Thu ngân sách khá do đà tăng trưởng kinh tế cuối năm trước

Minh Phương/Báo Tin tức| 09/07/2021 15:41

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra chiều 9/7, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: Nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm vẫn đạt khá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020. Tuy nhiên dịch COVID-19 lại bùng phát mạnh từ cuối tháng 4/2021 nên thời gian tới, nguồn thu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Dịch bệnh bùng phát nên thời gian tới nguồn thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TCT.

“Trong 6 tháng đầu năm, một số ngành tăng trưởng cao như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu”, ông Cao Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên COVID-19 lại bùng phát từ cuối tháng 4/2021 nên ngành Thuế trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp yếu, kiệt quệ, ảnh hưởng tới đóng góp cho nguồn ngân sách.

Số thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân khoảng 59,1 USD/thùng. Nguồn thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ năm ngoái. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ năm ngoái.

Nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%. Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 của ngành Thuế được giao là 1.116.700 tỷ đồng.

Theo ôngCao Anh Tuấn, nguồn thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, "nóng" như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể: Khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng; thứ hai, tăng thu thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

“Nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, dẫn đến số thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng”, ông Cao Anh Tuấn cho biết.

Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm nay, đa số các địa phương đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Có 48 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 55%; có 12 địa phương thực hiện đạt từ trên 50% đến dưới 55% dự toán. Mặc dù vậy vẫn còn 3 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 50%) là Bắc Cạn; Sơn La; Hòa Bình.

Mặc dù thu ngân sách đạt tiến độ thu khá so với dự toán nhưngtrước diễn biến phức tạp trở lại của dịch bệnh COVID-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã trực tiếp ảnh hướng đến một số khu công nghiệp, địa phương lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cùng với các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều áp lực.

Trong bối cảnh kinh tế lại gặp khó khi dịch bùng phát, theo ông Cao Anh Tuấn, từ nay tới cuối năm, ngành Thuế phải thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân để nuôi dưỡng nguồn thu; tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thôngtin (CNTT) trong quản lý thuế; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

"Chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh;tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắchoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc cho người nộp thuế, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN", lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Thu hồi nợ thuế hơn 16.000 tỷ đồng

Lũy kế đến 30/6/2021, ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao, trong đó,thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.012 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.290 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế đượckhoanh là 2.172 tỷ đồng.

Tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến ngày 30/6/2021 là 115.983 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình cấp có thẩm quyền xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/6/2021 là 105.315 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thu ngân sách khá do đà tăng trưởng kinh tế cuối năm trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO