Giang.

"Đợt dịch trước lây theo chuỗi nhưng lần này ngoài lây qua chuỗi, virus còn lây qua không khí trong không gian hẹp, môi trường kín, nên nguy cơ lây không chỉ trong vòng 2 m. Tinh thần chung là làm 'sạch' công nhân, từng bước bằng xét nghiệm, nếu không sẽ rất khó dừng chuỗi lây nhiễm này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đến nay đã có 2.794 ca khỏi bệnh. Số ca âm tính lần 1 là 70. Số ca âm tính lần 2 là 21. Số ca âm tính lần 3 trở lên là 69 ca.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê.

Vừa qua, nước ta có một bệnh nhân 38 tuổi tử vong liên quan đến Covid-19 chỉ sau 3 ngày điều trị, dù không có bệnh nền. Nguyên nhân tử vong do có các biểu hiện viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp.

Tại cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế và Bắc Giang diễn ra chiều 25/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, diễn biến bệnh nhân khá nhanh, chuyển biến nhẹ sang nặng đột ngột, khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Vì vậy, ông cho rằng, dù bệnh nhân trẻ hay già, có bệnh nền hay không có bệnh nền đều phải giám sát.

Theo PGS Khuê, trên thế giới cũng đã có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus đợt này. Ở nước ta, qua hội chẩn cũng cho thấy có những ca bệnh biến chuyển rất nhanh. Ông dẫn chứng về ca bệnh được hội chẩn ngày 25/5. Tại thời điểm hội chẩn, chỉ số Sp02 (nồng độ oxy trong máu) vẫn 99% nhưng nhịp thở tăng lên, thể hiện khó thở tăng hơn bình thường nên đã chỉ định đặt oxy để trợ giúp.

"Nếu các thầy thuốc không để ý kỹ, không cảnh báo, chỉ nhìn lượng oxy thấy 99%, dễ chủ quan, trong khi thực tế lâm sàng bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần", PGS Khuê nói.

Vì thế, phải làm sao để nhận ra nguy cơ diễn biến nhanh nhất, kịp thời can thiệp. Hiện các chuyên gia đang họp bàn để đưa ra các tiêu chí đánh giá, ví dụ nhịp thở, nếu tăng lên 22 lần phải cảnh giác ngay, rồi nồng độ oxy trong máu, một số chỉ số lâm sàng khác, khi nhận thấy là phải xử lý ngay để tránh diễn biến nặng.

"Có thể bệnh nhân vẫn thấy khỏe nhưng các chỉ số đó có thay đổi, cảnh báo thì các bác sĩ phải chuyển trạng thái ngay, chuẩn bị sẵn các yếu tố như oxy, máy thở và các phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân", PGS Khuê nhấn mạnh.

Theo PGS Khuê, trong các ca bệnh Covid-19, 80% bệnh nhân ít diễn biến (biểu hiện nhẹ), chỉ điều trị nâng cao thể trạng, đảm bảo không lây truyền chéo. 20% bệnh nhân còn lại, 10% có thể diễn biến thành nặng, 5% diễn biến thành rất nặng, phải có chiến lược cho số bệnh nhân này.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trưa 26/5: Thêm 40 ca mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột chuyển từ nhẹ sang nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO