Từ vụ bé gái rơi chung cư, cần làm gì để bảo vệ trẻ em trên các tòa nhà cao tầng?

Ngọc Hân| 01/03/2021 13:50

Việt BáoLan can ở ban công không được làm dưới 1,4m, không được làm song ngang, không kê vật dụng dưới lan can vì vô tình giúp các em bé dễ leo trèo. Bên cạnh đó, cửa sổ, hành lang, lối thông gió, thoát hiểm... cũng cần được chú ý để giảm nguy cơ cho trẻ.

Dồn dập các tai nạn trẻ em rơi từ tầng cao

Khoảng hai năm trở lại đây, nhiều em bé rơi từ tầng cao tòa nhà chung cư để lại hậu quả không ai mong muốn và đã làm nhiều ông bố bà mẹ hoang mang, lo lắng.

Mới nhất, tối 28/2, một bé gái khoảng 2-3 tuổi ở trèo qua lan can ban công căn hộ tầng 12 tại chung cư số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng (Quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) và rơi xuống dưới. Rất may, bé được anh Nguyễn Ngọc Mạnh kịp thời phát hiện, đỡ lấy cháu bé. Thấy miệng cháu bé chảy máu, anh Mạnh nhanh chóng bàn giao cho bảo vệ tòa nhà. Ngay sau đó, bé gái được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết bệnh nhi hiện tỉnh, tiếp xúc tốt, không có dấu hiệu khó thở.

Ngoài bị trật khớp háng, kết quả siêu âm, chụp X-quang vùng ổ bụng, lồng ngực cùng các xét nghiệm cận lâm sàng chưa thấy dấu hiệu bất thường. Chẩn đoán tại hiện trường chiều 28/2 khi bé ngã là bị gãy tay chân.

Hình ảnh bé gái rơi từ tầng 12 tòa nhà chung cư. Ảnh: cắt từ video.

Ngoài vụ việc của bé gái trên, trong vòng hai năm trở lại đây, có rất nhiều vụ việc trẻ em ở chung cư cao tầng bị rơi xuống đất do trèo, hoặc lọt qua lan can ban công.

Tháng 12/2020 ở Thái Bình, một em bé 3 tuổi lọt qua lan can ban công căn hộ ở tầng 8 và rơi xuống đất. Rất may, em rơi vào mái hiên bằng tôn xốp ở tầng 1 nên không thiệt mạng.

Chỉ trước đó không lâu, tháng 11/2020, một bé trai 6 tuổi đã rơi từ tầng 8 của chung cư  tại phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) xuống và tử vong tại chỗ, trong lúc người thân không hay biết.

Tháng 8/2020, một bé gái 6 tuổi tại một tòa chung cư phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, rơi từ tầng 12 của tòa nhà xuống và tử vong. Thông tin cho biết, thời điểm bé rơi bố mẹ không có nhà trong khi ô cửa sổ lại không có song sắt. 

Năm 2019, một bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 12 của một khu chung cư thuộc quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) xuống đất. Tuy bị đa chấn thương nhưng bé đã được đưa đi cấp cứu và may mắn sống sót.

Các vụ trẻ em rơi dồn dập gần đây được thông tin  đang khiến nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ sống trong các tòa nhà cao tầng, chung cư hết sức lo lắng.

Vợ chồng chị Trần Nhâm có hai con nhỏ, 7 tuổi và hơn 2 tuổi. Hiện, vợ chồng chị đang ở căn hộ trên tầng 10 tại một chung cư ở phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Đọc được các thông tin trên, chị rất lo lắng. “Tối khuya 28/2, xem các video bé gái ở Hà Nội rơi từ tầng 12 tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Ngay sau đó, vợ chồng tôi ra ban công kiểm tra các lan can đã chắc chắn chưa. May chồng tôi kỹ tính nên khi dọn về ở anh đã rào chắn cẩn thận”.

Hiện bé gái đang được các y bác sĩ chăm sóc. Ảnh: BVCC.

Mối nguy không chỉ nằm ở lan can.

Các chuyên gia đánh giá, việc các em bé rơi từ tầng cao xuống đất và may mắn được cứu sống như vừa qua là câu chuyện thần kỳ. Tuy nhiên, nó là bài học cho các bậc phụ huynh, nhất là các gia đình đang ở nhà chung cư.

Theo kỹ sư Lê Quang Danh, Giám đốc công ty thiết kế xây dựng Nhà Việt cho biết, khi nhà có trẻ em, lan can ban ở các tầng cao phải có chiều cao tối thiểu 1,4m mới có thể an toàn. Đặc biệt ban công không nên làm thanh ngang mà phải làm thanh dọc có khoảng cách không quá 10cm.

Các bậc phụ huynh cũng cần để ý đóng cửa ban công hoặc lắp các thiết bị kính chắn, lưới thép theo hướng dẫn vừa đảm bảo an toàn phòng cháy vừa an toàn cho trẻ… Việc lắp lưới an toàn sẽ giúp trẻ nhỏ thoải mái vui chơi, cha mẹ sẽ an tâm hơn.

Ở dưới nền ban công không được để chậu hoa, máy giặt, ghế ngồi hay các đồ dùng có thể giúp các bé leo trèo. Ở cửa ngăn cách giữa nhà với ban công thì nên đóng lại khi không có người lớn ở nhà. Với các gia đình có con nhỏ thì nên làm song chắn để các bé không bò, chạy ra ngoài ban công.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho biết, hiện nay, với những tiện ích, vấn đề an ninh và đô thị hóa tại các thành phố lớn, nhiều gia đình chọn ở các tòa nhà cao tầng.

Gia đình anh Truyền cũng chọn ở chung cư, dù có nhà biệt thự, nhà vườn và nhà phố. Anh cho biết, ở chung cư thì vấn đề an ninh tốt, các dịch vụ: hồ bơi, siêu thị, khu vui chơi hay các điểm ăn uống, đi dạo… rất tiện và đầy đủ. Tuy nhiên, về mặt phòng cháy chữa cháy, độ an toàn thì phụ thuộc vào thiết kế ban đầu của tòa nhà và lợi nhuận của chủ đầu tư.

Ảnh minh họa: Internet

Theo kiến trúc sư Truyền, hiện nay, nhiều chủ đầu tư khi thiết kế, xây dựng chung cư thường đặt lợi nhuận lên trên hết nên chất lượng nhiều tòa nhà rất đáng lo ngại. Cụ thể là thiết kế và chất lượng ở các cửa sổ, lỗ thông gió, lan can hành lang và ban công.

Thường cửa sổ các chung cư là cửa kính cường lực, không có song chắn. Để đảm bảo an toàn, khi nhận nhà gia chủ nên làm khung bảo vệ để tránh trường hợp kính vô tình bị vỡ hoặc con nhỏ chơi nghịch, tháo chốt cửa sẽ có những rủi ro. Tuy nhiên, khi làm song cửa thì nên làm sao có thể mở ra, đóng lại được để khi có cháy nổ có thể thoát hiểm dễ hơn.

Đối với cánh cửa của cửa sổ, về nguyên tắc, chỉ nên dùng cửa bật, chỗ bật ra không được lớn hơn 15 cm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chung cư làm cửa lùa, chỗ bật lớn hơn 15 cm. Điều này là không đúng, dễ gây nguy hiểm. Nếu gia chủ nhận nhà mà cửa sổ có tình trạng này thì nên điều chỉnh cho phù hợp.

Ở cửa ngăn cách giữa nhà với ban công thì nên đóng lại khi không có người lớn ở nhà. Với các gia đình có con nhỏ thì nên làm song chắn để các bé không bò, chạy ra ngoài ban công.

Điều cuối cùng, là làm sao huấn luyện và cảnh giác cho các thành viên trong gia đình về vấn đề cháy nổ, các rủi ro khi ở nhà cao tầng. "Chuyện này, với các bé 6 tuổi trở lên sẽ rất dễ, nhưng các em bé nhỏ hơn thì chẳng còn cách nào khác là ba mẹ phải canh chừng, không được mất cảnh giác hoặc để con chơi một mình", kiến trúc sư Truyền nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ bé gái rơi chung cư, cần làm gì để bảo vệ trẻ em trên các tòa nhà cao tầng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO