5 cách để phát hiện nếu smartphone Android của bạn đang bị hack

12/11/2020 10:35

Nếu chiếc smartphone Android của bạn có dấu hiệu bị đơ thường xuyên, chạy chậm hoặc trình duyệt web sử dụng luôn có các cửa sổ quảng cáo tự động bật lên thì khả năng cao nó đã bị tin tặc tấn công.

VnReview.vn lược dịch bài viết của tác giả Cory Gunther, trang Makeuseof về 5 cách để phát hiện liệu xem điện thoại Android có đang bị hack hay không và cách khắc phục.

Ngày nay, smartphone trở thành một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, do đó đa số người dùng đều đặt nặng việc bảo vệ điện thoại khỏi các vấn đề liên quan đến phần cứng và phần mềm. Trong khi việc giữ cho phần cứng không bị hỏng hóc mang tính chủ động khá cao thì phần mềm lại không như vậy, các nguy cơ từ rủi ro bảo mật, virus là rất nhiều và phức tạp nên chúng ta thường xuyên thụ động trong tình huống này. Vì vậy, làm thế nào để nhận biết được nếu chiếc điện thoại Android của bạn đã bị tấn công?

Theo đó, mỗi khi bạn nhận thấy smartphone hoạt động không bình thường và bắt đầu chạy các tác vụ chứa nội dung độc hại thì hãy sử dụng năm cách sau để kiểm tra liệu nó có đang bị tấn công bởi phần mềm virus, ứng dụng lừa đảo hay một tập tin ngoài luồng nào hay không?

1. Dung lượng pin giảm đáng kể

Các ứng dụng độc hại chạy ngầm rất nguy hiểm, bạn không thể phát hiện ra chúng thông qua việc phán đoán thông thường do smartphone vẫn hoạt động bình thường. Thế nên, khi gặp trường hợp như vậy, cách tốt nhất là kiểm tra lượng pin tiêu hao của điện thoại. Mặc dù các smartphone Android đều có hệ thống Google Play Protect bảo vệ điện thoại khỏi ứng dụng độc hại tiềm ẩn, tuy nhiên chúng tôi khuyên bạn vẫn nên kiểm tra.

Nếu điện thoại không cắm sạc mà lại liên tục nóng lên thì đó là dấu hiệu cho thấy có một thứ gì đó đang chạy ẩn trong thiết bị. Để phát hiện chính xác những ứng dụng này trên smartphone hoặc tablet của bạn, hãy kiểm tra kỹ lưỡng bằng cách truy cập thẳng vào menu sử dụng pin.

Cụ thể, bạn thực hiện theo trình từ sau: Mở Cài đặt > Pin > Sử dụng pin, sau đó tìm xem ứng dụng lạ nào đang ngốn pin của máy.

Từ hình ảnh có thể thấy thông qua việc kiểm tra chi tiết pin thiết bị thì chúng ta phát hiện được hai ứng dụng không rõ nguồn gốc có tên là "10214" đã tiêu thụ hết 40% dung lượng pin.

Một lời khuyên cho bạn là hãy cảnh giác không chỉ với các ứng dụng có tên lạ mà cả với những ứng dụng thông thường. Đã có trường hợp thiết bị của người dùng bị một ứng dụng có trên CH Play tấn công và trước đó họ chưa từng cài đặt ứng dụng này. Có nhiều vấn đề uẩn khúc đằng sau, tuy nhiên, nếu thấy bất kỳ app nào đang gây tốn pin đáng kể, bạn đừng chần chờ mà hãy xóa ngay nó khỏi thiết bị.

2. Các app tự động cài đặt trên máy

Một dấu hiệu khác cho thấy điện thoại bạn đã bị tấn công là sự xuất hiện vô cớ của một số ứng dụng không có nguồn gốc. Các phần mềm độc hại này thường được cài đặt ngẫu nhiên trên smartphone sau khi bạn đã truy cập vào các trang web không chính thống. Qua đó, mỗi khi bạn tiếp cận những website hay ứng dụng phim khiêu dâm, cá độ… gọi chung là web đen thì nguy cơ thiết bị của bạn bị tấn công là rất cao.

Nhiều người thường ngó lơ điều này, tuy nhiên, nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho thiết bị của bạn. Đôi khi, những ứng dụng được cài đặt từ web đen không gây hao pin nhưng chúng vẫn có khả năng gây hại và tiêu tốn kha khá data di động trên máy. Nếu bạn tìm thấy ứng dụng như vậy trong điện thoại thì đây là cách để xóa bỏ nó.

Điều hướng đến Cài đặt> Ứng dụng> Trình quản lý ứng dụng, bạn sẽ nhìn thấy một danh sách có chứa tất cả các app trên điện thoại, hãy tìm và gỡ cài đặt những ứng dụng độc hại này.

Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên thận trọng thực hiện quá trình gỡ cài đặt, bởi vì không chỉ các ứng dụng trên web đen được cài đặt ngẫu nhiên mà có cả các phần mềm do nhà sản xuất smartphone cài đặt từ đầu, chúng là các ứng dụng hệ thống và có thể bạn chưa từng thấy bao giờ.

3. Data di động giảm nhanh chóng

Hầu hết những người dùng đăng ký gói data có lưu lượng lớn trong một tháng thường không quan tâm lượng dữ liệu di động họ sử dụng trong một ngày, đơn giản bởi vì họ có tâm lý cho dù có sử dụng nhiều thế nào cũng khó mà hết được. Nhưng nếu điện thoại bị nhiễm virus, lưu lượng data di động sẽ giảm rất nhanh do ứng dụng độc hại mà bên thứ ba cài vào liên tục "ăn" dữ liệu mạng.

Để kiểm tra, hãy điều hướng đến Cài đặt> Kết nối & WiFi> Sử dụng dữ liệu, tìm xem ứng dụng nào đang tiêu tốn nhiều data trên máy và xóa bỏ nó.

Các nền tảng phát trực tuyến như YouTube, Spotify và ứng dụng game thường xuyên sử dụng nhiều dữ liệu chỉ khi chúng ta trải nghiệm chúng, không có bất cứ một ứng dụng nào tự nhiên tiêu tốn tới 5GB trong một tháng khi bạn không dùng nó, do đó, nếu phát hiện thấy một phần mềm lạ hoắc đang làm giảm đáng kể lượng data trên máy thì chắc chắn nó là độc hại và đừng chần chờ mà hãy gỡ cài đặt app này ngay.

4. Các cửa sổ quảng cáo tự động bật lên

Quảng cáo cửa sổ bật lên hay cửa sổ bật lên là một hình thức quảng cáo trực tuyến hay xuất hiện trên các trang web hiện nay, chúng có nhiều hình dạng cũng như kích thước khác nhau và thường bất ngờ xuất hiện ở giao diện trực quan của web. Tôi đã học cách bỏ qua những quảng cáo này bởi vì đa số đều chứa những nội dung vô bổ. Hơn nữa, một số quảng cáo còn tiềm tàng rủi ro bảo mật và có thể khiến bạn gặp rắc rối.

Đặc điểm nhận diện là loại quảng cáo này thường có những thông tin kỳ lạ, thú vị hay kích thích để khiến người xem cảm thấy tò mò và nhấp vào. Thay vì sẽ thấy những gì mà quảng cáo trước đó đề cập thì bạn chỉ nhận được kết cục là điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại.

Mặc dù Google đã nâng cao một số tính năng để hỗ trợ web của mình trong việc hạn chế tối đa các quảng cáo như vậy, đặc biệt là trình duyệt Google Chrome trên Android, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài cửa sổ quảng cáo bật lên. Chưa hết, có những cửa sổ quảng cáo liên tục bật lên khiến điện thoại không ngừng rung và nhấp nháy, trong trường hợp này cách tốt nhất là bạn hãy đóng toàn bộ trình duyệt và khởi động lại máy.

5. Điện thoại liên tục gặp sự cố bất thường

Bỗng một ngày, smartphone Android liên tục gặp các vấn đề như ứng dụng tự động mở, chạy chậm, bị đơ màn hình… mà không xác định được lý do thì khả năng cao nó đã bị nhiễm virus hay phần mềm độc hại.

Để giải quyết, hãy thử quét toàn bộ điện thoại bằng tính năng "Play Protect" của Google được tích hợp sẵn trên Google Play. Tuy nhiên, khả năng của Play Protect khá giới hạn do nó chỉ là một công cụ cơ bản nên bạn có thể cân nhắc sử dụng một phần mềm mạnh mẽ hơn như Malwarebytes.

Có hàng tá ứng dụng quét chống virus cũng như bảo mật smartphone trên Google Play, nhưng tôi khuyên bạn nên tải xuống những ứng dụng có thương hiệu nổi tiếng và tên tuổi đáng tin cậy. Đây được xem là phương pháp nhanh chóng song cũng rất dễ dàng, các app Antivirus như Malwarebytes chỉ mất vài phút để quét toàn bộ điện thoại và xóa bỏ các phần mềm độc hại.

Thiết lập lại dữ liệu ban đầu

Nếu tất cả các cách trên đều trở nên vô ích thì phương án cuối cùng mà bạn có thể thử là thiết lập lại máy về hiện trạng ban đầu. Trước khi thực hiện quy trình này, bạn hãy sao lưu những dữ liệu quan trọng có trên điện thoại bởi vì khi cài đặt hoàn tất thì máy sẽ xóa hết tất cả ứng dụng, dữ liệu cũ.

Điều hướng tới Cài đặt> Sao lưu & Đặt lại (hoặc Bảo mật)> Đặt lại> Đặt lại dữ liệu ban đầu và tiến hành reset lại máy.

Cách giữ an toàn cho smartphone Android của bạn

Vào năm 2019, việc Google xác nhận có hơn 2,5 tỷ smartphone Android trên toàn cầu chính thức giúp Android trở thành hệ điều hành điện thoại đứng đầu thị trường. Tuy nhiên, số lượng điện thoại tăng trưởng nhanh như vậy khiến công tác kiểm soát và bảo vệ của nhà phát triển trở nên ngày càng khó khăn, tin tặc đã lợi dụng điều này để tổ chức các cuộc tấn công.

"Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh", thế nên bạn hãy tuân thủ các nguyên tắc sau ngay từ đầu để tránh khỏi các nguy cơ bị hack:

Luôn cập nhật và cài đặt các phiên bản hệ điều hành mới.

Tắt hoặc bỏ chọn mục Cài đặt từ Nguồn không xác định trong Cài đặt.

Thiết lập vận tay, FaceID, mật khẩu hay mã PIN cho máy.

Chỉ cài đặt ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy như Google Play Store, Amazon App Store hoặc các ứng dụng Galaxy của Samsung.

Tuyệt đối không tải xuống các file APK ngoài luồng vì chúng tiềm tàng rất nhiều rủi ro bảo mật.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
5 cách để phát hiện nếu smartphone Android của bạn đang bị hack
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO