Tổng công ty Dầu cấm người lao động làm thêm ngoài giờ có đúng luật?

Minh An (t/h)| 16/06/2021 06:23

Việt BáoNhững ngày qua, văn bản của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khuyến cáo người lao động không được làm thêm mùa dịch được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Theo đó, văn bản của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) yêu cầu nếu người lao động thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh Covid - 19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ...thì người lao động làm đơn xin nghỉ việc để Tổng công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật...

Ngay khi công văn lan truyền trên mạng, nhiều ý kiến cho rằng đây là yêu cầu vô lý, vi phạm luật và thiếu tình người trong bối cảnh khó khăn chung.

Tổng công ty Dầu cấm người lao động làm thêm ngoài giờ có đúng luật?-1
Văn bản của Tổng công ty Dầu Việt Nam 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết theo quy định của Bộ luật lao động 2019 người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc và có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động.

Cụ thể Khoản 1 Điều 19 Bộ luật này quy định “Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết”.

Đối với mỗi quan hệ lao động, thì người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động.

Cùng với đó là tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động; Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Tổng công ty Dầu cấm người lao động làm thêm ngoài giờ có đúng luật?-2

“Như vậy pháp luật cho phép người lao động được làm nhiều công việc, giao kết nhiều hợp đồng lao động, miễn là người lao động đảm bảo được sức khỏe, thời gian làm việc; tuân thủ được điều kiện của công việc, hoàn thành công việc, thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết.

Hiện nay không ít trường hợp người lao động làm nhiều công việc để kiếm thêm thu thập. Ngoài công việc chính trong giờ hành chính thì nhiều người còn làm thêm ngoài giờ mà một trong những công việc thu hút người lao động làm thêm là bán hàng, chạy xe ôm, taxi, chạy xe công nghệ, shipper giao hàng...

Đây là những công việc có thể chủ động về thời gian và kiếm được nguồn thu nhập khá ổn tại các thành phố lớn. Với văn bản của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) với nội dung khuyến cáo người lao động không được làm thêm mùa dịch thì nội dung văn bản có phần quá cứng nhắc, hạn chế quyền lợi của người lao động”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Thực tế với tình hình dịch bệnh căng thẳng, phức tạp như hiện nay thì việc khuyến khích người lao động hạn chế làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc phải có biện pháp bảo đảm an toàn khi làm thêm là tốt, tuy nhiên chỉ nên mang tính khuyến khích, tuyên truyền chứ không thể cấm hoặc đề nghị người lao động thôi việc.

Chỉ khi người lao động không đáp ứng được công việc, vi phạm quy định, quy chế của công ty, thường xuyên không hoàn thành công việc,..thì người sử dụng lao động mới có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động 2019.

Thực tế hiện nay rất nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có người bị mất thu thập do tình hình dịch bệnh kéo dài, có nhiều chi phí phải lo toan, nếu không đi làm thêm thì họ có thể đủ kinh tế để trang trải cho cuộc sống.

Những người lao động này khi đi làm thì sẽ phải tuân thủ quy định về phòng chống dịch của công ty cũng như quy định về phòng chống dịch của pháp luật, của địa phương.

Nếu họ có hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh dẫn đến làm lây lan dịch bệnh thì sẽ phải chịu những chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tổng công ty Dầu cấm người lao động làm thêm ngoài giờ có đúng luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO