Người phụ nữ đau bụng cả tháng, giảm cân nhanh vì ăn loại quả này

Phương Linh| 10/12/2020 05:00

Việt BáoBệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) mới đây vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 45 tuổi đến bệnh viện với triệu chứng đau bụng âm ỉ và ngày một tăng, dẫn đến gầy, sút cân sau một tháng không tìm được nguyên nhân.

Nữ bệnh nhân cho biết, suốt một tháng qua chị cảm cảm thấy đau âm ỉ vùng thượng vị, thậm chí trào ngược nóng rát sau xương ức thường xuyên. Dù đã đi khám và điều trị tại một vài nơi, tình hình chưa được cải thiện. Khi các cơn đau quằn quại kèm cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, không muốn ăn và sút cân nhanh chóng chị đến Trung tâm Kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám.

Sau khi nghe các triệu chứng, các bác sĩ cho người bệnh nội soi dạ dày. Hình ảnh nội soi phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có khối bã thức ăn, kích thước tới 10x13 cm, cứng, màu vàng đậm, bề mặt niêm mạc dạ dày xung huyết, nhiều vết loét trợt nông, hang vị xuất hiện ổ loét sâu có giả mạc.

Khối bã thức ăn làm người phụ nữ đau bụng cả tháng. Ảnh: BVCC.

Lúc đó, người nhà bệnh nhân mới cho biết, trước có chị có ăn 5 quả hồng ngâm. Sau khi ăn xong, người bệnh thấy các triệu chứng trên.

Bệnh nhân đã nhanh chóng được tiền mê, sau đó đưa ống nội soi vào dạ dày cùng dây thép thông qua kênh sinh thiết của ống. Bác sĩ siết và cắt nhỏ khối bã thức ăn và lấy các mảnh vụn ra ngoài bằng rọ lưới mềm.

Các bác sĩ cho biết dị vật bã thức ăn nếu không được giải quyết sẽ gây ra tình trạng viêm loét dạ dày ngày càng nặng nề. Tình trạng này kéo dài thậm chí dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm loét đại tràng toàn bộ dạ dày, thủng dạ dày, tắc ruột, hoại tử ruột.

BS.CKI. Nguyễn Thái Bình, Phó Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, trong quả hồng có chất nhựa gây kết dính thức ăn tạo nên cục thức ăn lớn rất khó tiêu hóa. Bã thức ăn ứ đọng trong dạ dày nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm loét, xuất huyết dạ dày, đầy bụng, khó tiêu. Nếu bã thức ăn trôi xuống và bị tắc nghẽn ở ruột non sẽ gây nên biến chứng như giãn, viêm, phù nề, hoại tử ruột non, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn đến tử vong.

Khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như: hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng… Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu chúng ta ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Những lưu ý khi ăn quả hồng:

- Không ăn trái hồng lúc bụng đói vì tanin trong trái hồng dưới tác động của acid dạ dày dễ kết tủa. Hồng giòn tuy ngọt nhưng vẫn còn một lượng tanin trong đó. Nên ăn lúc bụng no, hoặc khoảng một giờ sau ăn.

- Hạn chế tối đa cho người già và trẻ nhỏ ăn trái hồng giòn: Ăn rất ít, chỉ 1-2 miếng nhỏ, nhai kỹ. Người già và trẻ nhỏ nên đổi sang ăn trái hồng đã chín mềm hoặc trái hồng sấy khô (hồng mứt) để tránh bị nghẹn.Không ăn vỏ trái hồng, nhất là vỏ trái hồng còn xanh vì chứa nhiều tanin. Nên gọt bỏ vỏ trái hồng khi ăn.

- Không dùng cho những người bị viêm dạ dày mạn, người đã cắt một phần dạ dày hoặc vị hàn. Người bị viêm dạ dày mạn, cắt một phần dạ dày thường đầy bụng, khó tiêu nên ăn trái hồng không thích hợp.

- Không dùng cho người thiếu máu, do trái hồng chứa nhiều tanin sẽ kết hợp với sắt tạo thành kết tủa gây cản trở sự hấp thu sắt trong thức ăn. Ngoài ra, cũng không ăn trái hồng khi uống thuốc có chứa sắt.

- Thận trọng ở bệnh nhân bị tiểu đường. Vì trái hồng chứa 10,8% đường, phần lớn là disaccharides đơn giản và monosaccharides (glucose, fructose, sucrose) nên dễ dàng hấp thu vào máu sẽ gây tăng lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, không phải ai ăn hồng giòn cũng đều bị tắc ruột. Các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn thường gặp ở những bệnh nhân răng yếu, nhai không kỹ hoặc có bệnh lý ruột - đại tràng, người đã từng có tiền sử phẫu thuật ở khu vực bụng và dạ dày.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ đau bụng cả tháng, giảm cân nhanh vì ăn loại quả này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO