Tình hình Afghanistan: Mỹ, Taliban... Ai rồi cũng phải thay đổi

Vũ Đăng Minh| 18/08/2021 14:00

Baoquocte.vn. Có người sẽ không thích sự liên hệ này, bởi họ quá khác biệt về nhiều mặt. Nhưng đơn giản vì họ là 2 phía của cuộc chiến tranh Afghanistan và đang chứng tỏ (hoặc muốn chứng tỏ) là thay đổi.

Ngày 17/8, tại Kabul, người phát ngôn phong trào Taliban Zabihullah Mujahid chủ trì cuộc họp báo chính thức sau khi lực lượng này giành chính quyền tại Afghanistan. (Nguồn: AFP)
Người phát ngôn phong trào Taliban Zabihullah Mujahid chủ trì cuộc họp báo đầu tiên sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Afghanistan, ngày 17/8. (Nguồn: AFP)

Taliban sẽ thay đổi?

Ngày 17/8, Taliban tổ chức cuộc họp báo đầu tiên, sau khi giành thắng lợi về quân sự. Cuộc họp báo gửi đến cộng đồng quốc tế những thông điệp trong giai đoạn Taliban định hình chính sách đối nội và đối ngoại.

Thứ nhất, Taliban muốn quan hệ hòa bình cùng các nước khác, có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người.

Thứ hai, ân xá cho tất cả quan chức chính phủ cũ, kêu gọi họ quay lại làm việc.

Thứ ba, phụ nữ sẽ được phép làm việc, học tập và chủ động trong xã hội, trong khuôn khổ Hồi giáo.

Taliban muốn giải tỏa những điều quan ngại nhất của cộng đồng quốc tế. Ngầm sau đó là thông điệp Afghanistan dưới thời Taliban không phải là một quốc gia “xấu xí”, “bất cần”, “đối lập” với phần còn lại của thế giới. Taliban 2.0 sẽ thay đổi!

Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid giải đáp ngắn gọn câu hỏi “vì sao?”: Chúng tôi không muốn có bất kỳ kẻ thù trong hay ngoài nước nào cả.

Dù giành thắng lợi trên chiến trường, nhưng để tiếp tục cầm quyền, Taliban cần được thế giới công nhận về chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế… Nga, Iran lớn mạnh hơn, mà vẫn lao đao vì cấm vận, trừng phạt. Afghanistan đã tan hoang sau 20 năm chiến tranh, sẽ còn khốn khó hơn.

Sự thay đổi mới chỉ bằng tuyên bố. Nhưng ít nhiều, đó cũng là sự suy tính khôn khéo trong giai đoạn mới. Còn tin đến đâu lại là chuyện khác. Bởi với một quá khứ tàn bạo, đẫm máu, khó làm thay đổi cách nhìn của đa số các quốc gia.

Gần như đồng thời, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố: “Canada không có kế hoạch công nhận Taliban là chính phủ Afghanistan. Họ đã tiếp quản và thay thế một chính quyền dân chủ bằng vũ lực”.

Một số nước khác cũng sẽ chưa công nhận Taliban hoặc công nhận có điều kiện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ, việc công nhận phụ thuộc vào hành động của Taliban: “Một chính quyền tương lai phải bảo vệ những quyền cơ bản của người dân, bao gồm cả quyền phụ nữ, cũng như không chứa chấp những phần tử khủng bố”.

Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, Zamir Kabulop cho rằng Taliban sẽ không trở thành kiểu Nhà nước khủng bố Hội giáo tự xưng (IS) và kêu gọi các nước đánh giá dựa trên tình hình thực tế.

Trong cuộc họp báo chiều 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh né tránh trả lời trực tiếp câu hỏi có công nhận Taliban là lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan không.

Bà Hoa Xuân Ánh nói: Trung Quốc tôn trọng quyền của người Afghanistan trong việc tự quyết định vận mệnh của mình. Bắc Kinh hoan nghênh việc Taliban muốn phát triển quan hệ, muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình tái thiết, phát triển Afghanistan… Trung Quốc mong muốn tiếp tục quan hệ hữu nghị, hợp tác với Afghanistan.

Thế cũng đã rõ.

Mỹ cũng thay đổi

Ngày 16/8, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập nhiều vấn đề quan trọng. Ông dành phần lớn thời gian giải thích lý do thất bại, bảo vệ việc rút quân là đúng và phác thảo chính sách của Mỹ với Afghanistan thời Taliban.

Không phải nội dung trọng tâm, nhưng có điều rất đáng chú ý. Tổng thống Joe Biden thừa nhận “sai lầm trong quá khứ, khi quân đội Mỹ ở lại và chiến đấu trong một cuộc nội chiến ở một quốc gia khác”.

Ông cho rằng “sứ mệnh của chúng ta ở Afghanistan chưa bao giờ là xây dựng quốc gia, tạo ra một nền dân chủ tập trung, thống nhất” và “không phải là chống lại lực lượng nổi dậy”.

Tổng thống Joe Biden kết luận “không một lực lượng quân sự nào có thể mang lại cho Afghanistan ổn định, thống nhất, an toàn…”.

Theo ông chủ Nhà Trắng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại là “Những gì chúng tôi không thể cung cấp cho họ (chính phủ, quân đội Afghanistan) là ý chí chiến đấu”.

Điều này đúng. Ý chí chiến đấu không thể do bên ngoài “cho”, không thể có được bằng tiền, vũ khí, cố vấn…

Trong định hướng chính sách đối với Afghanistan, Tổng thống Joe Biden nhắc lại các thay đổi mà ông đã nhiều lần đề cập: Nhưng cách để làm điều đó là không phải là thông qua các đợt triển khai quân sự bất tận. Đó là bằng chính sách ngoại giao, các công cụ kinh tế và tập hợp thế giới tham gia cùng chúng ta.

Ai rồi cũng phải thay đổi
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau bài phát biểu đầu tiên về việc Taliban tiếp quản chính quyền Afghanistan, ngày 16/8 tại Nhà Trắng, thủ đô Washinton D.C.(Nguồn: AFP)

Thay đổi là xu thế, bất kể quốc gia to, nhỏ, trình độ phát triển. Thay đổi để tồn tại, phát triển khi bối cảnh, môi trường quốc tế và tình hình bên trong thay đổi.

Cường quốc như Mỹ hay phong trào Taliban muốn nắm quyền lãnh đạo đất nước khoảng 36 triệu dân, bị nhiều quốc gia phản đối, cũng cần và đến lúc buộc phải thay đổi.

Điều quan trọng là sự thay đổi đó có phù hợp với xu thế không và tác động của nó đối với thế giới, khu vực. Nếu Taliban thực sự thay đổi như tuyên bố, sẽ có lợi cho chính nhân dân Afghanistan và cho cả khu vực.

Những thay đổi từ cuộc chiến tranh Afghanistan, có trở thành chính sách, chiến lược mới của Mỹ hay không? Tác động của nó như thế nào đến thế giới, khu vực và chính nước Mỹ, là điều còn phải chờ đợi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tình hình Afghanistan: Mỹ, Taliban... Ai rồi cũng phải thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO