Hai con trai quyết đưa bố 80 tuổi ra tòa vì để nhà đất cho cháu ngoại

26/10/2020 12:49

Trước đây, ông Linh đã mua đất, mua nhà cho 2 người con trai nên giờ ông muốn để lại mảnh đất đang ở cho cháu ngoại 19 tuổi. Tuy nhiên, 2 người con của ông kiên quyết phản đối và kiện bố ra tòa.

Chia sẻ với phóng viên, luật sư Hoàng Tùng (Hà Nội) cho biết ông đang tiếp nhận và tư vấn pháp lý cho ông Mai Quang Linh (80 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) một vụ việc tranh chấp tài sản phức tạp.

Theo lời kể của ông Linh với luật sư, vợ ông đã qua đời từ 7 năm trước, các con của ông thỏa thuận đồng ý để ông là người quản lý toàn bộ tài sản chung của 2 ông bà (mảnh đất và căn nhà rộng 50m2 ở quận Hoàng Mai).

Thời điểm đó, ông Linh vẫn khỏe mạnh và có lương hưu nên không ở với các con mà ở cùng cháu ngoại tên Phương. Vì bố mẹ Phương cùng đi nước ngoài làm ăn nên từ nhỏ Phương đã ở với ông bà ngoại, sau khi bà mất thì ông cháu chăm nhau.

Theo ông Linh, Phương là đứa cháu trai ngoan ngoãn, lễ phép và hiểu chuyện, rất có hiếu và thương ông bà. Đến nay, Phương đã 19 tuổi.

Khoảng 1 năm trở lại đây, sức khỏe của ông Linh ngày một yếu đi, bệnh cũ thường xuyên tái phát. Những lúc ông nằm viện, Phương vừa đi học vừa vào viện chăm ông ngoại.

Thương cháu ngoại ngoan ngoãn, hiếu thảo, ông Linh muốn dành cho cháu một phần tài sản. Khi bệnh tình ổn định, sức khỏe khá lên và tinh thần minh mẫn, ông Linh gọi 2 con trai của mình về để thông báo việc ông sẽ lập di chúc để lại mảnh đất và căn nhà hiện tại ông đang sinh sống cho cháu Phương, các con ông vẫn được về căn nhà này để làm giỗ bố mẹ, lễ cúng tổ tiên,…

Ông Linh cho rằng vì 2 con trai của ông đều đã được ông mua nhà, mua đất cho từ trước đó, hiện nay các anh đã yên bề gia thất nên ông muốn để lại mảnh đất này cho người cháu ngoại đã cùng ở với ông.

Thế nhưng, sau khi nghe bố nói, con trai ông Linh lập tức phản đối gay gắt với lý do Phương chỉ là cháu ngoại; bên cạnh đó, đất của ông Linh có một nửa là của người vợ đã mất, ông phải để lại tài sản cho con trai hoặc cháu nội.

Khi ông Linh khẳng định mảnh đất và căn nhà ấy là do ông làm chủ, ông có quyền cho người khác thì gia đình xảy ra tranh cãi lớn. 2 người con trai còn gây sức ép và kiện bố ra tòa, yêu cầu chia di sản thừa kế của người mẹ.

Gần đến ngày tòa án gọi lên làm việc, ông Linh đã tìm đến luật sư xin tư vấn giúp đỡ, với mong muốn thực hiện tâm nguyện của mình về việc dành tài sản cho cháu ngoại - người đã ở cùng, chăm sóc ông nhiều năm qua.

Đánh giá sự việc này, luật sư Hoàng Tùng chia sẻ: Đối với một vụ án dân sự liên quan đến vấn đề chia thừa kế và có tranh chấp giữa những người được hưởng di sản thì các vấn đề trọng tâm luôn được xác định đó là: Di sản để lại thuộc quyền sở hữu của ai? Là tài sản chung hay riêng? Người đã mất có di chúc hay không? Hiện nay di sản do ai trực tiếp sử dụng, quản lý? Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, người được nhận di sản có thỏa thuận hay không? Nội dung và hình thức thỏa thuận có đúng quy định hay không?...

Theo nhận định của luật sư, ông Linh chắc chắn được toàn quyền quyết định phần tài sản của mình. Việc ông Linh đồng ý cho cháu ngoại tài sản nằm trong quyền lập di chúc của ông.

Còn đối với phần tài sản của vợ ông, cần phải xem xét việc trong suốt 7 năm qua ông quản lý, sử dụng ra sao; có sự thỏa thuận của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khi giao lại toàn bộ quyền của họ cho ông hay không.

Theo luật sư, tranh chấp về thừa kế thường xảy ra khi người để lại di sản không để lại di chúc, tâm nguyện; hoặc có nhưng không rõ ràng.

Qua sự việc của ông Linh, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo: "Những người có ý định lập di chúc cần phải tìm hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình để tránh tranh chấp sau này. Còn đối với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, người được nhận di sản cũng nên tôn trọng ý nguyện của người để lại di sản".

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hai con trai quyết đưa bố 80 tuổi ra tòa vì để nhà đất cho cháu ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO