Tin thế giới 7/9: EU đòi trừng phạt thành viên; Australia nói Trung Quốc 'mơ hồ có chủ ý'; Mỹ thề bắt Taliban phải tuân thủ điều này

Hoàng Hà| 07/09/2021 19:45

Căng thẳng giữa EU với Ba Lan, Belarus, tình hình Afghanistan, Australia phản ứng về luật hàng hải sửa đổi gây tranh cãi của Trung Quốc, quan hệ Nga-Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Mỹ-Iran... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 7/9: EU tính trừng phạt nước thành viên; Trung Quốc chơi trò mơ hồ có chủ ý trên biển; Mỹ tuyên bố sẽ bắt Taliban phải tuân thủ điều này
EU và Ba Lan đang vướng mâu thuẫn nghiêm trọng liên quan hệ thống tư pháp của Warsaw. (Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

EU-Ba Lan: EU đề nghị Tòa án Công lý châu Âu trừng phạt Ba Lan

Ngày 7/9, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) áp đặt các khoản phạt thường nhật với Ba Lan cho tới khi nước này tuân thủ một lệnh tạm dừng những cải cách mà Liên minh châu Âu (EU) cho là phá hoại sự độc lập tư pháp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ: "Các hệ thống tư pháp khắp EU phải độc lập và công bằng".

EU và Ba Lan đang vướng căng thẳng gay gắt liên quan việc cải cách hệ thống tư pháp của Warsaw mà EU cho là không phù hợp với hệ thống tư pháp của khối này. (AFP)

EU-Belarus: EU đánh giá tình hình tại biên giới Belarus để ra quyết định về trừng phạt

Ngày 6/9, người phát ngôn EC Peter Stano tuyên bố, EU đang tiếp tục đánh giá cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus.

Theo ông Stano, EU sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Belarus vào bất cứ lúc nào tất cả 27 nước thành viên nhất trí là thời điểm phù hợp để gia tăng sức ép. Nhằm đạt mục tiêu này, EU đang giám sát chặt chẽ "nhiều mặt" ở Belarus.

Lithuania, Latvia và Ba Lan cáo buộc Belarus để người di cư tràn vào EU nhằm trả đũa việc Brussels áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Minsk. Belarus bác bỏ, nói rằng, nước này không còn khả năng giữ vững an ninh biên giới.

Căng thẳng đã leo thang trong những tuần gần đây, khi EU xem xét khả năng áp đặt một gói trừng phạt mới liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư. (Sputnik)

Australia phản ứng trước luật hàng hải sửa đổi của Trung Quốc

Ngày 7/9, nhật báo The Sydney Morning Herald dẫn ý kiến của người phát ngôn Bộ Quốc phòng và một số chuyên gia an ninh Australia phản đối Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc, trong đó đưa ra các yêu cầu nhằm kiểm soát hoạt động của tàu nước ngoài đi vào cái mà Bắc Kinh gọi là "vùng lãnh hải của Trung Quốc".

Tờ báo này cho biết, Bộ Quốc phòng Australia bác bỏ các yêu cầu trên và người phát ngôn của Bộ này lưu ý: “Điều quan trọng là bất kỳ yêu cầu nào như vậy phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS)”.

Tờ báo dẫn lời giáo sư Stuart Kaye thuộc Trung tâm Tài nguyên và An ninh Đại dương tại Đại học Wollongong nhận xét, việc Trung Quốc không công bố các tọa độ của “các vùng lãnh hải” của nước này là một “sự mơ hồ có chủ ý”, vì nếu công bố, Bắc Kinh sẽ phải giải trình các tuyên bố của mình.

Tờ báo của Australia cũng cảnh báo về một đạo luật khác của Trung Quốc cho phép các tàu hải cảnh của Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài, được Bắc Kinh ban hành trong năm nay nhưng chưa sử dụng đến.

Afghanistan: Ngoại trưởng Mỹ khẳng định sẽ buộc Taliban tuân thủ điều này

Ngày 7/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, nước này đã liên hệ với Taliban và lực lượng này đảm bảo sẽ để những người có giấy tờ thông hành được tự do rời khỏi Afghanistan.

Ông Blinken nêu rõ: "Chúng tôi sẽ buộc họ tuân thủ điều đó. Toàn thể cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi Taliban thực hiện cam kết", đề cập nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hối thúc đảm bảo hành lang an toàn nhằm tạo điều kiện cho những người có nguyện vọng rời đi.

Liên quan việc công nhận Taliban, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, việc Washington công nhận phong trào Hồi giáo này là ban lãnh đạo mới ở Afghanistan còn "rất xa vời".

Cùng ngày, Taliban thông báo, công tác chuẩn bị cho việc ra mắt chính quyền mới đã hoàn tất, trong khi Nga cho hay, Moscow sẽ chấp nhận lời mời tham dự buổi lễ ra mắt nếu đó là một chính phủ đa đại diện.

Trong khi đó, cũng trong ngày 7/9, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, "không cần phải vội vàng" công nhận quyền điều hành Afghanistan của Taliban, đồng thời cho biết, Ankara vẫn đang tổ chức các cuộc thảo luận về việc vận hành sân bay chiến lược tại Kabul.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tỏ ra thận trọng về mối quan hệ trong tương lai giữa nước này với Taliban, cho rằng chính phủ mới của Afghanistan cần mang tính bao trùm và toàn diện, cho phép phụ nữ và đại diện một loạt nhóm sắc tộc được đảm nhận các vị trí cấp bộ trưởng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglu cho rằng, cộng đồng quốc tế nên kiên nhẫn chờ đợi và theo dõi trước khi công nhận quyền điều hành của Taliban. (AFP, Reuters)

Nhật Bản nêu quan điểm về cơ chế thuế đặc biệt trên quần đảo tranh chấp với Nga

Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho rằng, chế độ thuế đặc biệt trên quần đảo Kuril - mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc - do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất cần tuân thủ luật pháp của cả hai nước.

Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Motegi nói: “Chính phủ Nhật Bản thống nhất quan điểm rằng một chế độ như vậy và các hoạt động kinh tế chung không được đi ngược lại luật pháp của cả hai nước”.

Ông Motegi cho biết, nhà lãnh đạo Nga đã một lần nữa nói đến sự vô lý trong tình hình hiện nay khi vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình nào giữa Tokyo và Moscow.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản nói thêm: “Trên cơ sở lập trường đã nói, chúng tôi muốn tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng với Nga để tạo điều kiện thích hợp cho việc ký kết một hiệp ước hòa bình”. (Sputnik)

Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên không vi phạm thỏa thuận liên Triều

Ngày 7/9, trong phiên họp Ủy ban Ngoại giao và Thống nhất Quốc hội Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Choi Jong-kun cho rằng, việc Triều Tiên tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyun không vi phạm thỏa thuận đạt được tại các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Ông Choi cho biết thêm, Triều Tiên đã có các động thái thực thi rõ ràng Tuyên bố chung Panmunjom ngày 27/4/2018 và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018, như phá hủy bãi thử vũ khí hạt nhân và bãi thử tên lửa.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình qua cơ quan tình báo Hàn-Mỹ. Nếu Triều Tiên tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyun thì có thể coi đây là một "tín hiệu" phát đi từ Bình Nhưỡng.

Mặt khác, liên quan tới việc Quốc hội Mỹ thảo luận việc bổ sung thêm Hàn Quốc vào liên minh tình báo "Five Eyes" (Ngũ Nhãn), Thứ trưởng Choi cho biết, Seoul chưa hề xem xét chính thức việc gia nhập liên minh này.

Cùng ngày, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, nước này, Mỹ và Nhật Bản đang điều chỉnh các chi tiết để tổ chức cuộc họp 3 bên giữa các đặc phái viên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên tại Tokyo vào tuần tới.

Theo quan chức trên, cuộc họp 3 bên dự kiến diễn ra vào ngày 14/9 với sự tham gia của các đặc phái viên Noh Kyu-duk của Hàn Quốc, Sung Kim của Mỹ và Takehiro Funakoshi của Nhật Bản, tập trung thảo luận về viện trợ nhân đạo và các biện pháp khác nhằm khuyến khích Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. (Yonhap)

Iran cảnh báo Mỹ về thất bại lớn của đàm phán hạt nhân

Ngày 6/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cảnh báo chính quyền Mỹ rằng, việc tiếp tục quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump đối với thỏa thuận hạt nhân sẽ chỉ mang lại “thất bại lớn nhất”.

Phát biểu họp báo hàng tuần, người phát ngôn Saeed Khatibzadeh lưu ý, Mỹ nên tới Vienna (Áo) với một chương trình nghị sự thực chất nhằm tiếp tục các cuộc đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), và thực hiện đầy đủ các cam kết theo thỏa thuận này.

Ông nhấn mạnh: “Đó là cách duy nhất góp phần khôi phục JCPOA”.

Phản ứng trước tuyên bố của Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cho rằng Washington “không thể đợi mãi” xem Tehran quyết định có muốn khởi động lại đàm phán JCPOA hay không, ông Khatibzadeh nhấn mạnh, Mỹ là bên đã rút khỏi thỏa thuận, vi phạm nghị quyết và đe dọa trừng phạt những người thực thi thỏa thuận.

Ông khẳng định Tổng thống Iran Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã gửi đi những thông điệp rõ ràng về việc tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân, đồng thời nhắc lại rằng các cuộc đàm phán phải đảm bảo lợi ích của người dân Iran trong khuôn khổ JCPOA.

Theo ông Khatibzadeh, cơ hội vẫn đang mở ra cho Washington nhưng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời hy vọng các quan chức Mỹ sẽ biết cách để thực hiện các cam kết theo JCPOA. (THX)

Algeria ngừng cung cấp khí đốt cho Tây Ban Nha thông qua Morocco

Ngày 6/9, hãng tin Sputnik của Nga cho biết, Algeria sẽ không gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt cho Tây Ban Nha bằng tuyến đường ống đi qua lãnh thổ Morocco. Thay vào đó, lượng khí đốt xuất khẩu tới quốc gia châu Âu này sẽ được vận chuyển thông qua một đường ống khác nối trực tiếp Algeria với Tây Ban Nha.

Morocco hiện đang được hưởng một phần khí đốt tự nhiên từ đường ống Maghreb-Europe đi qua lãnh thổ nước này, nối Algeria với Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, quan hệ hai nước lâm vào căng thẳng trong thời gian gần đây, khi Algeria thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước láng giềng Morocco với lý do vương quốc này không ngừng tiến hành những hành động thù địch với Algiers.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 7/9: EU đòi trừng phạt thành viên; Australia nói Trung Quốc 'mơ hồ có chủ ý'; Mỹ thề bắt Taliban phải tuân thủ điều này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO