2 cha con tổn thương gan sau ăn nấm, bác sĩ đưa ra những cảnh báo đặc biệt về loại thực phẩm này

Ngọc Hân| 04/03/2021 22:07

Việt BáoSau khi ăn món nấm lạ khoảng 12 giờ, vợ chồng anh Tẩn Văn Líu và hai con bị chóng mặt, tiêu chảy và nôn nhiều.

Hái lạ về nấu cho cả nhà ăn

Vợ chồng anh Tẩn Văn Líu, 28 tuổi, ở xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ngày 25/2, anh Tẩn đi hái nấm (khoảng 10 cây nấm trắng) về nấu cho cả nhà (gồm 2 vợ chồng anh và 2 con nhỏ) ăn.

Sau bữa ăn khoảng 12 giờ, cả 4 người nhà anh Líu đều xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần. Do tình trạng không giảm, vợ chồng anh đưa hai con nhỏ đến Bệnh viện huyện khám và được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm.

Loại nấm anh Líu hái vế nấu cho cả nhà ăn. Ảnh: BVCC.

Hiện, vợ anh và một người con tình trạng nhẹ hơn nên đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Còn anh Líu và con trai 10 tuổi được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 1/3.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân Líu và con trai được chuyển đến Trung tâm chống độc vào ngày thứ 4 sau khi ăn nấm độc, trong tình trạng còn đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, huyết áp, mạch ổn định. Tuy nhiên, các xét nghiệm của người bệnh vẫn có tổn thương gan nặng, suy gan. Hai cha con anh Lịu được điều trị tích cực, giải độc…

Hiện cả 2 bệnh nhân đều tỉnh táo, có thể tiếp xúc được. Riêng con trai bắt đầu có xu hướng cải thiện, nhưng các bác sĩ chưa thể khẳng định được bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không, vì diễn biến của ngộ độc nấm rất phức tạp.

Chỉ nên ăn nấm nuôi trồng

Bác sĩ Nguyên cho biết, loại nấm mà gia đình anh Líu ăn phải là loại nấm cực độc, thuộc loại nấm chứa độc tố amatoxin. Đây là loại nấm độc nhất trong các loài nấm độc, thường gây chết người do viêm gan nhiễm độc phá huỷ tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.

Hiện bố con anh Líu đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ). Trong thời gian này, bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết. Vì vậy, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong.

Bác sĩ Trung cảnh báo, thời điểm mùa xuân - mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc nấm. Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc nên bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn.
Chỉ nên ăn các loại nấm nuôi trồng

PGS.TS Phạm Duệ, Nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã 30 năm gắn bó với chuyên ngành chống độc, nghiên cứu về nấm độc và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm. Vị Phó giáo sư cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về ngộ độc nấm, các loại nấm độc... rất quan trọng nhằm giúp giảm thiểu số vụ ngộ độc. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng cần phải biết chẩn đoán, xử trí ban đầu và điều trị sớm các trường hợp ngộ độc nấm này để tránh bệnh tiến triển nặng và dẫn tới tử vong.

Tiến sĩ Duệ cho biết, có những loại nấm độc nhất (nấm độc tán trắng – Amanita verna, nấm độc trắng hình nón – Amanita virosa) cũng có màu trắng muốt và nấu ăn cũng ngọt “không cần mì chính” nhưng lại là loài nấm chính gây độc ở nước ta.

Ước tính trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc.

Phó giáo sư khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn nấm hoang, nấm mọc dại trong vườn nhà hay nấm mọc trong rừng. Bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc, ngay cả chuyên gia về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành.

“Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau. Trong đám nấm lành cũng có nấm độc. Không phải nấm trắng là nấm không độc”, Phó giáo sư Duệ nói.

Theo Phó giáo sư Duệ, có thể mới đầu bạn ăn cây nấm mọc hoang trong vườn hay trong rừng sẽ thấy cơ thể hoàn toàn bình thường không bị sao thì đó là bạn may mắn ăn phải nấm lành. Nhưng nếu lần sau tiếp tục ăn nấm mọc hoang thì nguy cơ "dính" nấm độc là không thế loại trừ, bởi nấm mọc hoang thì thường là nấm độc nhiều hơn là nấm lành.

"Tự nhiên ban tặng cho chúng ta những đồ ngon ngọt quý giá, nhưng tự nhiên cũng "cho" chúng ta cả những con rắn độc, những cây nấm độc trú ẩn dưới dạng ngon ngọt, hình dạng trắng muốt nấu lên ăn ngọt hơn cả mì chính", Phó giáo sư Duệ bày tỏ quan điểm.

Đây là một trong những loại nấm độc, nhìn bên ngoài rất hấp dẫn.

Phó giáo sư Duệ cũng cho hay nếu muốn ăn nấm thì mọi người có thể tự trồng lấy ăn như nấm rơm, nấm kim châm, hoặc ra chợ mua giá thành cũng không quá đắt, bởi nếu không chẳng may ăn phải nấm độc, bị ngộ độc phải đi viện mất cả hàng trăm triệu lọc máu, thậm chí còn phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã thường xuyên đưa ra khuyến cáo cho người dân đề phòng nấm độc.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.

Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ

Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Ước tính trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc.



Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
2 cha con tổn thương gan sau ăn nấm, bác sĩ đưa ra những cảnh báo đặc biệt về loại thực phẩm này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO