Thực phẩm 'tăng trưởng chiều cao cho trẻ' đang bị thổi phồng tác dụng

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 13/04/2022 18:28

Hàng loạt các sản phẩm trên thị trường đang được quảng cáo có tác dụng tăng trưởng chiều cao cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ hiện nay không có bất kì sản phẩm nào có thể giúp trẻ bình thường tăng chiều cao được.

tang-truong-chieu-cao-o-tre-nho-min.jpeg
Không có thực phẩm hay thuốc nào có thể giúp tăng chiều cao ở trẻ - Ảnh: Internet

Quảng cáo tràn lan

Nhiều bà mẹ muốn con cao thêm nên tìm đến thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp tăng chiều cao cho con uống.

Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm tăng chiều cao” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google và Facebook hàng loạt các loại được gọi như: thuốc, thực phẩm chức năng thậm chí có cả kẹo để tăng chiều cao cho trẻ được quảng cáo tràn lan.

PGS TS Huỳnh Thoại Loan - nguyên trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - khẳng định cho đến nay không có một loại thuốc hay sản phẩm nào có thể giúp trẻ bình thường tăng chiều cao lên được. Chiều cao của trẻ phụ thuộc vào gen di truyền, chế độ dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ.

BS CKI Hoàng Khánh Chi - Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như thể tạng kém, suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền hoặc nhiễm sắc thể (thiếu GH, loạn sản xương…), trẻ bị suy thận mạn, các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng, suy tuyến yên…

Bên cạnh đó, bệnh có thể do bẩm sinh hoặc do chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não. Cũng có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Trong các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ, tỷ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ, nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chậm tăng trưởng.

Để điều trị và cải thiện chiều cao hiệu quả, trẻ cần được phát hiện thiếu hormon tăng trưởng ngay khi tuổi còn nhỏ. Việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ở “giai đoạn vàng” sẽ giúp cải thiện quá trình thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ.

photo-1632884565442-16328845662381003492670.jpeg
Việc điều trị trong thời gian vàng giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tốt - Ảnh: Internet

 “Không được bỏ lỡ thời gian vàng”

TS BS Trần Quang Khánh - trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết trẻ từ lúc mới sinh đến trước tuổi dậy thì đều có thể có biểu hiện chậm tăng trưởng chiều cao. Nếu trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng, được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ.

Theo bác sĩ Khánh, quá trình điều trị cần bắt đầu trước khi trẻ dậy thì. Tốt nhất là trong độ tuổi 4 - 13. Nếu qua "thời gian vàng" này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng.

Thực tế các trường hợp điều trị bằng hormone tăng trưởng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy các bé sẽ tăng được từ 6 - 12 cm/năm và khoảng 80% bé tăng được 1 cm/tháng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình điều trị cần bắt đầu sớm, trước khi trẻ dậy thì mới có kết quả.

PGS Loan cho rằng muốn đầu tư chiều cao cho trẻ cần phải đầu tư ngay từ lúc bà mẹ mang thai. Có hai giai đoạn "đại nhảy vọt" phát triển chiều cao của một người là giai đoạn 3 tháng cuối trong thai kỳ và giai đoạn tiền dậy thì. Do vậy, cần phải cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho bà mẹ và trẻ trong giai đoạn này.

Vận động, tập luyện cũng rất quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ. Muốn trẻ cao, cha mẹ nên hướng cho trẻ tập những môn cần rướn người lên để phát triển chiều cao như cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội...

Việc tập luyện phải đảm bảo tính liên tục, ít nhất 5 ngày/tuần, trong lúc tập phải tập tích cực, tập hết sức mình ít nhất trong 30 phút. Xương của trẻ sẽ lớn lên hằng ngày nên muốn phát triển chiều cao tốt cũng cần phải duy trì tập luyện hằng ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên liên tục theo dõi tốc độ tăng trưởng của con theo biểu đồ tăng trưởng. Nếu thấy chiều cao của con thấp hơn trung bình, nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Nhi để được tầm soát các nguyên nhân chậm tăng trưởng chiều cao, đặc biệt là bổ sung hormone tăng trưởng trong trường hợp có chỉ định để phát triển chiều cao cho trẻ càng sớm, càng tốt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm 'tăng trưởng chiều cao cho trẻ' đang bị thổi phồng tác dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO