Covid-19 'tung hoành' dữ dội khi nước Mỹ rối bời vì bầu cử

18/11/2020 15:17

Với số lượng gần 200.000 ca mắc mới mỗi ngày, đại dịch Covid-19 đang ngày càng có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát tại Mỹ, giữa lúc các quan chức và người dân lâm vào cuộc tranh cãi kết quả bầu cử.

Các biện pháp phòng dịch kiểu "chắp vá"

Nước Mỹ đang rơi vào 2 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cùng lúc: bầu cử tổng thống và đại dịch Covid-19. Khác với hầu hết các kỳ bầu cử trước đây, đã hơn 2 tuần sau ngày bầu cử 3/11, người Mỹ vẫn chưa biết ai sẽ trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Trong lúc đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp nước Mỹ, với các con số liên tục nhảy múa theo chiều hướng tăng phi mã. Sau bầu cử, nước Mỹ đáng lẽ phải tập trung vào các biện pháp chiến đấu với đại dịch thì giờ đây lại lâm vào cuộc tranh cãi kết quả bầu cử. Trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump dường như đang lơ là trong các biện pháp đối phó dịch bệnh, nhiều người phớt lờ các biện pháp hạn chế tụ tập đông người để xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử.

Covid-19 “tung hoành” dữ dội khi nước Mỹ rối bời vì bầu cử - 1

Số ca Covid-19 mới tại Mỹ tăng vọt trong tháng 11 (Đồ họa: BBC)

Số liệu của đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca mắc mới tại Mỹ tiếp tục tăng rất cao. Chỉ riêng trong ngày 16/11, hơn 166.000 người đã được xác nhận nhiễm vi rút. Theo số liệu của worldometers, cho tới nay Mỹ đã ghi nhận hơn 11,6 triệu ca Covid-19 và hơn 254.000 người tử vong vì dịch bệnh.

Trong khi đó, theo New York Times, các bang tại Mỹ đang đưa ra các biện pháp rời rạc, thiếu nhất quán nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh.

Bang Ohio đã công bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Illinois sẽ dừng các hoạt động an uống đông người trong nhà. Mississippi mở rộng quy định đeo khẩu trang bắt buộc thêm 7 hạt. Iowa sẽ ra lệnh cấm đeo khẩu trang trên toàn quốc.

Các hành động trên đã được các thống đốc địa phương công bố trong 24 giờ qua, cùng cảnh báo rằng các bệnh viện đang đạt tới ngưỡng quá tải. Đây là sự bổ sung vào các biện pháp ngày càng chắp nhằm đối phó Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tới mức độ khủng hoảng trên khắp nước Mỹ.

Một số bang đang đưa ra các biện pháp khác nhau trong nỗ lực “điên cuồng” nhằm ứng phó với đại dịch. Tại Mississippi, Thống đốc Tate Reeves đã dỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang trên toàn bang hồi tháng 9 nhưng quy định này giờ đây được tái áp dụng đối với 22 trong số 82 hạt của bang kể từ ngày 16/11.

Trên khắp nước Mỹ, hơn 1 triệu ca mắc mới đã được thống kê chỉ trong vòng 1 tuần qua, khi giới chức tại tất cả 50 bang báo cáo các con số không ngừng tăng. Đại dịch đang lây lan nhanh chóng khắp nơi, mặc dù tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại vùng Trung Tây và vùng miền núi Bờ Tây.

New Hampshire, Texas, Oregon và Tennessee nằm trong số 39 bang đã chứng kiến các ca Covid-19 lên kỷ lục trong vài ngày qua. Số ca tử vong cũng gia tăng, với trung bình trên 1.100 ngươi tử vong một ngày, cao nhất kể từ đầu tháng 8.

Các lệnh giới nghiêm liên quan tới Covid-19 cũng đang được áp dụng trên khắp New Mexico và Puerto Rico và Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết ông đang cân nhắc áp dụng lệnh tương tự khi dịch Covid-19 đang tăng tốc.

Một số thống đốc đảng Cộng hòa cuối cùng cũng đang cân nhắc sử dụng thẩm quyền của họ để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump về cơ bản còn tham gia tích cực về biện pháp ứng phó với dịch bệnh, giữa lúc ông có nguy cơ rời Nhà Trắng vào đầu năm sau nếu thất bại bầu cử.

Thống đốc Iowa hồi tuần này đã bố quy định đeo khẩu trang trong nhà tại các nơi công cộng. Thống đốc bang Maryland tuyên bố, bắt đầu từ thứ Sáu tuần này, tất cả các quán bar, nhà hàng và các hộp đêm đều phải đóng cửa trước 10 giờ tối. Các cửa hàng kinh doanh, các trung tâm tôn giáo và các tổ chức sẽ bị giới hạn phục vụ 50% công suất.

“Đây không phải là bệnh cúm”, Thống đốc Maryland Larry Hogan cảnh báo, kêu gọi người dân không được chủ quan với vi rút. “Đây không phải tin giả. Nó sẽ không tự nhiên biến mất khi tất cả chúng ta đều mệt mỏi với nó và muốn trở lại cuộc sống bình thường”.

Covid-19 “tung hoành” dữ dội khi nước Mỹ rối bời vì bầu cử - 2

Một bệnh nhân được đưa bằng càng tới bệnh viện ở Manhattan, New York, Mỹ (Ảnh: Reuters)

Tiến sĩ Fauci: Mỹ cần một cách tiếp cận thống nhất 

Trong khi đó, tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về bệnh truyền nhiễm, ngày 17/11 nói rằng Mỹ cần một cách tiếp cận thống nhất trong việc đối phó với dịch bệnh, thay vì các biện pháp rời rạc theo từng bang hay từng thành phố.

“Chúng ta cần các biện pháp y tế công cơ bản mà tất cả mọi người nên tuân thủ, chứ không nên rời rạc. Một bang nói điều này trong khi bang kia lại nói điều khác”, New York Times dẫn lời ông Fauci.

Ông Fauci cũng cho rằng, ông tin là Tổng thống Trump nên cho phép nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden tiếp cận các quan chức y tế liên bang để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.

“Tôi đã trải qua 5 cuộc chuyển giao quyền lực, tôi có thể nói rằng các cuộc chuyển giao quyền lực đặc biệt quan trọng đối với sự vận hành trơn tru của bất kể vấn đề gì mà các bạn đang làm. Chúng ta cần chuyển giao cho nhóm sẽ thực hiện điều đó, như cách chúng ta đang làm hiện nay”, chuyên gia trên nói.

Ông Biden đang giành ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng với 306 phiếu đại cử tri, vượt con số 270 phiếu để đắc cử. Nếu nhậm chức vào ngày 20/1 tới, ông sẽ đối mặt với một nhiệm vụ to lớn nhằm phân phối vắc xin, trong trường hợp vắc xin đã được phê chuẩn sử dụng.

Ông Fauci cho hay, có 2 yếu tố ảnh hưởng tới vắc xin: mức độ hiệu quả và có bao nhiêu người tiêm. Hiện Mỹ có 2 ứng viên vắc xin đã cho kết quả khả quan. Hồi đầu tuần này, công ty Moderna thông báo vắc xin thử nghiệm của họ hiệu quả đến 94,5%, trong khi hãng dược Pfizer tuần trước cho biết vắc xin của hãng hiệu quả trên 90%.

Ông Fauci cảnh báo, các con số trên sẽ không có ý nghĩa trừ khi hầu hết mọi người được tiêm chủng. Theo ông, nếu 75-80% người dân không được tiêm phòng, nước Mỹ sẽ vẫn đối mặt với các thách thức y tế nghiêm trọng.

Hãng dược Pfizer ngày 16/11 đã bắt đầu chương trình thử nghiệm vận chuyển vắc xin để tiêm chủng tại 4 bang là Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee.

Nguy cơ “ô dịch” trong Quốc hội Mỹ

Covid-19 “tung hoành” dữ dội khi nước Mỹ rối bời vì bầu cử - 3

Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley, 87 tuổi, trở thành thành viên quốc hội mới nhất mắc Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Theo Guardian, Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley, 87 tuổi, thành viên nhiều tuổi nhất của đảng Cộng hòa hiện đang phục vụ tại Quốc hội Mỹ, ngày 17/11 thông báo ông đã mắc Covid-19. Ông Grassley là thành viên trên 80 tuổi thứ hai của Quốc hội được xác nhận nhiễm vi rút trong tuần qua.

Xác nhận của ông Grassley đã làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ ổ dịch Covid-19 có thể bùng phát ở Quốc hội, nơi các nghị sĩ tiếp tục nhóm họp trong các căn phòng kín với các biện pháp đề phòng không được áp dụng nhất quán.

Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott đã phải cách ly sau khi tiếp xúc với một người dương tính với vi rút, và vài hạ nghị sĩ khác cũng bị cách ly vì các lý do tương tự.

Hạ nghị sĩ 87 tuổi Don Young, thành viên phục vụ lâu năm nhất tại Hạ viện và cũng là người cao tuổi nhất, đã phải nhập viện hồi cuối tuần qua do mắc Covid-19. Hai nghị sĩ khác cũng công bố dương tính với vi rút cùng ngày.

Theo CNN, cách ứng phó với đại dịch đã gây chia rẽ ngay trong Quốc hội Mỹ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz đã gọi Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown là “ngu ngốc” trong một cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề đeo khẩu trang ngay tại Quốc hội.

Tranh cãi bắt đầu khi ông Brown đề nghị Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dan Sullivan đeo khẩu trang trong lúc phát biểu, khi ông chủ trì một cuộc họp tại Thượng viện, một đề nghị mà ông Sullivan từ chối thực hiện.

Ông Cruz sau đó đã lên mạng xã hội chỉ trích ông Brown về vụ việc: “Điều này thật ngu ngốc. Sherrod Brown hoàn toàn là một kẻ ngu ngốc. Ông ta đeo khẩu trang để phát biểu trong khi không có ai ở gần đó. Đó là một dấu hiệu rõ ràng của thói đạo đức giả”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Covid-19 'tung hoành' dữ dội khi nước Mỹ rối bời vì bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO