Trẻ ngày càng cô đơn vì bố mẹ ít thấu hiểu

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 26/04/2022 17:54

Trẻ ngày càng cảm thấy cô đơn, rối loạn tâm lý do áp lực học tập, mâu thuẫn cuộc sống, gia đình và nhà trường, nhưng cha mẹ lại ít quan tâm đến con cái.

cac-benh-ly-than-kinh-tam-than-5.jpeg
Trẻ rất dễ gặp các vấn đề về rối loạn tâm lý - Ảnh: Internet

Bố mẹ chưa quan tâm đến con cái

Mới đây Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019". Cuộc khảo sát này được triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia,

PGS-TS Trần Thị Tuyết Hạnh - Trường Đại học Y tế công cộng, đại diện nhóm nghiên cứu - cho biết một điểm trong khảo sát này cho thấy có những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần.

"Số liệu được thu thập trước khi dịch COVID-19 xảy ra, tuy nhiên đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng.

Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn một trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua. Trong khi đó, tỉ lệ phần trăm bố mẹ đồng hành cùng các con không cao. Đây là điều bậc phụ huynh cần suy nghĩ"- PGS Hạnh nói.

Theo điều tra này, tỉ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%. Chỉ số này cho thấy phụ huynh cần nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng trẻ để biết con đang lo lắng gì, có vấn đề gì. Trẻ ở lứa tuổi này gặp nhiều vấn đề (học hành, yêu đương…).

ThS.BS Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần nhi và trẻ vị thành niên Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết theo các số liệu thống kê đánh giá hàng năm tại bệnh viện thì thấy rằng tỉ lệ trẻ đến khám vì các vấn đề tâm lý liên quan đến trường học nhiều hơn so với trước đây.

Lý giải vấn đề này thì có rất nhiều lý do, đầu tiên là áp lực học tập, thứ hai là tương tác giữa các giới trẻ bây giờ cũng khác so với thời xưa, thứ ba là những quan điểm, những mâu thuẫn trong cuộc sống, đặc biệt là trong gia đình và nhà trường cũng có sự thay đổi.

Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời về vấn đề tâm lý, tâm thần của trẻ, việc đầu tiên sẽ ảnh hưởng là khả năng học tập. Vì khi các cháu có vấn đề, thì khả năng tập trung, ghi nhận thông tin sẽ thay đổi.

Thứ hai là ảnh hưởng đến sự tương tác, khả năng thích nghi với cuộc sống. Để phát hiện được sớm thì đặc biệt là giáo viên, nhà trường cộng với gia đình cần phải hiểu biết những dấu hiệu đầu tiên là vấn đề tâm lý lứa tuổi, sau đó là các vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Các dấu hiệu sớm như là có các vấn đề về giấc ngủ, sự thay đổi về các nề nếp sinh hoạt, hay có các dấu hiệu triệu chứng như căng thẳng, lo lắng như khi phải đi học hoặc khi nhắc đến câu chuyện nào đó ở trường mà trẻ tự dưng thấy không thích. Như vậy, cách chúng ta tiếp cận đầu tiên là trẻ có vấn để về tâm lý trước, sau đó mới nghĩ đến vấn đề bệnh lý.

roi-loan-tam-ly-2524-1622115170.jpeg
Trẻ tư vấn tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: BVCC

Làm gì để giải quyết

Theo TS Thiện vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc phát triển của trẻ, đặc biệt là nhà trường. Khi có những vấn đề ở trường học mà các cháu cũng không thể chia sẻ, không kể lại với bố mẹ, do vậy với giáo viên, hay các cán bộ chuyên trách quản lý học sinh, và đặc biệt là các nhà tâm lý học đường sẽ là những nhóm người phát hiện đánh giá về tâm lý. Đầu tiên là vấn đề về tâm lý, sau đó là sức khoẻ tâm thần.

Thứ hai là về gia đình, các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi mà các con về nhà rồi sẽ đánh giá về sự thay đổi về mặt tâm lý, lối sống, thói quen và sở thích của con thì đấy cũng là một trong các yếu tố để mình phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh.

Các vấn đề phổ biến hay gặp như lo âu, trầm cảm, rối loạn phát triển như tăng động, tự kỷ là những vấn đề thường gặp ở lứa tuổi trẻ em vị thành niên hay kể cả lứa tuổi trẻ em thấp hơn.

Để phòng tránh rối loạn tâm thần tuổi vị thành niên, bác sĩ đưa ra khuyến cáo: Đầu tiên là xuất phát từ gia đình, gia đình phải quan tâm đánh giá sự thay đổi về mặt tính cách qua các giai đoạn theo các lứa tuổi, mỗi một giai đoạn sẽ có đặc điểm tâm lý rất khác nhau, do vậy triệu chứng từng giai đoạn cũng sẽ khác nhau.

Thứ hai là sự quan tâm của nhà trường, đặc biệt của các thầy cô giáo rồi các chuyên gia tâm lý, khi có sự quan tâm thì mình mới đánh giá được sự thay đổi, nếu không đến khi sự thay đổi rõ rệt rồi thì cơ hội và khả năng hồi phục sẽ kém đi rất nhiều.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trẻ ngày càng cô đơn vì bố mẹ ít thấu hiểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO