Tin thế giới 6/8: Nga-Ukraine 'đấu khẩu' về Crimea, Donbass; Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc ở Afghanistan? Pháo, tên lửa bay ‘đỏ trời’ Israel-Lebanon

Quang Đào| 06/08/2021 19:45

Baoquocte.vn. Nga-Ukraine lại tiếp tục căng thẳng; Israel và Lebanon có thể rơi vào trạng thái đối đầu? Tân Tổng thống Iran nhậm chức... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Tin thế giới 27/1: Ông Biden lập kỷ lục, cấm gọi 'virus Trung Quốc'; Bắc Kinh phản pháo Ấn Độ; Nguy cơ Nga tiếp tục đối mặt biểu tình vì ông Navalny

Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Căng thẳng Nga-Ukraine:

Moscow phản pháo việc Ukraine nói Crimea không phải của Nga

Ngày 3/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng bán đảo Crimea không bao giờ là của Nga.

Tuy nhiên, ngày 5/8, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Bikantov khẳng định, bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga là điều không cần phải thảo luận.

"Vấn đề Crimea đã được giải quyết và kết thúc. Vì vậy, Nga không quan tâm đến bất kỳ tuyên bố nào từ các nước khác về một vấn đề đã được giải quyết. Những tuyên bố này không thể được xem xét một cách nghiêm túc" - ông Bikantov nhấn mạnh. (TASS)

Ukraine cảnh báo dân Donbass nên về Nga

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Dom TV, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, việc ở lại Donbass là một sai lầm lớn đối với những công dân coi mình là người Nga và khuyên họ nên đến Nga mà sống.

"Tôi nghĩ rằng nếu bạn sống trên lãnh thổ Donbass ngày nay, nơi đang bị chiếm đóng tạm thời và bạn nghĩ rằng 'nguyên nhân của chúng tôi là đúng, chúng tôi cần ở bên Nga, chúng tôi là người Nga', thì đó là một sai lầm lớn khi tiếp tục sống ở đó. Donbass sẽ không bao giờ trở thành lãnh thổ của Nga. Không bao giờ. Nó đã bị chiếm đóng bao lâu không quan trọng, nó giống như bức tường đã từng ở Đức ", ông nói.

Đồng thời, Tổng thống Ukraine đã phát biểu với những người Ukraine ở Donbass và bày tỏ tin tưởng rằng khu vực này sẽ trở lại là một phần của Ukraine.

Bình luận về những quan điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, những phát biểu của Tổng thống Ukraine là phản tác dụng.

Bà cũng nói rằng "Tổng thống Ukraine đang mở đường cho việc đầu hàng chủ quyền của đất nước bằng cách lặp lại các nhận xét về sự cần thiết phải chấm dứt việc chiếm đóng Donbass trong tưởng tượng." (TASS/Sputnik)

Nga tập trận rầm rộ với Trung Quốc và Belarus

Nga có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận liên tiếp với hàng nghìn binh lính dọc biên giới phía Đông và phía Tây tiếp giáp Trung Quốc và Belarus.

Cuộc tập trận đầu tiên mang tên Zapad-Interaction 2021 dự kiến bắt đầu ngày 9/8 tại Căn cứ Huấn luyện chiến đấu hỗn hợp Thanh Đồng Hạp ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc. Đây là cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc với quy mô khoảng 10.000 binh lính cùng nhiều khí tài quân sự từ hai bên.

"Nhằm mục tiêu chống khủng bố và duy trì sự ổn định, cuộc tập trận Zapad-Interaction 2021 là dịp để quân đội Trung Quốc và Nga tổ chức các bài diễn tập tấn công nhiều lực lượng khủng bố khác nhau. Lực lượng đặc nhiệm hai bên sẽ hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ các cao điểm và chiến hào theo kế hoạch lập sẵn, sau đó tiến hành thâm nhập sâu vào đội hình đối phương", quân đội Trung Quốc cho hay.

Cũng trong thời gian này, Nga đã lập kế hoạch cho cuộc tập trận Zapad diễn ra ở Belarus. Sự kiện này sẽ có khoảng 12.800 binh lính tham gia, chủ yếu đến từ Belarus và khoảng 2.500 binh lính Nga.

Cuộc tập trận này diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và phương Tây leo thang. Nga đã cam kết ủng hộ Belarus trước những mối đe dọa tới sự ổn định của nước này. (TASS/THX)

Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc đảm bảo hòa bình cho Afghanistan

Ngày 5/8, Mỹ cho biết Washington vẫn có thể làm việc cùng Bắc Kinh nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định cho Afghanistan sau khi rút quân ra khỏi nước này.

Cụ thể, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết vấn đề về Afghanistan là một trong những vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc có cùng lợi ích.

Ông Price nói thêm rằng, việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Afghanistan không phải là nhiệm vụ của riêng Mỹ hay riêng một quốc gia nào, mà là nhiệm vụ của cộng đồng quốc tế. (SCMP)

Cố vấn An ninh Mỹ thăm Brazil

Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan ngày 5/8 đã có chuyến thăm Brazil nhằm thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có an ninh khu vực, biến đổi khí hậu và hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19.

Theo Đại sứ quán Mỹ tại Brazil, chuyến thăm của ông Sullivan là chuyến thăm cấp cao nhất của Mỹ tới Brazil kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nắm quyền điều hành đất nước gần 8 tháng trước và nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Sullivan đã hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Jair Bolsonaro và gặp 3 thống đốc bang ở khu vực Amazon để thảo luận về những kế hoạch và chiến lược chống biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, tình trạng khai mỏ bất hợp pháp cũng như bảo vệ các quyền của người bản địa. (Reuters)

Mỹ-Hàn Quốc tổ chức cuộc tham vấn cấp cao đầu tiên về vấn đề Triều Tiên

Ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo các quan chức Mỹ-Hàn đã gặp mặt trong tuần này để thảo luận về cách thức phối hợp các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Theo đó, cuộc tham vấn cấp cao đầu tiên diễn ra tại Soeul ngày 4/8 giữa Phó đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Jung Pak và các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Bộ Thống nhất, Văn phòng Tổng thống và Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc.

Theo thông báo, tại cuộc tham vấn, hai bên đã thảo luận về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên , triển vọng hợp tác nhân đạo, hợp tác về vấn đề Triều Tiên với các bên tại các diễn đàn đa phương, trong đó có hợp tác 3 bên với Nhật Bản.

Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết 2 bên cũng thảo luận về các dự án liên Triều mà 2 miền Triều Tiên có thể tự triển khai. Thông báo của Bộ trên nêu rõ, bên cạnh việc thảo luận về các nhiệm vụ mà Hàn Quốc và Mỹ nên hợp tác thực hiện, quan chức hai bên cũng bàn về các nhiệm vụ mà 2 miền Triều Tiên có thể hợp tác triển khai một cách độc lập. (Yonhap)

Israel và Lebanon liên tục không kích lẫn nhau

Truyền thông Israel trưa 6/8 đưa tin, một số quả tên lửa đã được phóng từ Lebanon nhằm vào miền Bắc Israel.

Hệ thống còi báo động đã được kích hoạt ở khu vực giáp biên giới với Lebanon. Các khu vực Ein Kuniya, Snir và Neve Ativ thuộc Cao nguyên Golan và khu vực phía Bắc hồ Galilee đã báo động tên lửa để cư dân tìm nơi trú ẩn an toàn.

Hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) đã được kích hoạt để đánh chặn các tên lửa, trong khi 2 quả tên lửa đã rơi xuống thị trấn Ein Qiniyye và Neve Ati.

Sau đó, Lực lượng vũ trang Israel (IDF) đã triển khai xe tăng nã pháo vào miền Nam Lebanon ngay sau khi xảy ra vụ phóng tên lửa từ Lebanon vào lãnh thổ Israel.

Trong khi đó, Lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon ngày 6/8 cho biết đã bắn hàng chục quả đạn pháo vào gần các vị trí của Israel tại khu vực nông trường Shebaa đang có tranh chấp.

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã triệu tập phiên họp khẩn cấp cùng Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Israel (IDF) Aviv Kohavi tại Tel Aviv. (AFP/AP)

Tân Tổng thống Iran nhậm chức

Ngày 5/8, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi đã chính thức tuyên thệ nhậm chức trước quốc hội trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia điêu đứng vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, cuộc khủng hoảng y tế vì đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khắc phục và tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân vẫn đầy chông gai.

Phát biểu tại lễ nhậm chức được truyền hình trực tiếp, tân Tổng thống Iran bày tỏ mong muốn được góp sức mình để xây dựng một đất nước Iran mạnh hơn, gắn kết với thế giới hơn.

Ông cũng nhắc lại lập trường của mình rằng, việc thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông.

Ông Raisi cũng khẳng định, chương trình hạt nhân Iran đang theo đuổi là vì mục đích hoà bình. Tân Tổng thống nêu rõ theo sắc lệnh của Lãnh tụ Tối cao, Iran cấm vũ khí hạt nhân và loại vũ khí này không nằm trong chiến lược phòng thủ của Tehran. (Al Jaazera)

Nhật Bản tưởng niệm 76 năm vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima

Ngày 6/8, thành phố Hiroshima của Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm 76 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống nơi này. Buổi lễ có sự góp mặt của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cùng nhiều quan chức trong nước và quốc tế khác.

Buổi lễ tưởng niệm năm nay được tổ chức với quy mô 880 khách, giảm 10% so với mức thông thường hàng năm.

Sau phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của thảm họa, Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui đã có bài phát biểu kêu gọi các nước trên thế giới ủng hộ Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc, đồng thời chuyển từ quan niệm răn đe hạt nhân sang đối thoại xây dựng niềm tin.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh tới sự kiên trì với các sáng kiến giải trừ hạt nhân trong bối cảnh môi trường an ninh nghiêm trọng và sự khác biệt ngày càng lớn về quan điểm giữa các quốc gia.

Mặc dù không xuất hiện trực tiếp nhưng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng gửi video kêu gọi tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc thiếu tiến bộ hướng tới mục tiêu này. (RT)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 6/8: Nga-Ukraine 'đấu khẩu' về Crimea, Donbass; Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc ở Afghanistan? Pháo, tên lửa bay ‘đỏ trời’ Israel-Lebanon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO