Tin thế giới 19/10: Nga 'dụ' NATO sau ngón đòn mới; Triều Tiên có ý gì? Mỹ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 lại đòi Nga tăng cung khí đốt?

Hoàng Hà| 19/10/2021 19:57

Khủng hoảng năng lượng châu Âu và Dòng chảy phương Bắc 2, Triều Tiên phóng thử tên lửa, căng thẳng Nga-NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ukraine, tình hình Libya, thỏa thuận hạt nhân Iran... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 19/10: Nga dụ NATO sau ngón đòn mới; Triều Tiên có ý gì? Mỹ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 lại đòi Nga tăng cung khí đốt?
Nga và NATO lâm căng thẳng ngoại giao mới khi Moscow quyết tâm đóng cửa phái bộ tại Brussels. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Mỹ đòi Nga tăng cung khí đốt, vẫn phản đối Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 19/10, trong buổi phát sóng trực tiếp trên một kênh YouTube, Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk cho biết: "Mỹ đang thúc giục Nga tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu. Họ quan tâm một châu Âu ổn định như họ đã nói. Đây là quyền của họ".

Ông cho biết Mỹ đang gửi thông điệp cho Nga rằng: "Nếu bạn bán nhiều khí đốt hơn cho châu Âu, bạn sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng bạn không vũ khí hóa khí đốt", tuy nhiên, ông Overchuk nhấn mạnh, cùng lúc đó, "họ (Mỹ) lại phản đối Dòng chảy phương Bắc 2".

Phó Thủ tướng Nga lưu ý rằng, ông đã cố gắng "khai sáng" cho phía Mỹ lập trường của Nga liên quan những đánh giá về nguyên nhân dẫn đến sự rung chuyển của thị trường khí đốt châu Âu, cũng như quan điểm về Dòng chảy phương Bắc 2, theo đó, "Nga có lập trường của mình và họ có quan điểm của họ. Điều này là bình thường".

Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định, Moscow sẵn sàng giúp châu Âu "giải cơn khát" năng lượng. Theo đó, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp tăng tổng lượng khí đốt xuất khẩu của nước này ở khu vực Baltic lên mức 110 tỷ m3 và có thể giúp tháo gỡ tình trạng khan hiếm khí đốt tại thị trường châu Âu. (TASS)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Ukraine

Ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Ukraine và đã thảo luận với các quan chức quân sự nước chủ nhà về cách thức tăng cường mối quan hệ đối tác khu vực Biển Đen nhằm đối phó các hành động của Nga.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Ukraine trong việc đảm bảo an ninh ở khu vực Biển Đen.

Khi được hỏi về việc Nga phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông nêu rõ: "Không nước thứ ba nào có quyền phủ quyết đối với các quyết định thành viên của NATO. Ukraine có quyền quyết định chính sách đối ngoại trong tương lai của mình và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ có thể làm điều đó mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài".

Ông Austin cũng cho rằng Nga đã khơi mào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và là trở ngại cho việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột này.

Trước đó, theo một quan chức Mỹ, điểm chính trong chuyến thăm của ông Austin tới Ukraine là "khuyến khích Ukraine cải cách quốc phòng để giúp họ kiên cường khi đối mặt với hành động gây hấn của Nga".

Trước đó, ngày 18/10, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố, nước này đã nhận được đợt viện trợ quân sự thứ 2 từ Mỹ theo các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến công du Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng 9. (AFP, Reuters, THX)

Nga-NATO căng thẳng, Moscow đề nghị một điều

Ngày 18/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo, Moscow sẽ đình chỉ phái bộ của nước này tại NATO, đáp trả việc liên minh quân sự này trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga. Ngoài ra, ông Lavrov nhấn mạnh, các văn phòng thông tin và liên lạc quân sự của NATO ở Moscow sẽ bị đóng cửa.

NATO cho biết đã ghi nhận phát biểu của ông Lavrov, song chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc chính thức nào.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, chính sách của NATO đối với Nga vẫn không thay đổi, đó là "đáp trả trước những động thái gây hấn của Nga, đồng thời để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đối thoại có ý nghĩa".

Trong diễn biến khác, cùng ngày, tại cuộc họp Ủy ban thứ nhất Đại hội đồng Liên hợp quốc, Phó đại diện thường trực Nga Andrey Belousov cho biết, Moscow đề xuất nhất trí các biện pháp giảm leo thang với NATO, bao gồm việc cùng nhau giảm hoạt động quân sự dọc biên giới Nga và các nước thuộc liên minh quân sự trên.

Theo các nhà ngoại giao, hiện "cần có các biện pháp để cải thiện tình hình, cũng như tập trung vào việc thực hiện một cách tận tâm các thỏa thuận hiện có, bao gồm cả Văn kiện Vienna". (AP, Sputnik)

Triều Tiên thử tên lửa, Mỹ-Nhật-Hàn khẩn trương

Ngày 19/10, quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) vào biển Nhật Bản. Theo Yonhap, tên lửa bay được khoảng 590 km và đạt độ cao khoảng 60 km.

Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên không đưa ra thông báo trước về vụ phóng trong cuộc gọi sáng hàng ngày giữa hai nước qua đường dây nóng.

Thận trọng khi được hỏi về bình luận, quan chức này nêu rõ: "Lập trường cơ bản của Hàn Quốc là đối thoại và hợp tác liên Triều là cách thức tốt nhất để đạt phi hạt nhân hóa, hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên".

Trong khi đó, Nhật Bản cho biết, đã phát hiện 2 tên lửa đạn đạo, có thể được phóng từ tàu ngầm và bay theo quỹ đạo bất thường, có khả năng thuộc loại tên lửa chưa từng thấy trước đây. Một trong 2 tên lửa đạn đạo này đã bay khoảng 600 km và đạt độ cao tối đa khoảng 50 km trước khi rơi xuống biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nhấn mạnh, các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Về phía Mỹ, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, quân đội nước này coi vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là hành động gây bất ổn. Dù không đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ hay các đồng minh, quân đội Mỹ "lên án và kêu gọi Triều Tiên tránh có thêm bất kỳ hành động nào nữa tương tự".

Hãng thông tấn Kyodo cùng ngày đưa tin, các quan chức cấp cao của chính quyền Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc điện đàm nhằm thảo luận về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định, một loạt vụ phóng gần đầy cũng như việc khai mạc triển lãm quân sự khác thường tại Bình Nhưỡng hồi tuần trước chứng tỏ Triều Tiên có thể khôi phục các hoạt động quân sự và quốc tế sau gần hai năm tập trung các vấn đề nội bộ giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, "lý do cơ bản cho hành động khiêu khích của Triều Tiên là bởi Mỹ không thay đổi lập trường đàm phán. Bình Nhưỡng đang cố chứng tỏ nước này có thể thực hiện một vụ khiêu khích lớn hơn".

Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học Ewha ở Seoul nhận xét: "Bình Nhưỡng đang đặt gánh nặng lên Seoul về mối quan hệ căng thẳng cũng như dồn trách nhiệm cho Washington nhằm tái khởi động hoạt động ngoại giao". (Reuters, AFP, Yonhap, Kyodo)

Libya công bố "Sáng kiến Ổn định" quốc gia

Ngày 18/10, truyền thông Bắc Phi đưa tin, Ngoại trưởng Libya Najla Al-Manqoush đã công bố các chi tiết của "Sáng kiến Ổn định Libya", giữa lúc Tripoli chuẩn bị tổ chức một hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng vào ngày 21/10 tới để tìm kiếm sự ủng hộ cho sáng kiến này.

Bà Al-Manqoush cho biết, mục tiêu của Sáng kiến là đưa nước này trở thành một thị trường cạnh tranh tích cực về kinh tế, tìm kiếm một cơ chế quốc gia và củng cố vị thế khu vực cũng như quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 đang đến gần.

Liên quan vấn đề giải quyết những trở ngại đang cản trở tiến trình hòa bình ở Libya, Ngoại trưởng Al-Manqoush cho rằng, sáng kiến trên sẽ giúp đảm bảo thực thi tối ưu các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Libya lạc quan cho rằng, "Sáng kiến Ổn định Libya", tập trung vào hai hướng đi tối quan trọng về an ninh và kinh tế, sẽ hỗ trợ chính quyền Libya trong việc thực thi các kế hoạch trên mọi lĩnh vực của đất nước, thúc đẩy các cơ hội ổn định và phát triển, cũng như đối phó với các thách thức của quốc gia.

Bà Al-Manqoush nêu rõ, việc rút lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya cũng là một trọng tâm của "Sáng kiến Ổn định Libya", vì sự hiện diện của lực lượng nước ngoài đe dọa sự ổn định không chỉ của nước này mà còn của toàn bộ khu vực. (Libya Observer)

Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Ngày 18/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington “không lạc quan cũng không bi quan” mà “chỉ nhận thức rõ” về vòng đàm phán mới sắp tới với Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Đây là sẽ vòng đàm phán thứ 7 giữa Mỹ và Iran về JCPOA, song là cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai bên kể từ khi ông Ebrahim Raisi trở thành Tổng thống Iran vào tháng 8.

Trước đó, cùng ngày, ông Raisi tuyên bố, Iran ủng hộ các cuộc đàm phán hướng tới kết quả với 6 cường quốc và cho rằng, "nếu phía Mỹ nghiêm túc, họ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất công đối với Tehran".

Trước đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, "các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Vienna" và sẽ không có cuộc đàm phán nào giữa các nhà ngoại giao EU và Iran diễn ra tại Brussels vào ngày 21/10, trái ngược với thông tin trên truyền thông Iran. (Reuters)

Kho vũ khí quy mô lớn của Iran: Ngày 18/10, người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Amir Ali Hajizadeh tuyên bố, Tehran sở hữu một trong những kho vũ khí tên lửa và máy bay không người lái quân sự lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, bất chấp bị áp đặt các lệnh trừng phạt trong nhiều năm.

Cùng ngày, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri đang ở thăm Nga cho hay, nước này đang đàm phán với Moscow về việc mua các máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng của Nga. (Sputnik)

Israel

Israel đàm phán thiết lập quan hệ với Comoros: Ngày 19/10, báo chí địa phương Israel dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, các quan chức nước này đang đàm phán để bình thường hóa quan hệ với Comoros, một quốc đảo nằm ở ngoài khơi châu Phi.

Comoros có tên gọi đầy đủ là Liên minh Comoros, với diện tích hơn 1,860 km2 và dân số trên 850.000 người. Với đa số dân theo đạo Hồi dòng Sunni, Comoros là một thành viên của Liên đoàn Arab.

Nguồn tin trên cho biết, sau khi được Mỹ làm trung gian kết nối, Israel và Comoros đã tiến hành một số cuộc gặp bàn về việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. (Jerusalem Post)

Ngoại trưởng Israel, Thụy Điển gặp mặt lần đầu sau gần 1 thập kỷ vào ngày 18/10 nhằm hàn gắn quan hệ song phương.

Phát biểu tại buổi họp báo chung, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết: "Chúng tôi cùng thấy cơ hội thực thụ trong thúc đẩy quan hệ hai nước và phát triển hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực đổi mới, văn hoá, thương mại và chống bài Do Thái".

Về phần mình, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid cho hay "Thụy Điển là một người bạn của Israel. Chúng tôi cùng mong muốn phát triển, thúc đẩy và hiện thực hoá các tiềm năng kinh tế xã hội của hai nước, cũng như tận dụng mối liên hệ giữa công nghệ và thương mại".

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 19/10: Nga 'dụ' NATO sau ngón đòn mới; Triều Tiên có ý gì? Mỹ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 lại đòi Nga tăng cung khí đốt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO