Thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên, bước chuyển quan trọng và tác động đa chiều

Vũ Đăng Minh| 28/09/2021 10:06

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tại Washington D.C là bước chuyển quan trọng, cam kết lâu dài của Bộ tứ (Quad), nhằm thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên, bước chuyển quan trọng và tác động đa chiều
Các nhà lãnh đạo Bộ tứ lần đầu tiên họp trực tiếp, thể hiện cam kết mạnh mẽ và lâu dài đối với việc thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. (Nguồn: AP)

Thế giới thay đổi

Sáu tháng sau Thượng đỉnh Bộ tứ trực tuyến đầu tiên (12/3/2021), tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều khu vực, quốc gia rơi vào làn sóng đại dịch Covid-19. Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi biến đổi khí hậu ở vào thời điểm “không còn đường lùi”. Nỗ lực đối phó với thách thức an ninh toàn cầu bị phân hóa bởi cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn, xung đột vũ trang, nội chiến…

Mỹ rút quân khỏi Afghanisan để lại khoảng trống, nguy cơ nội chiến, bất ổn ở khu vực và sự hoài nghi về cam kết của Washington với đồng minh, đối tác. Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) tạo vết rạn trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. EU công bố Chiến lược hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện sự tự chủ, độc lập chiến lược.

Có thể thấy “mặt trận” đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc mà Mỹ và đồng minh dày công gây dựng có dấu hiệu trục trặc từ bên trong.

Thủ tướng Suga Yoshihide sắp kết thúc 12 tháng cầm quyền, báo hiệu Nhật Bản có thể quay lại thời kỳ thay đổi Thủ tướng liên tục như thời hậu Chiến tranh Lạnh. Điều đó tác động đáng kể đến quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và chính sách, chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ còn hứng chịu những phản ứng không hề dễ chịu từ bên ngoài. Ngày 24/9, tại phiên họp lần thứ 48 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), 65 nước ra tuyên bố chung coi tình hình Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc; phản đối chính trị hóa, tiêu chuẩn kép trong vấn đề này.

Tuyên bố chung chống lại việc Mỹ và đồng minh sử dụng công cụ “nhân quyền” để liên kết các quốc gia chống lại Trung Quốc.

Đại dịch Covid-19 cản trở việc triển khai thực hiện một số cam kết, thỏa thuận tại Thượng đỉnh Bộ tứ trực tuyến hồi tháng Ba. Các nước ưu tiên phục hồi kinh tế sau đại dịch hơn là tham gia cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bối cảnh mới đặt ra cho Bộ tứ nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết, cả về nội dung, hình thức và cách tiếp cận. Đồng thời, Thượng đỉnh trực tiếp là cơ hội để Bộ tứ củng cố quan hệ, thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Vậy là, thế giới thay đổi nên Bộ tứ cũng chuyển hướng.

Toàn diện và linh hoạt

Thỏa thuận AUKUS là sự hợp tác sâu, chặt chẽ hơn về quân sự, an ninh. Ngoài Mỹ, Australia (một nửa Bộ tứ), AUKUS thêm Anh, đồng minh thường ủng hộ mọi chính sách của Mỹ.

Hợp tác chế tạo tàu ngầm hạt nhân đòi hỏi sự tin cậy cao giữa các thành viên, cơ sở để hình thành liên minh quân sự trong tương lai, một “gọng kìm” trong “mặt trận” đối phó với các thách thức an ninh từ Trung Quốc. Nhưng hình thành thêm các liên minh kiểu AUKUS là chuyện phức tạp.

Khác với AUKUS, Bộ tứ là diễn đàn đối thoại chiến lược, cơ chế hợp tác không chính thức giữa 4 đồng minh , đối tác về nhiều lĩnh vực. Tập trung nhiều vào hợp tác quân sự, an ninh truyền thống sẽ gây e ngại cho đồng minh, đối tác, trùng lặp với các cơ chế hợp tác, liên minh khác.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng “nếu muốn giành được tình cảm và lý trí của khu vực (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương)”, Mỹ và đồng minh cần hướng Bộ tứ đến các thỏa thuận “tích cực và mang tính bao hàm”.

Do đó, Bộ tứ sẽ lựa chọn cách tiếp cận toàn diện, linh hoạt hơn.

Sự “cởi mở” về cơ chế, mở rộng lĩnh vực cho phép Bộ tứ khai thác thế mạnh của các thành viên, thuận lợi hơn trong hợp tác với các đồng minh, đối tác khác. Tuyên bố chung tập trung vào 5 nội dung, lĩnh vực, 5 trụ cột hợp tác bao gồm: ứng phó với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, công nghệ mới và kết nối cơ sở hạ tầng, xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu và góp phần phục hồi kinh tế.

Chú trọng ứng phó đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế toàn cầu là cách để Mỹ tranh giành vai trò lãnh đạo, dẫn dắt thế giới với Trung Quốc. Mặt khác, lôi kéo Trung Quốc, Nga hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu là khoét vào điểm hạn chế của đối thủ. Bởi Trung Quốc là nước có lượng khí thải cần cắt giảm lớn và kinh tế Nga dựa chủ yếu vào dầu khí.

Thượng đỉnh Bộ tứ trực tuyến tháng 3/2021 có vai trò định hướng quan điểm, chính sách, hành động. Hội nghị trực tiếp ngày 24/9 là dịp để Bộ tứ cụ thể hóa bằng các cam kết, sáng kiến và triển khai hoạt động thực tiễn, thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Từ đây, Bộ tứ sẽ duy trì cuộc gặp thượng đỉnh thường niên.

Sau 12 năm thành lập, Bộ tứ có cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên (2019). Sau 14 năm, Bộ tứ mới tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên (3/2021). Nhưng chỉ 6 tháng sau, các nhà lãnh đạo Bộ tứ gặp trực tiếp. Gia tăng cường độ, tốc độ hành động là điểm đáng chú ý của Bộ tứ.

Tiếp cận linh hoạt, toàn diện, từng bước chính thức hóa cơ chế, mở rộng nội dung, phạm vi hợp tác, với cường độ, tốc độ cao là biểu hiện sự chuyển hướng về tư duy và hành động của Bộ tứ.

Cam kếtlâu dài

Tuyên bố chung tái khẳng định nền tảng lợi ích chung là sự thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bộ tứ khẳng định vai trò trụ cột, nỗ lực bảo đảm an ninh, ổn định, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực.

Tuyên bố chung nhấn mạnh nguyên tắc “…thúc đẩy trật tự dựa trên các quy tắc “tự do và rộng mở”, lấy luật pháp quốc tế làm gốc và không sợ hãi trước áp bức….”.

Đồng thời với củng cố “tình đoàn kết bền chặt giữa 4 quốc gia”, Bộ tứ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm, tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; ủng hộ chiến lược hợp tác của EU ở khu vực và hỗ trợ các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương... Các cam kết nhằm mở rộng liên kết, hợp tác, không để Trung Quốc lợi dụng chia rẽ, lôi kéo, gây sức ép.

Bộ tứ cam kết nỗ lực ứng phó đại dịch, tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất, viện trợ 1,2 tỷ liều vaccine cho châu Á từ nay đến hết năm 2022; cung cấp gói hỗ trợ tài chính, nâng cao khả năng y tế. Cam kết triển khai kế hoạch giám sát, phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Tuyên bố chung xác định mũi nhọn trong chính sách của Bộ tứ là hợp tác công nghệ mới, quan trọng, thúc đẩy triển khai các mạng di động 5G an toàn, minh bạch; tạo điều kiện hợp tác công tư đảm bảo an ninh mạng; xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng và vật liệu thiết yếu, trong đó có chất bán dẫn (nguyên liệu nền sản xuất chip). Khai thác sử dụng không gian mạng an toàn, tin cậy. Phối hợp đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao.

Nhằm khoét sâu các mặt trái Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, Bộ tứ đề xuất các dự án kết nối chung với G20, G7, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, hỗ trợ cho vay tài chính rộng rãi, công bằng, minh bạch.

Thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên, bước chuyển quan trọng và tác động đa chiều
Bộ tứ không chỉ phát huy thế mạnh của mình mà còn tập trung hạn chế các trọng tâm chiến lược của Trung Quốc như “ngoại giao vaccine”, BRI và công nghệ mới. (Nguồn: AFP)

Dấu ấn và trở ngại

Chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá cam kết, thỏa thuận của Bộ tứ là những “sáng kiến rất thiết thực”, tạo bước chuyển quan trọng cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thể hiện tầm nhìn xa, tham vọng, cách tiếp cận rõ ràng, linh hoạt, toàn diện và trọng điểm. Bộ tứ có sự chuyển hướng khả quan từ trọng tâm an ninh sang chuỗi cung ứng công, đáp ứng các vấn đề thiết yếu của thế giới, khu vực.

Thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ, phát huy sự đóng góp, hài hòa mối quan tâm, sự khác biệt của các thành viên; sẵn sàng chống lại bất cứ sức ép nào nhắm vào quốc gia thành viên. Đồng thời, chú trọng củng cố, mở rộng hợp tác với các cơ chế, liên minh, liên kết khác.

Tuyên bố chung không nêu đích danh Trung Quốc, giọng điệu cũng không quá cứng rắn, nhưng Bắc Kinh vẫn là đích nhắm của Bộ tứ. Bộ tứ không chỉ phát huy thế mạnh của mình mà còn tập trung hạn chế các trọng tâm chiến lược của Trung Quốc như “ngoại giao vaccine”, BRI và công nghệ mới…

Hội nghị rõ ràng là bước chuyển quan trọng, cam kết lâu dài của Bộ tứ, nhằm thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhưng hợp tác kinh tế vẫn là mặt cần chú trọng của Bộ tứ.

Đối thủ của Bộ tứ sẽ không chịu ngồi yên. Trung Quốc, Nga ngày càng xích lại gần nhau, tìm cách củng cố, mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và các tổ chức, cơ chế hợp tác khác, hình thành mặt trận đối trọng với mặt trận liên minh, liên kết của Mỹ và đồng minh.

Việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác tàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là nước cờ chiếm lĩnh vị trí mà Mỹ bỏ trống. Chắc sẽ còn những những đòn qua lại khác.

Sự đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy thế giới, khu vực vào bất ổn. Nhưng nếu 2 nước lớn thỏa hiệp với nhau, chia sẻ lợi ích riêng, phương hại đến môi trường ổn định, an ninh của thế giới, khu vực và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, cũng là điều nguy hiểm.

Thế giới cần theo sát mọi hành động, chủ động đối sách phù hợp; ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm; tránh rơi vào thế các nước lớn đối đầu, các nước khác gánh chịu hậu quả.

Nổi bật Việt Báo
  • Quy định của Luật Đất đai mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
    Dù Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025 nhưng có 2 quy định của Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024, gồm: các hoạt động lấn biển, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14.
  • 10 Tiêu chí lựa chọn máy giặt công nghiệp không thể bỏ qua
    Máy giặt công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành, từ bệnh viện đến khách sạn, từ nhà máy sản xuất cho đến xưởng giặt là. Tuy nhiên, việc chọn lựa một chiếc máy giặt phù hợp không chỉ đơn giản là mua một sản phẩm với giá phù hợp và đáp ứng nhu cầu, mà còn là quyết định đầu tư lâu dài vào hiệu suất và chất lượng dịch vụ. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về những yếu tố cần xem xét khi lựa chọn máy giặt công nghiệp, hãy cùng điểm qua 10 tiêu chí quan trọng nhất nhé!
  • Cặp song sinh 'hai đầu, một thân' đã kết hôn
    Cặp song sinh "hai đầu, một thân" Abby và Brittany Hensel đã kết hôn. Cuộc sống của Abby và Brittany luôn thu hút sự quan tâm của truyền thông và công chúng từ trước đến nay.
  • Vẻ gợi cảm của nữ MC dẫn trong đám cưới Quang Hải - Chu Thanh Huyền
    Đảm nhận vị trí MC trong đám cưới của nam cầu thủ nổi tiếng, Vũ Quỳnh Trang gây chú ý với vẻ ngoài xinh đẹp và thành tích học tập đáng ngưỡng mộ.
  • Sam Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù vì gian lận tiền điện tử
    Ngày 28/3, nhà sáng lập sàn tiền điện tử FTX, Sam Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù vì tội gian lận 8 tỷ USD từ khách hàng và phải bồi thường 11 tỷ USD cho các nạn nhân.
Đừng bỏ lỡ
Thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên, bước chuyển quan trọng và tác động đa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO