Tạm giam 3 bị can tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh “chui” vào Việt Nam

Minh An (t/h)| 05/05/2021 18:54

Việt BáoNgày 5/5, liên quan đến vụ hơn 50 người nước ngoài nhập cảnh rồi lưu trú trái phép tại Hà Nội, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can người Trung Quốc về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.

Các đối tượng gồm gồm Chi Jin Hua (sinh năm 1993), Wu Ding Sen (sinh năm 1988) và Guo Long (sinh năm 1984, cùng trú tại Phúc Kiến, Trung Quốc).

Trước đó, vào chiều tối 2/5, lực lượng công an tại Hà Nội bất ngờ kiểm tra căn hộ trong chung cư D’Capitale (số 224 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) thì phát hiện 5 người Trung Quốc đang sinh sống tại đây.

Trong số này có Wu Ding Sen nhập cảnh Việt Nam ngày 27/3, qua Sân bay Quốc tế Nội Bài. Theo công an,  Wu Ding Sen xin visa thông qua một công ty xuất nhập khẩu tại Việt Nam với giá 25.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 87 triệu đồng) để vào Việt Nam tìm việc làm.
Cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) làm việc với nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cư trú trên địa bàn
Sau khi hoàn thành việc cách ly tại Thanh Hóa, Wu Ding Sen về Hà Nội và gặp hai người bạn cùng quốc tịch Trung Quốc. Cả ba chưa tìm được phòng ở nên đã cùng nhau lên mạng tìm thuê nhà ở.
Thông qua người môi giới, Wu Ding Sen thuê được căn hộ chung cư D’Capitale với giá 9 triệu đồng/tuần. Sau đó, có thêm 2 người khác quen biết với Wu Ding Sen cũng chuyển đến căn hộ này.
Mở rộng điều tra, công an xác định một trong số những người ở cùng Wu Ding Sen trước khi chuyển tới đây đã từng lưu trú tại một căn hộ tại chung cư Florence (số 28 Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).
Tiếp đó, lực lượng công an kiểm tra chung cư Florence, phát hiện 46 người nước ngoài khác đang ở tại 9 phòng. Tất cả đều không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nhóm người trên do Guo Long và Chi Jin Hua tổ chức cho ở lại trái phép tại Việt Nam.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật phân tích: “Xuất phát từ nhu cầu lưu trú của người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và sinh sống, thị trường cho người nước ngoài thuê nhà ngày càng phát triển sôi động và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Điều 119 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở, việc cho người nước ngoài thuê nhà cần những điều kiện sau: Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

Còn theo quy định tại Điều 159 Luật Nhà ở 2014, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Từ những cơ sở pháp lý này, có thể thấy, để người nước ngoài được thuê nhà thì phải đáp ứng các điều kiện trên.

Tuy nhiên, trước đây việc người nước ngoài thuê nhà, thuê căn hộ chúng ta không để ý. Chỉ đến khi có dịch Covid bùng phát thì vấn đề này mới được quan tâm.

Chủ nhà đôi khi thích cho người nước ngoài thuê hơn là cho người Việt Nam thuê bởi giá cho thuê cao hơn, họ sẵn sàng bỏ qua các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này, hoặc có thể do một người Việt Nam đứng ra thuê, ký hợp đồng rồi cho người nước ngoài ở.

Không chỉ vậy, chủ nhà đôi khi cũng không quan tâm đến việc ai thuê, thuê để làm gì mà chỉ quan tâm họ nhận đầy đủ tiền cho thuê nhà là được...”.

Trong vụ việc này, được biết đến thời điểm hiện tại, cư dân Florence được thông tin là 9 căn hộ cho 46 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thuê ở do ban quản lý chung cư đứng ra cho thuê giúp chủ hộ.

Nói về trách nhiệm của các ban quản lý (BQL) chung cư đối với cho thuê nhà cho người nước ngoài như thế nào, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật viện dẫn các quy định: “Căn cứ Điều 104 Luật nhà ở 2014 và Điều 41 Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng thì Ban quản trị nhà chung cư có các quyền và nghĩa vụ sau: Đôn đốc, nhắc nhở các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc thực hiện nội quy, quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật nhà ở 2014 và quyết định của Hội nghị nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này...".

Ngoài ra, luật sư cũng cho biết thêm: “Người nước ngoài (NNN) tạm trú tại nhà riêng của Công dân Việt Nam là không bị cấm nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/1/2013 của Chính phủ. Mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng”.

Ở phạm vi rộng hơn, luật sư Bình nêu quan điểm: “Trước tiên cần phải điều tra và làm rõ: Bằng cách nào họ có mặt tại Việt Nam? Ai đã đưa họ vào?... Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của chủ nhà hoặc người đại diện đứng ra cho thuê cũng như người đứng tên trên hợp đồng thuê nhà”.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tạm giam 3 bị can tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh “chui” vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO