Tin thế giới 8/9: Trung Quốc có ý gì khi nói về chính quyền mới của Taliban? Mỹ tính mổ xẻ tất tật 'vụ Afghanistan'? WHO cảnh báo đau đớn

Hoàng Hà| 08/09/2021 19:20

Taliban công bố chính quyền mới ở Afghanistan và phản ứng quốc tế, quan hệ NATO-Trung Quốc, Nga-Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran, Covid-19, bầu cử Philippines... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 8/9: Trung Quốc có ý gì khi nói về chính quyền mới của Taliban? Mỹ tính mổ xẻ tất tật 'vụ Afghanistan'? WHO cảnh báo đau đớn
Các thành viên đầu tiên của chính phủ mới do Taliban lập nên ở Afghanistan.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với chính quyền mới do Taliban lập nên ở Afghanistan

Ngày 7/9, Taliban đã công bố các thành viên đầu tiên trong chính phủ mới do phong trào này lập nên ở Afghanistan. Mỹ, Nga, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho hay, chưa vội công nhận chính quyền mới ở quốc gia Tây Nam Á này.

Trong khi đó, ngày 8/9, khi được hỏi liệu có công nhận chính phủ mới này không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với chính phủ và nhà lãnh đạo mới ở Afghanistan.

Bên cạnh đó, ông Uông nhấn mạnh, Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Tây Nam Á này.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ thông tin được truyền thông đăng tải trước đó cho rằng, căn cứ không quân cũ Bagram của Mỹ ở Afghanistan có thể được giao cho Bắc Kinh.

Người phát ngôn Văn phòng Chính trị của Taliban tại Qatar sau đó cũng đã bác bỏ thông tin trên. (Reuters, TASS)

Ngoại trưởng Mỹ sắp điều trần về Afghanistan

Báo The Hill đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken sẽ điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về việc quân đội nước này rút khỏi Afghanistan vào ngày 14/9.

Cuộc điều trần nhằm làm rõ lý do vì sao Bộ Ngoại giao Mỹ không chuẩn bị cho các trường hợp bất trắc trong quá trình sơ tán khỏi Kabul.

Thượng viện sẽ xem xét các cuộc đàm phán bất thành của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với Taliban và hoạt động rút quân không thành công của Mỹ do chính quyền của nhà lãnh đạo đương nhiệm Joe Biden phối hợp thực hiện.

Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói: “Ủy ban sẽ tìm cách giải quyết đầy đủ những thiếu sót này, cũng như đánh giá lý do tại sao lực lượng quốc phòng và an ninh quốc gia Afghanistan lại đầu hàng Taliban nhanh chóng như vậy”.

Trung Quốc phản đối NATO xem nước này là mối đe dọa hạt nhân

Ngày 7/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Bắc Kinh bị xúc phạm trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục thổi phồng lý thuyết mối đe dọa hạt nhân từ nước này.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm cả việc xây dựng quy mô lớn các hầm chứa tên lửa hạt nhân mới.

Phát biểu họp báo, ông Uông Văn Bân nói: "Bắc Kinh bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối việc NATO thường xuyên thổi phồng lý thuyết về mối đe dọa hạt nhân Trung Quốc". (Sputnik)

Nga-Mỹ: Các cuộc tham vấn về ổn định chiến lược sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9

Ngày 8/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, các cuộc tham vấn giữa Nga và Mỹ về ổn định chiến lược sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Nhà ngoại giao Nga cho hay, các quan chức nước này đang liên lạc với phía Mỹ, gồm cả các cuộc điện đàm và sẽ tiếp tục cho đến khi cuộc gặp trực tiếp diễn ra.

Theo ông Ryabkov, cuộc tham vấn được tổ chức theo hình thức liên ngành nên sẽ cần thời gian để sắp xếp và điều phối kế hoạch phù hợp với các đại diện tham gia.

Vòng tham vấn trực tiếp đầu tiên về ổn định chiến lược giữa Nga và Mỹ trong năm 2021 diễn ra vào tháng 7 tại Geneva. Tại cuộc tham vấn khi đó, phái đoàn Nga do ông Ryabkov dẫn đầu, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman làm trưởng phái đoàn Mỹ. (TASS)

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Đặc phái viên Mỹ sang Nga và Pháp tìm cách cữu vãn JCPOA

Ngày 7/9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Đặc phái viên của nước này về Iran Robert Malley sẽ có chuyến thăm tới Nga và Pháp trong tuần này để thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran.

Thông báo của bộ trên nêu rõ: “Đặc phái viên Malley và một phái đoàn nhỏ sẽ tới Moscow và Paris từ ngày 7-10/9 tham gia các cuộc tham vấn với các đối tác Nga và châu Âu về chương trình hạt nhân của Iran và sự cần thiết phải nhanh chóng đạt được và thực thi thỏa thuận sơ bộ về việc hai bên tuân thủ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA)”.

Một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, ông Malley sẽ gặp các quan chức Nga tại Moscow vào ngày 8-9/9 và các quan chức Pháp, Anh, Đức, Liên minh châu Âu (EU) tại Paris trong ngày 10/9.

Tướng an ninh Nga và tư lệnh tình báo Mỹ dồn dập đến Ấn Độ

Ngày 7/9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Tướng Nikolai Patrushev đã bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới New Delhi theo lời mời của Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval để thảo luận về tình hình Afghanistan.

Báo The Indian Express dẫn các nguồn tin cho biết, cũng trong ngày 7/9, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J Burns đã tới New Delhi để tiến hành tham vấn với các lãnh đạo hàng đầu của Ấn Độ về tình hình đang diễn biến nhanh chóng ở Afghanistan. (The Indian Express, India Today)

Covid-19: WHO đưa ra cảnh báo đau đớn

Tại cuộc họp báo ngày 7/9, Giám đốc điều hành của Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho hay: "Tôi nghĩ SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 vẫn sẽ tồn tại cùng chúng ta và giống như virus cúm, nó sẽ phát triển để trở thành một trong những loại virus khác ảnh hưởng đến chúng ta".

Ông Ryan nói thêm: "Mọi người nói rằng chúng ta sẽ loại bỏ hoặc xóa sổ virus. Không! Chúng ta sẽ không làm được điều đó. Chúng ta không thể".

Quan chức WHO nhấn mạnh, Covid-19 sẽ không biến mất ngay cả khi các nước tăng cường tiêm chủng và triển khai các nỗ lực phòng ngừa. (The Hill)

Philippines: Tổng thống Duterte chấp nhận ra ứng cử chức phó tổng thống

Ngày 8/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, ông chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ Philippines - Quyền lực Nhân dân (PDP-Laban) để ra tranh cử chức Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử năm tới.

Theo Hiến pháp Philippines, ông Duterte không được đảm nhận vị trí tổng thống trong nhiệm kỳ thứ 2. Trợ lý lâu năm của Tổng thống Duterte, thượng nghị sĩ Christopher "Bong" Go được đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng PDP-Laban trong cuộc bầu cử vào tháng 5/2022.

Trong khi đó, ông Christopher "Bong" Go thông báo đã từ chối đề cử nói trên của đảng PDP-Laban. (Reuters)

Morocco bắt đầu bầu cử quốc hội

Ngày 8/9, các cử tri Morocco bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội theo luật mới, vốn được cho là sẽ khiến Đảng Công lý và Phát triển Hồi giáo (PJD) gặp khó khăn hơn nhiều trong việc duy trì ưu thế đảng lớn nhất.

Cuộc bỏ phiếu sẽ bầu ra 395 nghị sĩ tại Hạ viện, cùng hơn 31.000 đại biểu địa phương và khu vực. Theo Bộ Nội vụ Morocco, khoảng 17,5 triệu công dân nước này đủ điều kiện bỏ phiếu. Ngoài ra, còn có 4.500 quan sát viên Morocco và 100 cơ quan quốc tế tham gia giám sát tiến trình bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này.

PJD - lực lượng đã giành chiến thắng trong 2 cuộc bầu cử gần nhất để đứng đầu chính phủ Morocco suốt 10 năm qua - sẽ tham gia cuộc chạy đua với 2 đồng minh trong chính phủ là đảng Dân chủ Quốc gia và đảng Độc lập, bên cạnh thách thức từ phe đối lập.

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh của Morocco sẽ được tổ chức trong ngày 21/9 và cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra vào ngày 5/10. (Reuters)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 8/9: Trung Quốc có ý gì khi nói về chính quyền mới của Taliban? Mỹ tính mổ xẻ tất tật 'vụ Afghanistan'? WHO cảnh báo đau đớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO