Tin thế giới 22/9: Pháp đanh thép - ghế này là của chúng tôi! Tổng thống Belarus tính chuyển giao vài quyền lực? AUKUS là cú sốc với NATO?

Hoàng hà| 22/09/2021 19:45

Tin đồn Pháp đánh đổi "ghế" ở HĐBA, vụ ám sát chấn động ở Ukraine, dư luận quốc tế quanh AUKUS, Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ, Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76... là một số tin quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 22/9: Tổng thống Belarus tính chuyển giao vài quyền lực? Nga nói AUKUS là cú sốc với NATO; Pháp tuyên bố chiếc 'ghế'
Paris tuyên bố vị trí thành viên thường trực HĐBA LHQ 'sẽ mãi là của Pháp'.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Pháp đanh thép: Chiếc ghế này là của chúng tôi!

Ngày 22/9, Nhật báo Telegraph viện dẫn lời một thành viên của Nghị viện châu Âu cho biết, Pháp sẽ cân nhắc đổi vị trí thường trực của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để nhận được sự ủng hộ từ các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác về kế hoạch thành lập quân đội EU mà Paris đề xuất.

Ngay lập tức, một người phát ngôn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: "Chúng tôi chính thức phủ nhận tin tức này. Chiếc ghế này là của chúng tôi và sẽ mãi như vậy. Chúng tôi phối hợp với EU nhiều nhất có thể và sẽ giữ trọn vẹn chủ quyền".

Pháp là một trong 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ cùng với Anh, Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Macron cũng đã thẳng thừng bác bỏ một thông tin của Telegraph. (AFP, Reuters)

Tổng thống Belarus dự kiến thảo luận về việc chuyển giao một số quyền lực

Ngày 21/9, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta đưa tin, Tổng thống nước này Alexander Lukashenko cho biết, ông đã lên kế hoạch vào tuần tới để thảo luận về khả năng chuyển giao một số quyền lực của Tổng thống cho chính phủ và chính quyền địa phương.

Hiện chưa xác định được ông Lukashenko đề cập tới quyền lực nào. Vào năm ngoái, nhà lãnh đạo Belarus đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn nhất trong suốt 27 năm cầm quyền, song đã vượt qua với sự hỗ trợ của Nga. (Reuters)

Ukraine: Trợ lý hàng đầu của Tổng thống bị mưu sát

Ngày 22/9, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho biết, xe riêng chở trợ lý số 1 Sergei Shefir của Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky bị tấn công ở gần làng Lesnyky, ngoại ô thủ đô Kiev và trúng hơn 10 phát đạn.

Lái xe của ông Shefir bị thương nặng song quan chức Ukraine may mắn không bị thương. Sau khi xảy ra vụ việc, ông Shefir đã được đưa đến một địa điểm an toàn.

Ông Shefir là một trong số quan chức thân cận nhất với Tổng thống Zelensky, đứng đầu nhóm cố vấn cho nhà lãnh đạo Ukraine. Hiện Tổng thống Zelensky đang ở Mỹ để tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Khóa họp 76 của Đại hội đồng LHQ và đã được thông báo về vụ ám sát này.

Giới chức Ukraine đã mở một cuộc điều tra. (Sputnik)

Nga nói AUKUS là cú sốc với NATO, Indonesia lo ngại căng thẳng khu vực gia tăng

Ngày 22/9, dư luận quốc tế tiếp tục có những nhận định xung quanh hiệp định an ninh 3 bên của Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, AUKUS là "bất ngờ tuyệt đối và là cú sốc" đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - các đồng minh của chính Mỹ và Anh - chứ không phải là cú sốc đối với các quốc gia mà AUKUS coi là đối thủ và tìm cách ứng phó.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, nước này đang theo dõi sát sao, đồng thời bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau khi AUKUS được công bố.

Trong khi đó, Ấn Độ đã có phản ứng đầu tiên về AUKUS, cho rằng, thỏa thuận này khác tính chất với nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia), đồng thời không liên quan và cũng sẽ không có bất kỳ tác động nào đến chức năng của Bộ tứ.

Về phía EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic nhận định: “Sau Afghanistan và AUKUS, lẽ tự nhiên là EU cần tập trung hơn cho tự chủ chiến lược”. (AFP, Reuters, PTI)

Australia đặt điều kiện cho việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc

Vào tuần trước, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời vận động hành lang để giành được sự ủng hộ của các nước thành viên, trong đó có Australia.

Ngày 22/9, Bộ Trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết, Trung Quốc sẽ phải giải quyết các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xuất phát từ hàng loạt lệnh trừng phạt mang tính chính trị đối với hàng nhập khẩu của Australia nếu Bắc Kinh hy vọng gia nhập CPTPP.

Ông Tehan cũng cho biết, bất kỳ thành viên mới nào cũng phải đáp ứng, thực hiện và tuân thủ các tiêu chuẩn cao của Hiệp định, cam kết của WTO cũng như các thỏa thuận thương mại hiện có của họ. (AFP)

Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Kỳ vọng

Từ ngày 22-25/9, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden với các chặng dừng chân là New York và Washington.

Trong thông báo trước chuyến thăm, nhà lãnh đạo Ấn Độ nêu rõ: "Chuyến thăm sẽ là cơ hội để tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn cầu Toàn diện với Mỹ, củng cố quan hệ với các đối tác chiến lược là Nhật Bản và Australia và tiếp tục hợp tác về những vấn đề toàn cầu quan trọng".

Chương trình nghị sự song phương sẽ bao gồm các cuộc họp với ông Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris, để xem xét lại quan hệ giữa hai nước cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu và khu vực có cùng lợi ích.

Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ trực tiếp đầu tiên vào ngày 24/9. Trong cuộc họp, các bên nhắc lại những thành quả của hội nghị trực tuyến hồi tháng 3 và đặt ra những ưu tiên cho những cuộc gặp tương lai.

Ông Modi còn cho hay: "Tôi cũng sẽ gặp Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide để đánh giá về mối quan hệ song phương vững mạnh với các nước này và tiếp tục những trao đổi hữu ích về các vấn đề khu vực và toàn cầu".

Chặng dừng chân cuối cùng của ông Modi sẽ là bài diễn văn tại phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng LHQ. (Sputnik)

Triều Tiên: Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên

Ngày 21/9, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế "huy động sức mạnh" cho việc ra một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 theo khuôn khổ 3 bên Mỹ-Hàn-Triều hoặc 4 bên Mỹ-Hàn-Triều-Trung.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc kêu gọi “khẩn trương nối lại” đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong diễn biến khác, ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, Ngoại trưởng nước này Chung Eui-yong sẽ tham gia cuộc đàm phán 3 bên với những người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và Nhật Bản Motegi Toshimitsu trong cùng ngày về tình hình Bán đảo Triều Tiên và các vấn đề toàn cầu cũng như khu vực khác. (Reuters, AFP)

Anh kêu gọi Trung Quốc và Nga đồng ý với chiến lược chung về Afghanistan

Ngày 21/9, trong tuyên bố được Ngoại trưởng Anh Liz Truss đưa ra tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ, London kêu gọi Trung Quốc và Nga đồng ý với cách tiếp cận chung trên cơ sở phối hợp quốc tế nhằm ngăn Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố.

Anh được cho là sẽ tận dụng cuộc gặp của ngoại trưởng 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Mỹ) với TTK Antonio Guterres tại New York trong ngày 22/9 để thúc đẩy hợp tác quốc tế liên quan Afghanistan.

Trong tuyên bố đưa ra trước cuộc họp trên, Ngoại trưởng Anh nói: “Nếu chúng ta muốn tránh để Afghanistan trở thành nơi ẩn náu cho khủng bố toàn cầu, thì cộng đồng quốc tế - gồm cả Nga và Trung Quốc – cần hành động thống nhất trong tiếp xúc với Taliban”. (Reuters)

Israel-Palestine: Tổng thống Mỹ ủng hộ nhà nước Palestine độc lập

Ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, nước này vẫn giữ vững cam kết đối với an ninh của Israel, song nói thêm: “Giải pháp hai nhà nước là cách tốt nhất để đảm bảo tương lai của Israel với tư cách một nhà nước Do Thái dân chủ sống hòa bình bên cạnh một nhà nước Palestine dân chủ, có chủ quyền và có khả năng đứng vững”.

Tổng thống Mỹ thừa nhận, quãng đường đến mục tiêu trên là một chặng dài, nhưng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng của tiến trình hòa bình Trung Đông. (AFP)

Đại hội đồng LHQ: Tổng thống Mỹ Biden chào sân, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đối thoại

Ngày 21/9, hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao từ khắp hành tinh đã tham dự trực tiếp phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 tại trụ sở LHQ tại New York nhằm cùng nhau tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn nhất hiện nay gồm đại dịch Covid-19, thực trạng thế giới chia rẽ và vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi toàn cầu ủng hộ phân phối vaccine công bằng, cảnh báo tình trạng thế giới ngày càng chia rẽ, thậm chí khó đoán định hơn thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Guterres kêu gọi các quốc gia đối thoại, hợp tác và thấu hiểu nhau hơn để khôi phục lòng tin, mở ra hy vọng tươi sáng hơn cho thế giới.

Tại phiên họp, ông Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ kêu gọi sự hợp tác toàn cầu cùng ứng phó với các thách thức chung.

Trong bài phát biểu, ông Biden đề cập những nỗ lực của ông trong việc xây dựng lại các liên minh và gia hạn cam kết với các tổ chức đa phương, đồng thời cho biết, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một bước ngoặt sang một chương mới của “ngoại giao không ngừng”.

Đây là một bước đi cần thiết để điều chỉnh chính sách của Washington tập trung nguồn lực cho các thách thức quyết định tới tương lai toàn cầu như chấm dứt đại dịch, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, đe dọa khủng bố....

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đưa ra các cam kết đối với các nỗ lực về ứng phó Covid-19, chống biến đổi khí hậu cũng như sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi biện pháp hòa bình trước những thách thức chung, cho dù có bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác.

Cũng trong phiên họp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết những bất đồng và vấn đề thông qua "đối thoại và hợp tác".

Ông Tập nói: "Chúng ta cần củng cố tình đoàn kết và thúc đẩy tôn trọng lẫn nhau cũng như hợp tác cùng thắng trong việc xử lý những mối quan hệ quốc tế. Chúng ta cần theo đuổi hòa bình, phát triển, công bằng, dân chủ và tự do, vốn là các giá trị chung của nhân loại và từ bỏ ý định thành lập các nhóm nhỏ hay các trò chơi ăn thua".

Liên quan tới Covid-19, ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng việc truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 sẽ diễn ra trên cơ sở khoa học và khẳng định Trung Quốc phản đối chính trị hóa vấn đề này (Kyodo, White House, UN)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 22/9: Pháp đanh thép - ghế này là của chúng tôi! Tổng thống Belarus tính chuyển giao vài quyền lực? AUKUS là cú sốc với NATO?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO