Tiền anh – tiền em

Lam Chi| 26/09/2022 12:51

'Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát' nhưng trong cuộc sống hôn nhân không phải cái gì cũng như ý và có muôn vàn câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh việc tiền anh – tiền em.

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát!

Câu chuyện cho vợ sắp cưới vay 2 triệu tiền tính lãi 15.000 đồng/ ngày và đòi nợ liên tục của một chàng trai khiến cộng đồng mạng râm ran bàn luận suốt mấy ngày qua khiến câu chuyện tình – tiền vẫn chưa hạ nhiệt. Chuyện là cô gái viết bài tâm sự, hỏi ý kiến cộng đồng mạng về việc chỉ còn nửa tháng nửa sẽ lên xe hoa về nhà chồng, do có việc cần gấp nên cô có vay chồng sắp cưới 2 triệu và được anh tính lãi 15.000 đồng/ ngày. Tới ngày chưa kịp trả cô đã bị anh mắng xối xả, nói những lời khó nghe, đòi còn “gắt” hơn chủ nợ người dưng. Cô gái còn băn khoăn liệu lấy chàng trai này làm chồng, sau này khi bầu bì sinh đẻ, không làm ra tiền chắc anh xem cô không ra gì, coi vợ như kẻ ăn bám.

can-canh-can-phong-ngap-trong-rac-cua-cac-hot-girl-sinh-vien-ef85d4b8_20200904084155.jpg
Chưa cưới nhưng đã rốt ráo đòi nợ, tiền anh - tiền em rõ ràng, tính lãi theo ngày.

Câu chuyện rất nhanh được cộng đồng mạng đem ra mổ xẻ, bàn tán. Có người biện minh “tiền ai nấy tiêu”, minh bạch tài chính. Lại có người kêu lấy anh chồng thế này về chỉ suốt ngày anh ta “đong lọ mắm, đo lọ hành”, “tiền tôi - tôi xài, tiền cô - cô xài”… Thực tế trong xã hội hiện nay, hầu như khi yêu nhau, các chàng trai thường bị “lõm” hầu bao cho bạn gái. Khi đi chơi, mời người yêu ăn một bữa, những ngày lễ, mua cho bạn gái món quà, đi chơi cùng nhóm bạn của người yêu, rút ví bao cả nhóm sẽ luôn ghi được điểm trong mắt người yêu và bạn bè của cô ấy… Tất nhiên, có đi có lại, các cô gái thời nay cũng không phải chỉ biết nhận mà không cho, các cô cũng sẵn sàng chi hầu bao cho người yêu với các món quà không kém phần lãng mạn. Đó là cách mà các chàng trai cô gái làm để thể hiện và chứng minh tình yêu của mình với nửa kia. Tuy nhiên, có thể nói, hầu hết các chàng trai khi yêu đều tỏ ra rộng rãi, ga lăng với người yêu. Thế nhưng khi đã trở thành vợ chồng thì câu chuyện lại có phần thay đổi khá lớn! Câu chuyện tài chính, nếu không minh bạch, trao đổi rõ ràng quan điểm với nhau ngay từ đầu sẽ rất ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này.

Quy về một mối?

Không phải là 100% nhưng sẽ “đúng tương đối” nếu nói rằng, khi đã nên nghĩa vợ chồng thì hầu hết các ông chồng của chúng ta đều có quỹ đen, quỹ đỏ cả! Có người ví von: “người đàn ông chân chính là người đàn ông đưa hết lương cho vợ!”. Và hầu hết các ông chồng của chúng ta đều muốn là những người đàn ông chân chính cả. Thế nhưng, ở xã hội hiện nay, có mấy ai chỉ có riêng khoản thu nhập từ lương? Thế nên, mang tiếng là vợ đã cầm thẻ ATM nhưng các chàng vẫn có “quỹ đen” để chi tiêu cho những việc “ngoài gia đình” như các bữa nhậu với bạn bè, đối tác hay đồng nghiệp, và còn hàng trăm ngàn lý do khác cần tiêu tiền mà không thể lấy tiền của vợ để tiêu. Đó là nguyên nhân các ông chồng cần quỹ đen như điều tất nhiên phải có!

kucch-luv-jaisa.jpg
Không thống nhất tiền bạc khiến cả hai căng thẳng trong mối quan hệ và dễ đổ vỡ.

Mặt khác, chuyện đóng góp hết tiền cho vợ giữ cũng “xưa rồi”. Hiện nay, trong các gia đình, sự đóng góp phân công là đồng đều nhau. Nhiều gia đình vì không chọn được cách thức đóng góp cùng nhau nên xảy ra lục đục. Chẳng hạn như gia đình anh Thành chị Hoa mới cưới được nửa năm và chuẩn bị đón em bé nhưng thường xuyên trong tình trạng tranh cãi. Chị Hoa theo cách truyền thống, muốn chồng đóng góp hết lương và chỉ đưa cho chồng khoản nhỏ chi tiêu. Tuy nhiên, Thành lại nghĩ khác. Anh không muốn hàng tháng phải ngửa tay xin tiền vợ nên sau vài tháng đầu, anh tuyên bố chỉ đóng góp một khoản sinh hoạt hàng ngày, còn lại là tiền cá nhân anh. Khi nào cần mua sắm việc lớn, hai vợ chồng đóng góp chung. Chị Hoa kiên quyết phản đối vì sợ chồng phung phí, không tiết kiệm được. “Con cái gần sinh rồi, anh phải đưa em tiết kiệm lo cho con chứ!”. Cứ vậy, hai vợ chồng thường xuyên bất đồng quan điểm nhau.

Không chỉ chị Hoa, rất nhiều bà vợ giỏi tay hòm chìa khóa muốn “quy về một mối” nắm giữ tài chính gia đình. Thế nhưng, không phải ông chồng nào cũng hào hứng với quy tắc truyền thống này. Lý lẽ của các anh là tiền bạc đều làm ra như nhau, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp và các anh cũng muốn có những khoản tiền riêng tự do chi tiêu. Việc bị vợ kiểm soát tài chính khiến cuộc sống đấng mày râu vô cùng ngột ngạt.

istockphoto-1198174856-170667a.jpg
Những bất đồng trong chuyện tài chính cần được trao đổi và thống nhất với nhau trước khi về chung nhà.

Tiền ai nấy xài

Không muốn vợ là người nắm hết tài chính trong gia đình, ngay khi cưới nhau về anh Tân đã dõng dạc tuyên bố: “Mọi thứ trong gia đình chi tiêu gì chung cứ cộng lại chia đôi, còn lại tiền ai nấy giữ”. Chị Hân, vợ anh ban đầu khá thoáng nên cũng thoải mái với phương án này. Mỗi tháng, chị đều trích riêng tiền mình biếu cha mẹ nên khi lấy chồng, nghe anh nói tiền ai nấy xài tự do chị thấy được tôn trọng. Thế nhưng, một thời gian sau bắt đầu thấy bất tiện khi việc gì anh cũng căn ke – mua máy giặt mới cũng phải tính toán đóng góp, đi du lịch cùng nhau anh cũng theo kiểu sòng phẳng… Mệt mỏi chị nói với chồng: “Anh ôm tiền mà sống chứ vợ chồng chẳng ai kiểu như đối tác, cái gì cũng chia đôi thế này!”.

Nhận định của chị Hân không phải không đúng, nhưng chị đã nhầm. Rất nhiều các anh chồng “khó tính” và thích sòng phẳng với vợ cũng đang theo cách như chồng chị. Tâm lý các ông chồng này thường không muốn vợ nắm tài chính, không muốn mình phải là trụ cột gánh vác hay đóng góp nhiều hơn. Thậm chí có không ít anh hàng tháng chỉ đưa vợ một khoản cố định còn lại mặc kệ vợ xoay sở và cho rằng đã làm tròn trách nhiệm. Câu chuyện tiền bạc vì vậy càng căng thẳng và ảnh hưởng đến mối quan hệ cả hai.

140617-fightmoney-stock.jpg
Cùng nhau thống nhất và san sẻ, hướng đến những mục tiêu tài chính chung sẽ giúp hôn nhân thêm bền vững.

Trên thực tế, trong một gia đình, nếu ai cũng muốn nắm lấy tài chính thì sẽ khó lòng mà có được hạnh phúc thực sự. Trong gia đình, nếu người vợ hoặc chồng là thủ quỹ, thì hãy minh bạch các khoản tài chính thu chi, có những danh sách và kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Các nội tướng cũng đừng quên dành cho chồng một khoản chi tiêu riêng chứ đừng tỏ ra quá chặt chẽ với đức lang quân của mình. Các ông chồng cũng nên hiểu rằng người nắm tay hòm chìa khóa chẳng dễ dàng chút nào với muôn khoản “đội chi”. Còn các bà vợ, có những “nguyên tắc vàng”, những khi vợ chồng có việc căng thẳng, đừng nói đến chuyện tiền nong hay hãy luôn công bằng trong chi tiêu, đừng tỏ ra hoang phí “công quỹ gia đình” và chi tiêu cho bản thân quá nhiều, điều đó sẽ khiến “nửa kia” của bạn cảm thấy không hài lòng đấy!

Tình yêu là một chuyện, bước vào hôn nhân và các vấn đề liên quan đến tiền bạc lại là chuyện khác. Ứng xử vợ chồng không khéo, tiền bạc có thể giết chết mối quan hệ. Vì vậy, hãy trao đổi minh bạch cùng nhau, bạn nhé!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiền anh – tiền em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO